Thị trường công nghệ giáo dục mảnh đất màu mỡ của các nhà đầu tư

|

Thị trường công nghệ giáo dục mảnh đất màu mỡ của các nhà đầu tư

Thị trường Edtech tại Việt Nam trên đà tăng trưởng

EdTech (Education-Technology) là một khái niệm chỉ việc áp dụng công nghệ trong giáo dục, bao gồm cả phần cứng và phần mềm được thiết kế để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập trong môi trường giáo dục. Trên thế giới, lĩnh vực Edtech là thị trường đang rất nóng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, chỉ xếp sau lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và thương mại điện tử (E-Commerce). Theo thống kê, dòng vốn đầu tư tư nhân trên toàn cầu đổ vào Edtech những năm gần đây đã tăng với tốc độ trung bình khá cao, 32%/năm. Riêng năm 2020, tổng vốn đầu tư đổ vào Edtech đạt con số 36,38 tỷ USD với 1.251 giao dịch, trong đó, có tới 16,1 tỷ USD đến từ các nhà đầu tư mạo hiểm (chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ), tăng 2,3 lần so với năm 2019. Edtech chiếm khoảng 3,6% thị phần giáo dục toàn cầu năm 2020.
 
Tại Việt Nam, thị trường Edtech bắt đầu khởi động từ khoảng năm 2007. Tuy vậy, từ năm 2019 đến nay, đặc biệt là trong 2 năm qua với sự xuất hiện và bùng nổ của đại dịch Covid-19, nhu cầu dạy và học trực tuyến của các cơ sở giáo dục tăng cao, thị trường Edtech mới thực sự khởi sắc với sự tham gia ngày một nhiều của các tập đoàn lớn cùng các công ty khởi nghiệp trong và ngoài nước.
 
Theo tính toán, năm 2019, thị trường Edtech Việt Nam ước tính đạt trị giá 2 tỷ USD. Sang năm 2020, thị trường Edtech Việt Nam đã tăng vọt lên 3 tỷ USD nhờ sự bùng nổ của xu hướng học trực tuyến. Theo báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam 2021 do Edtech Agency phối hợp cùng Công ty Tư vấn Quản lý OCD thực hiện, thị trường EdTech Việt Nam đang được đánh giá vô cùng tiềm năng, hút dòng vốn lớn từ giới đầu tư với tổng vốn đầu tư vào các startup lên 20,2 triệu USD, nằm trong top 10 thị trường Edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới với tỉ lệ khoảng 44,3%.
 
Một trong những cái tên được nhắc nhiều trên thị trường EdTech Việt Nam là tập đoàn FPT. Đây là nhà cung cấp CNTT trong nước có sức cạnh tranh trên thị trường EdTech với hàng loạt ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mang đến những trải nghiệm học tập phù hợp với nhu cầu của từng học sinh cùng kho nội dung khổng lồ. FPT hiện đang cung cấp cho khoảng 40.000 trường học với 3 triệu tài khoản hoạt động duy trì.
 
Edtech Việt Nam còn là miếng bánh ngon, hấp dẫn không ít các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Australia, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc… Điển hình là tập đoàn giáo dục lớn nhất của Nhật Bản là Gakken Holdings vốn có bề dày lịch sử phát triển, sở hữu đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp và uy tín cao tại đất nước mặt trời mọc. Vào cuối tháng 11 năm ngoái, tập đoàn này đã bắt tay với công ty KiddiHub Education Technology (một nhà cung cấp thông tin cho các trường mẫu giáo) của Việt Nam để quảng bá việc học tập tập trung vào các kỹ năng tư duy phản biện cho trẻ em. Theo kế hoạch, Gakken Holdings đặt mục tiêu sẽ đưa các dịch vụ của mình đến 2.000 trường mẫu giáo cùng các cơ sở chăm sóc trẻ em khác với doanh thu hàng năm là 1 tỷ JPY (8,78 triệu USD) vào năm 2025 và cuối cùng sẽ tung ra dịch vụ hướng tới cá nhân.
 

Điều đáng nói là sân chơi Edtech Việt Nam thu hút tới hơn 100 công ty khởi nghiệp và họ đã không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng lợi thế của sự bùng nổ trong nhu cầu giáo dục để "hút" mạnh vốn đầu tư nước ngoài trong năm vừa qua.
 
Ví dụ như một tổ chức giáo dục tư nhân chuyên tập trung vào tiếng Anh và giáo dục kỹ thuật số tại Việt Nam là EQuest Education Group đã nhận khoản đầu tư 100 triệu USD từ công ty cổ phần tư nhân KKR của Mỹ vào tháng 5/2021.
 
Cũng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh, Educa - một startup được thành lập vào năm 2018 đã nhận khoản đầu tư trị giá 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A từ quỹ đầu tư Redefine Capital Fund có trụ sở ở Singapore vào tháng 7/2021. Educa cho biết sẽ sử dụng số vốn vừa kêu gọi được để đầu tư chủ yếu cho hạ tầng kỹ thuật và nghiên cứu sản phẩm mới, hướng tới mục tiêu đạt 2 triệu người dùng trả phí trên tổng 20 triệu học sinh Việt Nam vào năm 2025.
 
Hay Clevai, một nền tảng dạy Toán online hỗ trợ bởi AI mới được thành lập vào năm 2020 cũng huy động được hơn 2,1 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-series A vào cuối tháng 9 năm ngoái từ một nhóm quỹ đầu tư Singapore và Mỹ, gồm Altara Ventures, VC FEBE Ventures và FJ Labs. Với khoản gọi vốn có được, Clevai sẽ thực hiện chiến lược nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển nội dung và ứng dụng AI để hỗ trợ cá nhân hóa học tập và ước tính phục vụ khoảng 20 nghìn học sinh trong bối cảnh việc giảng dạy của nhiều cơ sở giáo dục nước ta đang bị gián đoạn bởi đại dịch.
 
Cũng trong tháng 9/2021, một công ty khởi nghiệp dạy học lập trình trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh là CoderSchool đã kêu gọi được 2,6 triệu USD vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures của Indonesia. CoderSchool sẽ sử dụng nguồn vốn mới này để nâng cấp nền tảng và mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ cho các chương trình đào tạo kỹ thuật của công ty.

Một tân binh startup mới được thành lập đầu năm ngoái là Marathon chuyên về dạy thêm trực tuyến
của Việt Nam cũng được rót 1,5 triệu USD từ Forge Ventures với sự tham gia của Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed SEA và một số nhà đầu tư thiên thần. Kế hoạch sử dụng nguồn vốn được kêu gọi trên của Marathon là thí điểm dạy thêm các môn Toán, Lý, Hóa cho khối lớp 6-12 và sẽ mở rộng các khóa học cho toàn bộ các môn học trong tương lai.

 
Không chỉ thực hiện chiến lược chiếm lĩnh thị trường trên sân nhà, nhiều startup Việt Nam cũng lấn sân sang thị trường nước ngoài. Điển hình là ELSA, một ứng dụng cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh, đã và đang lên kế hoạch quốc tế hóa sản phẩm, phủ sóng sang các thị trường mới trong khu vực ASEAN. Được thành lập vào năm 2016, ELSA hiện có hơn 13 triệu người dùng tại hơn 100 quốc gia. Với nguồn vốn kêu gọi thành công 15 triệu USD vào tháng 2/2021 ELSA đang trên con đường khai phá thị trường châu Mỹ Latin, phát triển tính năng AI hỗ trợ nhận diện giọng nói đồng thời xây dựng một nền tảng B2B.
 
Còn nhiều tiềm năng
 
Theo phân tích của các chuyên gia, dòng vốn chảy vào thị trường EdTech nước ta trong những năm gần đây ngày một tăng là nhờ hàng loạt các yếu tố: Việt Nam đã tạo được hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số; Hạ tầng mạng kết nối ổn định, công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến; Nhóm dân số tiềm năng trong độ tuổi từ 15-24 tuổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số cả nước… Ngoài ra, Việt Nam còn có những lợi thế khác như nguồn nhân lực cạnh tranh, trình độ công nghệ thông tin tốt hơn so với nhiều nước trong khu vực.
 
Hiện thị trường Edtech Việt Nam được đánh giá vẫn ở giai đoạn khởi đầu, phát triển chủ yếu ở 2 mảng lớn của Edtech là content (bài học ghi hình trước dưới dạng video hoặc ngân hàng đề thi) và live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên, có thể theo hình thức một - một hoặc theo nhóm). Vẫn còn khoảng trống trong mảng OMO (mô hình online kết hợp offline); B2B (giải pháp quản lý quy trình cho các trường học hoặc cơ sở giáo dục). Điều này cho thấy, thị trường Edtech Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển với những phân khúc bị bỏ ngỏ trong các lĩnh vực nền tảng giáo dục số, hệ thống quản lý trường học số...
 
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn nhìn thấy được nhiều điểm sáng để tiếp tục rót vốn của mình vào thị trường Edtech. Hiện Việt Nam có tỷ lệ sở hữu thiết bị di động và kết nối Internet cao. Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Không chỉ vậy, Việt Nam còn là quốc gia có chỉ số kết nối di động cao, với tỷ lệ người sử dụng smartphone chiếm hơn 45% dân số và xếp hạng thứ 15 trên thế giới vào năm 2020.
 
Một yếu tố khác để các nhà đầu tư đặt niềm tin vào thị trường Edtech là trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới. Người dân rất quan tâm đến tương lai giáo dục của con em nên sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng cao. Cùng với đó, Việt Nam cũng luôn quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, năm 2020, trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018. Mức chi cho giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học tại trường công lập là hơn 6,1 triệu đồng/người/1 năm. Trong khi đó mức chi tương ứng ở trường dân lập lên tới 25,3 triệu đồng/người/1 năm và tư thục là 17,8 triệu đồng/người/1 năm. Với mức chi tiêu trên, người dân Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục đầu tư vào các chương trình giáo dục nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ giáo dục và đặt mục tiêu cung cấp giáo dục trực tuyến tại 90% trường đại học và 80% trường trung học và các cơ sở đào tạo nghề vào năm 2030.
 
Với các yếu tố trên, tổ chức nghiên cứu thị trường Ken Research nhận định, thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023.
 
Mặc dù là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nhắm đến, song các chuyên gia cho rằng Edtech vẫn là một trong các thị trường khó khai thác với không ít thách thức. Trước hết, tuy xu hướng giáo dục trực tuyến vẫn đang ngày một tăng nhưng thói quen học tập theo mô hình các lớp học truyền thống vẫn còn phổ biến. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm Edtech là không thể “ăn xổi”, đòi hỏi tốn nhiều thời gian và nguồn lực tài chính, khiến cho các start-up khó khăn trong việc tăng doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn đầu trong khi áp lực từ các quỹ đầu tư mạo hiểm không hề nhỏ. Đối với các nhà đầu tư trong nước, thị trường Edtech Việt Nam đang hiện hữu nhiều đối thủ cạnh tranh đáng gờm đến từ nhiều quốc gia trên thế giới vốn có bước tiến xa trong lĩnh vực công nghệ.
 
Để vượt qua những thách thức trên, các nhà đầu tư nói chung và các công ty trong nước hoạt động trong lĩnh vực Edtech cần có những chiến lược khai thác tối đa tiềm năng phát triển của thị trường Edtech tại Việt Nam và phát triển sản phẩm đột phá, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dùng, đồng thời tập trung xây dựng phát triển các mô hình doanh thu lành mạnh hướng đến tăng trưởng bền vững. Những điều này sẽ là nền tảng tạo nên một thị trường Edtech ngày càng lớn mạnh, mang lại nguồn doanh thu lớn cho các nhà đầu tư và giúp trang bị tốt hơn kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động của Việt Nam, để hòa nhịp cùng thị trường số hóa và toàn cầu hóa./.
 
 
 TS. Nguyễn Văn Giao
Đại học Thương mại