Ngành Thống kê phát huy sức mạnh nội tại, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ công tác năm 2024

|

Ngành Thống kê phát huy sức mạnh nội tại, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ công tác năm 2024

Năm 2023, ngành Thống kê tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ; sự ủng hộ, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và người sử dụng thông tin thống kê trong và ngoài nước. Nhờ đó, ngành Thống kê đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị triển khai Kế hoạch công tác năm 2023 và nhiệm vụ đột xuất được giao, tạo tiền đề triển khai thành công Kế hoạch công tác trong năm 2024.

Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chính của Ngành Thống kê năm 2023

Báo cáo Kết quả thực hiện công tác thống kê năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024 của ngành Thống kê cho thấy, ngay từ đầu năm, ngành Thống kê đã phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm, tiếp tục đổi mới, khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác theo đúng tinh thần chủ đề của Ngành đã đặt ra là “Ổn định tổ chức, tăng cường năng lực, đẩy mạnh kết nối, nâng cao chất lượng thông tin thống kê”. Trong đó 08 nhiệm vụ trọng tâm của năm đã được triển khai đạt kết quả tốt, bám sát kế hoạch đề ra. Cụ thể
:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Thống kê; thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và các đề án lớn của Ngành.

Trong năm, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 06 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và 04 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sau 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, toàn ngành Thống kê đã hoàn thành và đang triển khai thực hiện 135/146 hoạt động của Chiến lược, đạt 92,5% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chiến lược của bộ, ngành, địa phương và xây dựng báo cáo kết quả 02 năm thực hiện Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục triển khai Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Ngành; thực hiện Đề án khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE), hoàn thiện báo cáo năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, thực hiện Chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Tổng cục Thống kê đã ban hành Quyết định thành lập Ban biên soạn Đề án nghiên cứu, thống kê, biên soạn số liệu GDP loại hình kinh tế tập thể. Hiện nay, Ban biên soạn đang xây dựng đề cương và kế hoạch triển khai xây dựng Đề án.

Thứ hai, ngành Thống kê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo các cấp và đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Năm 2023, ngành Thống kê đã biên soạn và công bố 9.272 báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và các báo cáo chuyên đề. Toàn Ngành đã thực hiện tốt công tác phổ biến thông tin thống kê, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tổng cục Thống kê cũng tích cực phối hợp và chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan, cơ quan truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cung cấp và sử dụng số liệu thống kê. Tổng cục Thống kê đã rà soát, cập nhật số liệu các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2021, 2022; tình hình thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ; đồng thời phân tích cơ hội, thách thức, thuận lợi, khó khăn của bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; tổng hợp số liệu kinh tế - xã hội cả nước, các vùng kinh tế - xã hội và vùng kinh tế trọng điểm phục vụ đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, toàn Ngành đã xuất bản 247 xuất bản phẩm và hoàn thành nhiều báo cáo quan trọng.

Thứ ba, tổ chức thu thập, xử lý thông tin, tổng hợp và công bố kết quả các cuộc điều tra thường xuyên, đột xuất theo quy định.

Tổng cục Thống kê đã xây dựng và ban hành mới 20 phương án điều tra theo Kế hoạch điều tra năm 2023 và năm 2024, trong đó có 13 phương án điều tra năm 2023 và 7 phương án điều tra năm 2024. Là năm đầu tiên tất cả các phương án điều tra năm 2024 được ban hành vào tháng 7/2023 để phục vụ xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí và chủ động thực hiện sớm các bước chuẩn bị tiến hành điều tra.

Trong năm, Tổng cục Thống kê đã thực hiện 25 cuộc điều tra với 184 kỳ điều tra theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia cùng sự tham gia cung cấp thông tin của 6,7 triệu lượt đơn vị điều tra. Năm 2023 là năm đầu tiên Tổng cục Thống kê thực hiện điều tra đơn vị sự nghiệp và tổ chức vô vị lợi để tính toán chỉ tiêu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của khu vực này. Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo địa phương, có 04 Cục Thống kê đã thực hiện 09 cuộc điều tra đột xuất hoặc mở rộng mẫu điều tra thường xuyên bằng nguồn kinh phí của địa phương.

Thứ tư, công tác phương pháp chế độ thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê và công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được chú trọng thực hiện.

Công tác phương pháp chế độ thống kê tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động thống kê Việt Nam; tập trung vào nghiên cứu phương pháp luận thống kê mới, hiện đại, giảm thiểu khoảng trống thông tin thống kê phản ánh công tác chuyển đổi số, kinh tế xanh, nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê với 84% số cuộc điều tra được thu thập thông tin bằng hình thức Webform hoặc Capi. Năm 2023, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê có hướng dẫn và xây dựng phần mềm thu thập thông tin tính tiêu chí 10 về thu nhập thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022, Tổng cục Thống kê xếp thứ 3 trên 36 đơn vị thuộc Bộ (tăng 5 bậc so với năm 2021).

Thứ năm, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê ngày càng được tăng cường, mở rộng; thực hiện thành công vai trò thành viên Hội đồng điều hành của Viện Thống kê Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong năm 2023, hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương của ngành Thống kê tiếp tục được thúc đẩy thông qua hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thống kê I-ta-li-a, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan… và các tổ chức của Liên Hợp Quốc, ASEAN, các thể chế tài chính như IMF, WB, ADB nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Tổng cục Thống kê đã cử 1102 lượt công chức, viên chức tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo của các cơ quan thống kê quốc gia, các tổ chức quốc tế bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Việt Nam cũng đóng góp tích cực với tư cách thành viên Hội đồng điều hành của Viện Thống kê châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cơ quan thống kê nước ngoài đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Thứ sáu, công tác pháp chế, tuyên truyền và thanh tra thống kê ngày càng được đẩy mạnh.

Theo dõi, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06, các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện điều ước quốc tế…

Các đơn vị của Tổng cục Thống kê đã phối hợp với các cơ quan tuyên truyền về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật thống kê, điều tra Doanh nghiệp và các cuộc điều tra thống kê năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia… Nhiều hình thức tuyên truyền có hiệu quả như: Tuyên truyền qua đài phát thanh truyền hình; trên các báo in, báo điện tử; các phương tiện thông tin, truyền thông của ngành Thống kê và các hình thức tuyên truyền khác như tờ rơi, tờ gấp, các ấn phẩm, infographic...

Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường trong năm 2023. Tổng cục Thống kê đã thực hiện 305 cuộc thanh tra và 559 cuộc kiểm tra, trong đó: Thực hiện 107 cuộc kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước (đối với 30 đơn vị cấp tỉnh, gồm 06 Ủy ban nhân dân tỉnh và 24 sở ngành; 71 đơn vị cấp huyện; 6 đơn vị là Ủy ban nhân dân xã); thực hiện 01 cuộc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ bảy, công tác ổn định tổ chức, nâng cao chất lượng công chức, viên chức được Tổng cục Thống kê quan tâm, chú trọng, đặc biệt trong việc đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu của hoạt động thống kê trong thời kỳ mới.

Thực hiện kiện toàn và ổn định mô hình tổ chức, Tổng cục Thống kê đã báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định thay thế Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo hướng mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có một tổ chức thống kê và đảm bảo không làm tăng biên chế hiện có. Tổng cục Thống kê đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để làm rõ và thống nhất các nội dung của dự thảo Quyết định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng cục Thống kê đã tổ chức tuyển dụng công chức theo đúng quy định của Bộ Nội vụ. Kết quả tuyển dụng được 290 công chức vào các đơn vị trong toàn Ngành, trong đó 26 công chức vào các đơn vị tại cơ quan Tổng cục, 264 công chức vào các vị trí của Cục Thống kê cấp tỉnh. Tổng cục cũng phê duyệt kết quả tuyển dụng 07 viên chức vào Trường Cao đẳng Thống kê.

Năm 2023, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 25 lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức thống kê và bồi dưỡng chuyên sâu cho hơn 4.500 lượt công chức, viên chức. Cử 68 đoàn công tác với 219 lượt công chức, viên chức tham dự trực tiếp hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo tại 16 quốc gia và cử 883 lượt công chức, viên chức tham dự 52 phiên hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo trực tuyến của các cơ quan thống kê quốc gia và tổ chức quốc tế.

Thứ tám, công tác quản lý tài chính, đầu tư xây dựng được thực hiện bài bản, đúng quy định.

Trong năm, Tổng cục Thống kê đã ban hành 08 văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí về tiền lương, định mức, kinh phí các cuộc điều tra thường xuyên, kinh phí cải tạo, sửa chữa trụ sở để hướng dẫn các đơn vị thực hiện thống nhất trong toàn Ngành. Đã thực hiện kiểm tra chuyên sâu 04/05 đơn vị thuộc Tổng cục; làm việc với 02 đoàn Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản năm 2022 tại Tổng cục Thống kê và kiểm toán báo cáo quyết toán tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 02 đoàn Thanh tra Bộ thanh tra công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính và việc chấp hành quy định của pháp luật về thanh tra tại Cục Thống kê tỉnh Sơn La và Bình Định.

Công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện theo đúng quy định. Dự kiến hết tháng 12/2023, số vốn giải ngân là 57.241 triệu đồng, đạt 83,2% so với kế hoạch vốn được giao và đến hết 31/01/2024, Tổng cục Thống kê phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai công việc của năm 2023 còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Công việc ngày càng nhiều, yêu cầu thời gian thực hiện gấp; nhân lực, tài lực hạn chế; sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đầy đủ; một số đơn vị điều tra thiếu hợp tác trong việc cung cấp và chia sẻ thông tin.... Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đã nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, tồn tại để đề ra giải pháp phù hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nâng cao năng lực nội tại, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ ngành Thống kê trong năm 2024

Năm 2024 là năm quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025, tình hình chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta. Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Lãnh đạo Tổng cục Thống kê yêu cầu tập thể và lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động kết nối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cá nhân liên quan, nâng cao chất lượng thông tin thống kê, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác với chủ đề “Nâng cao năng lực nội tại, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ”.

 Một số nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2024, đó là:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê, kịp thời phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước và nhu cầu của người dùng tin.

Các đơn vị trong toàn Ngành cần tăng cường bám sát, cập nhật diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước để xây dựng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, quý và năm 2024 bảo đảm chất lượng và thời gian. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để thu thập, tổng hợp và cung cấp kịp thời các thông tin kinh tế - xã hội; cập nhật kịch bản tăng trưởng, lạm phát theo yêu cầu của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp.

Tổng hợp, báo cáo theo Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ban hành theo Quyết định số 288/QĐ-TTg báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội giữa kỳ giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê; triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành 09 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Nghị định sửa đổi Nghị định số 94/2016/NĐ-CP và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP; Nghị định quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia; 07 Thông tư liên quan tới quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Thống kê, chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP…

Theo dõi tình hình thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hằng năm. Đôn đốc các đơn vị trong Tổng cục, các bộ, ngành địa phương bám sát nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch để thực hiện và hoàn thành theo tiến độ. Triển khai 03 Đề án thuộc Chiến lược sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành.

Thứ ba, ổn định tổ chức, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; xây dựng vị trí việc làm và kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Triển khai thực hiện Quyết định thay thế Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay sau khi được ban hành.

Xây dựng và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Đề án hướng dẫn vị trí việc làm của Tổng cục Thống kê và triển khai sắp xếp công chức, viên chức theo vị trí việc làm khi Đề án được ban hành.

Xây dựng Kế hoạch điều động, luân chuyển công chức lãnh đạo nhằm khắc phục hẫng hụt công chức lãnh đạo và quy định thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp theo quy định của Trung ương.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối, khai thác dữ liệu hành chính phục vụ cho hoạt động thống kê; tổ chức thực hiện thành công Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ, Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số.

Chủ động kết nối, tăng cường khai thác dữ liệu hành chính từ các bộ, ngành ở Trung ương và sở, ban, ngành ở địa phương phục vụ công tác biên soạn số liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quý và năm kịp thời bảo đảm chất lượng; tiếp tục triển khai các dự án công nghệ thông tin của Ngành đảm bảo tiến độ và hiệu quả, đặc biệt là Dự án “Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành từ trung ương đến địa phương”.

Tổ chức thu thập thông tin các cuộc điều tra năm 2024 theo phương án quy định bảo đảm kịp thời với chất lượng cao, trong đó thực hiện thành công Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ; Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thống kê và sử dụng tài chính, tài sản công trong toàn Ngành

Thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động thu thập, xử lý thông tin các cuộc điều tra nhằm nâng cao chất lượng thông tin đầu vào phục vụ biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp.

Xây dựng Quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động thống kê thay thế Quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động thống kê được ban hành năm 2015 của Tổng cục Thống kê; xây dựng quy trình nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tiếp tục và tăng cường công tác kiểm tra tài chính chuyên sâu theo chuyên đề, có biện pháp kiên quyết đối với những trường hợp chưa tuân thủ đúng các quy định về quản lý tài chính đối với các đơn vị trong toàn Ngành.  Thực hiện tốt các dự án đầu tư trung hạn 2021-2025 theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt bảo đảm tiến độ thực hiện dự án và kế hoạch vốn được giao./.

 
P.V