Tình người dưới chân đèo Ea Na

|

Khoa điều trị bệnh phong (hay còn gọi là Trại phong Ea Na) thuộc Trung tâm da liễu tỉnh Đác Lắc nằm lặng lẽ dưới chân đèo Ea Na, tỉnh lộ 2, huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc. Trước đây, do những định kiến về bệnh phong, những người bệnh điều trị ở đây bị kỳ thị, xa lánh, sống đơn độc, buồn tủi. Tuy nhiên, hàng chục năm nay vẫn có những cán bộ y tế gắn bó với những người bệnh, giúp họ vượt qua tự ti, mặc cảm, tin tưởng vào cuộc sống, yên tâm chữa bệnh, hòa nhập với cộng đồng.

Nửa đời gắn bó với người bệnh phong

Từ TP Buôn Ma Thuột xuôi theo đường Hồ Chí Minh, đến ngã ba Duy Hòa rẽ vào tỉnh lộ 2 đi khoảng 10 km nữa là đến chân đèo Ea Na. Từ đây, men theo con đường nhỏ thêm vài trăm mét là đến Trại phong Ea Na nằm lặng lẽ giữa buôn Tuôr A, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana. Chúng tôi cảm nhận được cuộc sống nơi đây âm thầm và chậm rãi, bởi hầu hết những người bệnh phong đều đã lớn tuổi. Trước đây, họ luôn tự ti về ngoại hình dị biệt của mình thì nay đã vượt qua sự mặc cảm và sống chan hòa hơn. Điều giúp họ có được niềm tin vào cuộc sống để yên tâm chữa bệnh chính là tình thương, sự cảm thông chia sẻ của các cán bộ y tế nơi đây.

Một trong những người gắn bó lâu nhất với Trại phong Ea Na là bác sĩ Trần Sỹ Tố. Năm 1990, bác sĩ Tố viết đơn tình nguyện vào công tác tại Trại phong Ea Na và gắn bó từ đó đến nay. Gần 30 năm gắn bó với Khoa điều trị phong Ea Na, trong đó hơn 10 năm làm trưởng khoa, với ông như một duyên nợ với những người mang trong mình bệnh phong. Trong câu chuyện với tôi, hai chữ tình người luôn được ông nhắc đi, nhắc lại và chính điều này mà ông cũng như các cán bộ y tế ở đây đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ để chăm sóc người bệnh. Ông kể, thời kỳ đầu khi ông đến nhận công tác, trại phong rất nhiều khó khăn. Thời điểm đó, khu điều trị chỉ có quy mô 50 giường bệnh, trong khi số người bệnh lên tới gần 350 người và hầu hết là những ca nặng. Bên cạnh đó, sự hiểu biết của người dân chung quanh và cộng đồng về bệnh phong còn hạn chế dẫn đến kỳ thị, né tránh không ai dám bước chân vào đây vì sợ bị lây nhiễm. Do số lượng người bệnh đông, cán bộ, nhân viên y tế lại ít, dù nhà chỉ cách nơi làm việc chưa đầy 500 m, nhưng bác sĩ Tố ngủ ở nhà còn ít hơn ngủ ở phòng trực của khoa. Những cơn đau đớn của người bệnh khiến ông không thể nào yên tâm chợp mắt. Nhiều ca bệnh, ông cùng nhân viên phải túc trực suốt đêm để phẫu thuật cho người bệnh. “Vì bị bệnh dẫn đến khuyết tật, không có khả năng lao động, nhiều người bệnh bị người thân bỏ rơi, phó mặc số phận cho cán bộ y tế. Vì vậy, các cán bộ, nhân viên y tế ở đây không chỉ ngày đêm căng mình chữa trị nỗi đau thể xác mà còn tìm cách nói chuyện, hỏi han, động viên người bệnh để họ có niềm tin, hy vọng và yên tâm chữa bệnh”, bác sĩ Tố tâm sự.

Trong số hàng trăm người bệnh đang điều trị ở đây, ông nhớ nhất là ông Y Khó Ralan, dân tộc Gia Rai đến từ huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Ông Y Khó Ralan mắc bệnh phong từ lúc 10 tuổi. Năm 1985, khi đã 17 tuổi, nghe tin ở Đác Lắc có trại điều trị bệnh phong, ông đã tìm đến đây để chữa trị và gắn bó cuộc đời còn lại của mình ở đây...

Cũng vì tình yêu thương đối với người bệnh mà các cán bộ, nhân viên y tế ở Trại phong Ea Na không ngại khó khăn, gian khổ, tự nguyện gắn bó lâu dài. Hỏi về bà H’Xul Êban ở buôn Tuôr A thì ai trong trại phong này cũng yêu mến, bởi bà có gần 40 năm làm cấp dưỡng, chăm lo từng miếng cơm, ly nước cho người bệnh. Các con bà là chị H’Kiăt Êban, H’Két Niê từ nhỏ theo mẹ vào trại phong làm cấp dưỡng, lớn lên chị H’Kiăt Êban theo nghiệp mẹ làm cấp dưỡng, còn H’Két Êban theo học ngành y rồi về làm điều dưỡng chăm sóc người bệnh phong nơi đây.

“Hồi sinh” những mảnh đời

Cùng với bác sĩ Trần Sỹ Tố đi thăm nơi điều trị bệnh, nơi cấp dưỡng, nơi ăn, ở, sinh hoạt, sản xuất của người bệnh phong trong khuôn viên rộng gần bốn héc-ta của Trại phong Ea Na, chúng tôi cảm nhận được những tình cảm, chân tình của cán bộ y tế nơi đây đối với những người bệnh cũng như tình cảm của chính người bệnh dành cho nhau. Chính tình yêu thương đó đã làm “hồi sinh” những mảnh đời đã từng bị người thân hắt hủi, xã hội kỳ thị, xa lánh. Câu chuyện của anh Huỳnh Thanh Phong, kỹ thuật viên giày dép ở Trại phong Ea Na là một minh chứng. Anh Phong sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bạc Liêu. Vì mưu sinh, anh bôn ba khắp nơi rồi lưu lạc lên làm nương rẫy ở huyện Đác R’lấp, tỉnh Đác Nông. Sau một thời gian lao động vất vả ở các nương rẫy, năm 1998 anh phát hiện trên người mình có những đám da bất thường, dùng kim chích không thấy đau. Đi khám da liễu, khi nghe bác sĩ thông báo mắc bệnh phong, anh không tin vào tai mình, nghĩ đời mình đến đây là hết... Tìm tới Trại phong Ea Na để điều trị, được sự động viên, chăm sóc tận tình của bác sĩ Trần Sỹ Tố và các cán bộ y tế, anh Phong đã lấy lại động lực để sống. Sau hơn một năm điều trị, anh được bác sĩ Tố cho biết đã hết bệnh, nhưng phải theo dõi ba năm xem có tái phát không. Cũng trong thời gian này, anh được bác sĩ Tố động viên và tạo điều kiện xuống Bệnh viện Quy Hòa ở TP Quy Nhơn học nghề làm giày dép cho người bệnh phong. Sau ba năm vừa học nghề vừa theo dõi bệnh, anh Phong được thông báo khỏi bệnh. Và cũng chính từ tình thương những người cùng cảnh ngộ, anh đã tình nguyện về làm kỹ thuật viên giày dép cho người bệnh phong ở Trại phong Ea Na từ năm 2001 đến nay. Anh Phong chia sẻ: “Trong thời gian điều trị ở đây, hằng ngày nhìn những người cùng cảnh ngộ đi trên đôi chân không lành lặn, tôi rất xót xa. Vì vậy, khi điều trị khỏi bệnh, tôi đã tình nguyện ở lại đây. Công việc tuy vất vả nhưng nhìn những đôi giày vừa vặn với những đôi chân không còn nguyên vẹn, giúp người bệnh đi lại thuận lợi hơn tôi rất rồi. Chính những nụ cười, niềm vui của họ đã động viên tôi tiếp tục mày mò sáng tạo ra các sản phẩm tốt hơn, giúp họ vơi đi những nỗi đau thể xác, củng cố niềm tin về tinh thần để yên tâm chữa bệnh, hòa nhập với cộng đồng”, anh Phong bộc bạch. Sau gần 20 năm gắn bó với Trại phong Ea Na, anh Phong đã xây dựng hạnh phúc gia đình với một người vợ hiền và đã có hai đứa con xinh xắn, khỏe mạnh.

Sau khi điều trị khỏi bệnh phong, anh Huỳnh Thanh Phong đã tình nguyện ở lại Trại phong Ea Na sản xuất giày dép cho người bệnh.

Ở Trại phong Ea Na có gần 80 người bệnh điều trị nội trú. Phần lớn họ khi mắc phải căn bệnh này đều mất khả năng lao động, cuộc sống khó khăn... Đến với trại, được các y, bác sĩ tận tình chữa trị, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ; sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Nhà nước và tình thương yêu gắn bó giữa những con người cùng cảnh ngộ với nhau, nhiều người đã tìm được hạnh phúc. Câu chuyện tình cảm của ông Y Tloh Niê sinh năm 1933 và bà H’Chíp Niê sinh năm 1945 như một mảnh ghép nhiệm màu của cuộc sống. Theo giới thiệu của bác sĩ Tố, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông bà giữa khu trại phong. Bà H’Chíp Niê kể lại, cách đây hơn tám năm, ông Y Tloh bị bệnh nặng, sinh hoạt vất vả mà không có người nhà bên cạnh, bà đã tình nguyện chăm sóc cho ông. Dần dà, ông bà cảm mến nhau cho nên đã quyết định về sống chung. Tất cả mọi người trong trại phong đều ủng hộ và bố trí cho ông bà một căn nhà nhỏ.

Nằm lặng lẽ dưới chân đèo Ea Na, trong khuôn viên của Trại phong Ea Na hiện có 96 căn nhà, mỗi căn có diện tích 80 m2 được Tổ chức phi chính phủ FRF (Fondation Raoul Follereau) xây tặng. Nhiều người vào đây điều trị bệnh, được tặng nhà ở rồi đưa cả gia đình vào sinh sống, vừa lao động, vừa chăm sóc người thân. Cũng có nhiều người vào đây một mình rồi chính tình thương yêu của những con người cùng cảnh ngộ mà tình yêu nảy nở để cuộc sống tiếp tục sinh sôi. Cứ thế, ngày qua ngày, những người bệnh phong nơi đây âm thầm lặng lẽ vừa điều trị bệnh, vừa sản xuất, vượt qua mặc cảm, tự ti để hòa nhập với cộng đồng.