Một vài góp ý cho cao tốc TPHCM – Mỹ Thuận và TPHCM – Dầu Giây

|

Tôi sống và làm việc tại TPHCM, thường xuyên đi đường cao tốc mỗi khi về quê hay du lịch. Mỗi khi lái xe trên cao cao tốc TPHCM- Mỹ Thuận và TPHCM - Dầu Giây, tôi căng thẳng và lo lắng vì có nhiều bất cập. Là người trực tiếp tham gia giao thông (lái xe), tôi có một vài ý kiến, góp ý với các cơ quan chức năng những bất cập về biển báo, tăng cường lập lại trật tự, kỷ cương đảm bảo cho người dân được an toàn khi tham gia giao thông.

Về giữ khoảng cách an toàn, biển báo có nhắc nhở nhưng phần đông người lái xe không tuân thủ. Theo thói quen của nhiều tài xế, cứ ôm sát xe trước cho chắc vì sợ chừa khoảng cách xa thì xe khác "chui vô". Thói quen này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông, với tốc độ di chuyển nhanh mà không giữ đúng khoảng cách an toàn thì khi xảy ra va chạm rất dễ gây tại nạn liên hoàn.

Về quy định tốc độ, do quy định tốc độ tối thiếu – tối đa trên cùng tuyến đường mà không phân theo làn đường, dẫn đến việc xe chạy nhanh, chạy chậm, chạy loạn xạ. Tôi cho rằng cần phân tốc độ theo làn đường.

Cụ thể như sau: Đối với tuyến cao tốc TPHCM – Dầu Giây thì làn ngoài cùng là 80-120km/h, làn bên trong là 60-80km/h. Đối với tuyến cao tốc TPHCM – Mỹ Thuận thì làn ngoài cùng là 80-100km/h và làn bên trong là 60-80km/h. “Làn đường khẩn cấp” tuyệt đối không được chạy vào, trừ khi có sự hướng dẫn của lực lượng chức năng hoặc xe có sự cố hư hỏng, người trên xe có vấn đề cần cấp cứu và phải thông báo cho đơn vị chủ quản thông qua hotline để có biện pháp hỗ trợ, cấp cứu, cứu hỏa... Hạ tốc độ dần về khu vực có trạm thu phí hoặc đầu ra.

Nếu phân tốc theo làn sẽ hạn chế được nghịch lý lâu nay là xe chạy chậm chạy bên ngoài, xe chạy nhanh lại chạy bên trong, còn xe cứu thương, cứu hỏa, xe ưu tiên thì không còn đường mà chạy.

Về việc gắn camera giám sát phạt nguội, báo lên hệ thống, phạt thật nặng, tước bằng lái xe đối với trường hợp không tuân thủ quy định tốc độ, lỗi chạy vào làn đường khẩn cấp.

Cụ thể: Cần gắn camera với số lượng nhiều trên tuyến đường. CSGT ngồi tại trạm gác ở đầu ra hết đường cao tốc để giám sát, theo dõi qua hệ thống nhưng chỉ lập biên bản tịch thu giấy tờ, bằng lái của người vi phạm trong tuyến đường theo hệ thống báo mà không phạt tiền nhằm hạn chế nhũng nhiễu. Khi phạt phải có hình ảnh trích xuất từ camera kèm theo, nhằm hạn chế tiêu cực trong quá trình xử phạt.

Đối với trạm thu phí: Mở rộng thêm nhiều làn hơn, thu phí tự động linh hoạt hơn; giữa camera và thanh barie nên để cách nhau khoảng 10m, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, thanh barie chỉ hạ xuống đối với những xe không có thẻ thu tự động hoặc tài khoản không đủ chi trả.

Đối với các biển báo, biển chỉ dẫn trên đường: Cần nghiên cứu lại, ít nhưng hiệu quả. Hiện tại đặt nhiều biển báo nhưng không cần thiết; biển báo phải to, rõ ràng, dễ hiểu giúp tài xế có thể nhìn thấy từ xa để chủ động hơn khi cầm lái, đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người.