Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Kết quả thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát năm 2021

|

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Kết quả thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát năm 2021

Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (viết gọn là Đề án NOE), Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì tiến hành đo lường hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm đánh giá thực trạng của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế. Năm 2021 là năm thứ ba Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Đề án này, một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, cập nhật dự thảo Danh mục hoạt động và xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã cập nhật các hoạt động mới phát sinh trong nền kinh tế vào dự thảo Danh mục hoạt động và xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát như: Các hoạt động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, hoạt động kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn…

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã xây dựng nội dung dự thảo Metadata của Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực NOE. Theo đó, nội dung này được xây dựng dựa trên dự thảo Danh mục các chỉ tiêu đầu vào phục vụ đo lường khu vực NOE, bao gồm: Tên chỉ tiêu; khái niệm; phương pháp tính; cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp. Metadata sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương hiểu rõ các thông tin cơ bản của chỉ tiêu trong quá trình thu thập thông tin, tổng hợp và biên soạn.

Hai là, biên soạn kết quả tính toán khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu hộ gia đình

Đối với Khu vực phi chính thức: Xét về cơ cấu, khu vực phi chính thức (theo phạm vi bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh không có đăng ký kinh doanh) năm 2020 chiếm 5,76% quy mô GDP theo giá hiện hành, cao hơn 0,29 điểm phần trăm so với năm 2019. Xét về tốc độ, khu vực phi chính thức năm 2020 tăng 10,09%, bao gồm cơ sở chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tăng 10,35%; cơ sở không phải đăng ký kinh doanh giảm 0,03%.

Theo ngành kinh tế, khu vực phi chính thức công nghiệp và xây dựng năm 2020 chiếm 38,86% toàn khu vực phi chính thức; khu vực phi chính thức dịch vụ chiếm 61,14%. Trong các ngành kinh tế, ngành bán buôn bán lẻ chiếm 22,32%, cao nhất trong các ngành; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 17,75%; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm 11,82%.

Giá trị sản xuất của hoạt động tự sản tự tiêu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 theo giá hiện hành chiếm 5,59% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với cơ cấu 6,01% của năm 2019. Trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ trọng giá trị của hoạt động tự sản tự tiêu trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành cao nhất, chiếm 13,58%; tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng chiếm 12,89%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 7,6%; Tây Nguyên chiếm 2,81%; Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 1,0%.

Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ trọng cao nhất cả nước là: Điện Biên chiếm 30,40%; Hà Giang 29,01%; Cao Bằng 28,89%; Nam Định 28,18%; Lai Châu 23,17%; Yên Bái 23,12%. Xem xét theo cơ cấu trong GDP, hoạt động tự sản tự tiêu của hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành năm 2020 chiếm 1,43% GDP, giữ mức ổn định so với năm 2019.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tham gia Dự án “Số liệu thống kê và dữ liệu đo lường các dòng tài chính bất hợp pháp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức do UNODC, ESCAP và UNCTAD tài trợ tại Quyết định số 2025/QĐ-TTg ngày 02/12/2021. Triển khai Quyết định số 2025/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Văn kiện Dự án “Số liệu thống kê và dữ liệu đo lường các dòng tài chính bất hợp pháp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” kèm theo Quyết định số 1800/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn kiện Dự án tập trung vào việc xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Dự án và Kế hoạch giám sát Dự án trong năm 2022.

Bốn là, rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp lý quy định đăng ký kinh doanh và chính thức hóa các hoạt động phi chính thức

Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, cụ thể hóa cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2020; đồng thời, cắt giảm một số thủ tục hành chính và các yêu cầu về đăng ký doanh nghiệp trước đó như: Bãi bỏ thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; bãi bỏ thông báo sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu; bãi bỏ thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ; bỏ yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy để đối chiếu.

Ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa, mẫu hóa các quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phục vụ cho việc tin học hóa công tác đăng ký kinh doanh.

Có thể thấy rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định trên giúp doanh nghiệp giảm bớt được thành phần hồ sơ phải kê khai, chuẩn bị, tiết kiệm được chi phí nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử như: Bỏ yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy để đối chiếu, thực hiện cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp.

Việc đơn giản hóa thủ tục thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã khuyến khích đăng ký thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh, góp phần giảm số lượng những đối tượng hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh mà không đăng ký thành lập. Qua đó, giúp cho công tác thống kê phản ảnh được đầy đủ và toàn diện hơn về quy mô của nền kinh tế.

Về ban hành các văn bản pháp lý nhằm tăng cường quản lý, chính thức hóa các hoạt động kinh tế phi chính thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp quy định rõ đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh, từ việc xác định thế nào là hộ kinh doanh; tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh, tạo điều kiện cho phép hộ kinh doanh có nhiều địa điểm so với chỉ được phép kinh doanh tại một địa điểm như quy định trước đây tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 cho giai đoạn 2015-2020. Điều này sẽ tạo thuận lợi, hấp dẫn cho nhiều hộ gia đình muốn đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, hộ kinh doanh còn được tự lựa chọn thời gian tạm dừng kinh doanh thông qua việc xóa bỏ quy định về thời gian tạm dừng kinh doanh của hộ không được quá 1 năm, thay vào đó hộ kinh doanh có thể tạm dừng kinh doanh vô thời hạn.

Mặc dù đã có những bước tiến so với trước đây nhưng nhìn chung, khuôn khổ pháp lý về hộ kinh doanh hiện nay vẫn đang được quy định chung với hệ thống văn bản pháp lý của khu vực doanh nghiệp mà chưa được tách độc lập thành hệ thống văn bản pháp lý riêng cho hộ kinh doanh để thuận tiện cho việc tra cứu văn bản đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Hơn nữa, để việc chính thức hóa hoạt động phi chính thức, quy định hộ kinh doanh phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để xin cấp Giấy đăng ký hộ kinh doanh chưa thực sự tạo thuận lợi cho các hộ gia đình, gây tâm lý e ngại về vấn đề làm thủ tục tại cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp huyện – nơi cách xa địa điểm hoạt động kinh doanh của hộ. Do vậy, thủ tục xin cấp Giấy đăng ký hộ kinh doanh hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh chỉ cần đăng ký với UBND cấp xã vừa đảm bảo yêu cầu về mặt quản lý, vừa tạo sự điều kiện cho các hộ kinh doanh./.
Thạc sỹ Nguyễn Diệu Huyền
Phó Vụ trưởng 
Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia