Xây cầu Nhơn Trạch, giảm tải cho TP Thủ Đức (TPHCM)

|

Bộ GTVT dự kiến khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc Vành đai 3 TPHCM vào ngày 24-9 tại xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. \r\n

Sự kiện này hứa hẹn tạo ra sự đột phá về giao thông, mở ra không gian phát triển đô thị cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là giúp giảm tải cho TP Thủ Đức (TPHCM) và đánh thức đô thị “ma” Nhơn Trạch (Đồng Nai).

1.800 tỷ đồng xây cầu 

Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 nằm trên địa bàn TPHCM và tỉnh Đồng Nai, thuộc Vành đai 3 TPHCM, được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 và điều chỉnh lần cuối vào tháng 6 năm nay. Dự án có đoạn tuyến hơn 8km với điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối giao với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP Thủ Đức, TPHCM.

Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 6,3km, đoạn qua TPHCM dài khoảng 1,9km. Đường được xây dựng với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/giờ, có chiều rộng 20,5-26m tùy đoạn, đảm bảo cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp lưu thông.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.955 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) là 190,77 triệu USD (tương đương 4.175 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 2.779 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (cơ quan được Bộ GTVT giao quản lý dự án), cầu Nhơn Trạch - một trong những hạng mục quan trọng, được trông chờ nhất của dự án - dài 2,6km, rộng 19,5m, bắc qua sông Đồng Nai, nối TPHCM với tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư hơn 1.813 tỷ đồng. Hạng mục này là một trong 2 gói thầu chính của dự án thành phần 1A. Gói thầu chính còn lại của dự án là xây đường dẫn ở 2 đầu cầu, với tổng chiều dài hơn 5,6km.

Trong đó, dự kiến thời gian thi công gói thầu cầu Nhơn Trạch là 35 tháng, gói thầu phần đường dẫn khoảng 30 tháng. Nhà thầu thi công là Kumho Engineering & Construction. Dự án được khởi công ngay khi UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng. 

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi thông tin thêm, hiện nay, toàn dự án đã bàn giao mặt bằng được khoảng 2,8km. Trong đó, TPHCM đã bàn giao được 1,7km trên tổng số 1,9km đoạn qua địa bàn, đạt 91% tổng diện tích mặt bằng. Tỉnh Đồng Nai bàn giao gần 2km trên tổng chiều dài hơn 6,3km đoạn qua địa phương này. Trong đó, mặt bằng thi công cầu Nhơn Trạch đã cơ bản hoàn tất. 

Cầu Nhơn Trạch khi hoàn thành sẽ gánh bớt lượng xe quá tải, vốn gây ùn xe cục bộ tại trạm thu phí Nhơn Trạch (hướng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào Đồng Nai). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã kiến nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, nhất là phần mặt bằng giáp sông Đồng Nai, để thi công cầu Nhơn Trạch. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, dự án 1A đi qua 2 xã Long Tân và Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), với diện tích hơn 49ha, ảnh hưởng đến 468 hộ dân, trong đó có 222 hộ cần tái định cư.

UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở TN-MT tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh duyệt giá bồi thường theo quy định. Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, huyện Nhơn Trạch sẽ khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trong tháng 10-2022.

Người dân mong chờ

Thông tin sắp khởi công xây dựng cầu Nhơn Trạch mấy ngày qua được chị Thanh Loan cùng một số đồng nghiệp làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM (thuộc TP Thủ Đức) bàn tán sôi nổi. Chị Loan cho biết, cùng với bạn bè, chị rất vui bởi nếu như vậy, chị và chồng chưa cưới có thể qua Nhơn Trạch mua đất cất nhà. “Có cây cầu thì ở Đồng Nai qua TPHCM làm việc mấy hồi”, chị Loan vui mừng nói. Chị và các bạn từng tính “an cư” ở Nhơn Trạch nhưng chưa có cầu nên đành gác kế hoạch đó lại, nay thì khác rồi…

Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, những người như chị Thanh Loan chắc chắn không hiếm tại TP Thủ Đức. Rất nhiều người lao động đã phải thuê trọ ở các khu vực xung quanh các khu công nghiệp - khu chế xuất. TPHCM đang có nhiều chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động, nhưng chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là giá đất tại thành phố đã rất cao. Ngay trong thời điểm này, khi thị trường bất động sản gặp khó, thanh khoản chậm, giá nhà, đất ở TPHCM vẫn neo ở mức cao.

Trong khi đó, việc điều chỉnh quy hoạch TP Thủ Đức đang được TP Thủ Đức thực hiện theo hướng tăng dân số. Dân số hiện hữu của TP Thủ Đức (tính thời điểm trước dịch Covid-19) là hơn 1 triệu người. Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP Thủ Đức đã được Thủ tướng phê duyệt, dân số đến năm 2030 khoảng 1,5 triệu người, đến năm 2040 khoảng 2,2 triệu người và sau năm 2040 khoảng 3 triệu người. Chưa kể, TP Thủ Đức còn được giao phát triển thêm gần 1.000ha đất công nghiệp và phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước…

Trong bối cảnh “đất chật, người đông” như vậy, theo ông Hoàng Minh Trí, khả năng giá nhà đất giảm hoặc TP Thủ Đức cân đối được quỹ đất cho nhà ở xã hội không cao. Chính vì vậy, “mở” được hướng ra Nhơn Trạch, nơi “đất rộng, người thưa” là cơ hội cho TP Thủ Đức phát triển bền vững.

Chưa kể, theo quy hoạch chung xây dựng TPHCM và quy hoạch vùng TPHCM, Nhơn Trạch còn được xác định là một trong những đô thị vệ tinh cho TPHCM với chức năng hợp tác, hỗ trợ cho khu đô thị khoa học công nghệ (Khu công nghệ cao) ở TPHCM phát triển.

Khoảng năm 1996, đề án thành phố mới Nhơn Trạch được phê duyệt có diện tích hàng ngàn hécta, với định hướng là đô thị loại 2 của tỉnh Đồng Nai và là thành phố vệ tinh của TPHCM. Đề án là cơ sở cho việc đầu tư mạnh mẽ của các nhà khai thác bất động sản vào đây với kỳ vọng sẽ sớm trở thành đô thị vệ tinh của TPHCM trong vòng 10 năm.

Đã có gần 100 dự án lớn với khoảng 5.000ha đất được giao cho các doanh nghiệp bất động sản, nhưng nhiều năm trôi qua, nơi đây chủ yếu chỉ “phân lô bán nền”, có một số biệt thự đã được xây thô nhưng hầu như rất ít người đến ở. Hàng ngàn hécta đất bỏ hoang, vô cùng lãng phí.