Sáng ngày 29/6/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trị cuộc họp báo.
Tham dự cuộc họp báo có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc cơ quan TCTK và đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan báo chí trên địa bàn TP. Hà Nội. Họp báo được kết nối trực tuyến với các Cục Thống kê địa phương trong cả nước.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì họp báo
Tại buổi Họp báo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm. Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ngày 08/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Triển khai các Nghị quyết trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, văn hoá sôi động hơn, tạo cú hích cho phục hồi kinh tế.
Trên cơ sở đó, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa...
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, quý II năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với mức tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60% (đóng góp 46,60%).
Toàn cảnh cuộc họp báo
6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 882,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm cũng có 50,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước; gần 24,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; 8,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13,6%.
Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,9%), trong đó quý II/2022 đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ biến động của chứng khoán toàn cầu, trong đó mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 15/6/2022 giảm 18,4% so với cuối năm 2021.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm của các năm 2018-2022, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022.
Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Về tình hình lao động việc làm, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người, tăng 358,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,3 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,39% (quý II là 2,32%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm ước tính là 2,48%. Trong 6 tháng đầu năm, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.
Toàn cảnh cuộc họp
Cuộc họp báo cũng đã thông báo về tình hình giá tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2022; Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021 và dành thời gian để Lãnh đạo TCTK và đại diện lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ trả lời thỏa đáng các câu hỏi của phóng viên liên quan đến số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022./.
M.T