Bình Định xin mở rộng sân bay Phù Cát đạt cấp 4E

|

Chiều 5-11, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh này đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương khảo sát lập quy hoạch thiết kế mở rộng sân bay Phù Cát đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn ICAO), hướng đến trở thành cảng hàng không quốc tế.

\r\n

Sân bay Phù Cát hiện đang khai thác 2 tầng và đường băng, phục vụ khoảng 600 hành khách giờ cao điểm. Về công suất thiết kế 2,5 triệu khách/năm, có khả năng mở rộng thêm công suất, đón được khoảng 5 triệu khách/năm.

Cảng hàng không Phù Cát đang được quan tâm đầu tư, mở rộng

UBND tỉnh Bình Định cho biết, theo dự báo tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch tỉnh đến năm 2025 đạt 7,5 triệu khách, năm 2030 tăng lên 12 triệu khách. Với quy mô hiện tại, sân bay Phù Cát đã quá tải, nhất là dịp lễ, tết. Vì vậy, UBND Bình Định cho rằng, việc nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát là rất cần thiết.

Qua đó, UBND tỉnh kiến nghị nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát lên cấp 4E, có thể đón được các loại máy bay Boeing 787, Airbus A350...

Giai đoạn trước mắt, UBND tỉnh này đề nghị đầu tư xây dựng mở rộng sân đổ từ 7 chỗ đậu lên 14 chỗ, với 11 chỗ đậu máy bay Code C và 3 chỗ đậu máy bay Code E. Ngoài ra, xây dựng mới nhà ga theo hình đối tác công (PPP) và đầu tư thêm 1 đường băng mới đạt cấp 4E từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo ông Hoàng, nếu được Chính phủ chấp thuận, tỉnh sẽ lập đề án và huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư mở rộng sân bay này, đồng thời phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng để triển khai đầu tư, quản lý vận hành. “Sau khi được chấp thuận thì chúng tôi mới lập đề án cụ thể cũng như khảo sát về vốn và lựa chọn phương thức huy động vốn xã hội hóa”, ông Hoàng cho hay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP cho cảng hàng không Phù Cát là giải pháp đột phá. Bình Định đang kỳ vọng xây dựng cảng hàng không này trở thành cảng quốc tế, tạo động lực giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và hành lang kinh tế Đông  - Tây.