Số liệu kinh tế - xã hội các quốc gia thành viên ASEAN giai đoạn 2000-2020

|

Số liệu kinh tế - xã hội các quốc gia thành viên ASEAN giai đoạn 2000-2020

Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (năm 2015) là bước ngoặt thể hiện sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á và cũng làm xuất hiện nhu cầu ngày càng tăng thông tin thống kê của các nước thành viên trong khu vực. Những đặc trưng riêng biệt cũng như sự đa dạng của các quốc gia thành viên ASEAN liên quan đến nhân khẩu học, y tế, giáo dục, sự liên kết khu vực trong thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực được khắc họa rõ nét thông qua các con số thống kê.
 

Để phục vụ nhu cầu dùng tin của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong nghiên cứu và so sánh quốc tế, Tổng cục Thống kê đã sưu tầm, biên soạn và giới thiệu ấn phẩm “Số liệu kinh tế - xã hội các quốc gia thành viên ASEAN giai đoạn 2000-2020”. Cuốn sách gồm 5 phần:

Phần 1. Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội khu vực ASEAN giai đoạn 2000-2020 với 2 nội dung chính về kinh tế và văn hóa - xã hội. Trong đó:

Về Kinh tế, giai đoạn 2000-2009, mặc dù bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu 2007-2008 nhưng tăng trưởng GDP của khu vực ASEN vẫn đạt mức 5,4%. Bước sang giai đoạn 2010-2020, nền kinh tế khu vực ASEAN luôn vượt trội so với nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, giai đoạn 2010-2018, tăng trưởng GDP của khu vực luôn duy trì ở mức gần 5% kể từ năm 2011, trong khi GDP toàn cầu ở mức dưới 4%. Trong hai thập kỷ qua, Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam là bốn quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn này lần lượt là 9,3%, 7,2%, 6,8% và 6,4%. Quy mô nền kinh tế của toàn ASEAN thể hiện qua chỉ tiêu GDP ngày càng mở rộng. GDP theo giá hiện hành năm 2019 đạt 3,24 nghìn tỷ đô la Mỹ, gấp gần 3,2 lần quy mô GDP năm 2000 (1,01 nghìn tỷ đô la Mỹ) và 1,65 lần quy mô GDP năm 2010 (1,96 nghìn tỷ đô la Mỹ).

Về Văn hóa - xã hội, ASEAN là khu vực có dân số lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong giai đoạn 2000-2020, dân số ASEAN tăng từ 517,3 triệu người lên 661,8 triệu người, cấu trúc dân số có sự thay đổi đáng kể. Theo thời gian, những thay đổi về cấu trúc dân số đã cho thấy quá trình chuyển đổi nhân khẩu học do giảm mức sinh và mức tử vong ở các quốc gia thành viên ASEAN. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của khu vực ASEAN đã giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua; tuổi thọ trung bình đạt 72,2 tuổi năm 2020, tăng 4,7 năm so với mức 67,5 tuổi của năm 2000.

Phần 2. Giải thích thuật ngữ, nội dung và phương pháp tính một số chỉ tiêu thống kê về: Tỷ lệ tăng dân số, mật độ dân số, tỷ suất sinh thô, tỷ suất chết thô, tuổi thọ trung bình từ lúc sinh, tỷ lệ thất nghiệp, tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người, tổng thu nhập quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng, trị giá xuất khẩu hàng hóa, trị giá nhập khẩu hàng hóa, chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số GINI).

Phần 3. Số liệu thống kê kinh tế - xã hội các quốc gia thành viên ASEAN gồm biểu tổng hợp số liệu của 177 chỉ tiêu cụ thể được thống kê về: Dân số, lao động, tổng sản phẩm, chỉ số giá, thương mại, đầu tư, tài chính, nông nghiệp, công nghiệp… của các quốc gia thành viên ASEAN.

Phần 4. Xếp hạng các quốc gia thành viên theo một số chỉ tiêu cơ bản giới thiệu về vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN theo một số chỉ tiêu năm 2020 và xếp hạng các quốc gia ASEAN theo 33 chỉ tiêu cơ bản. Theo Ấn phẩm, năm 2020, Việt Nam dẫn đầu khu vực ở các chỉ tiêu: Sản lượng cà phê, số lượng lợn, sản lượng thịt lợn, sản lượng xi măng, sản lượng gỗ xẻ; đứng thứ 2 khu vực về trị giá xuất khẩu. nhập khẩu. Hầu hết các chỉ tiêu so sánh của Việt Nam đều đứng trong top 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN, chỉ có 2 chỉ tiêu về diện tích, sản lượng mía đứng vị trí thứ 5.

Phần 5. Tổng quan và số liệu về tình hình kinh tế - xã hội của từng quốc gia thành viên giới thiệu khái quát lần lượt các quốc gia thành viên của ASEAN và các chỉ tiêu cơ bản tương ứng với quốc gia đó.

Ấn phẩm cho thấy, những thành tựu của ASEAN trong suốt 20 năm qua đã khẳng định đây là một khu vực năng động và đa dạng. Khu vực này đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể trong những thập kỷ gần đây, đồng thời, đời sống của người dân cũng được cải thiện. Đặc biệt, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 đã một lần nữa khẳng định ASEAN là khu vực quan trọng, mang tính chiến lược, hạt nhân kết nối trong nền kinh tế khu vực và thế giới. ASEAN sẽ tiếp tục duy trì vững chắc đà xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, phấn đấu trở thành nền kinh tế thứ tư trên thế giới vào năm 2050./. 
 
Thu Hiền