Bộ Công Thương đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường

|

Bộ Công Thương đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường

Những năm gần đây, thị trường nội địa Việt Nam nổi cộm lên vấn nạn hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai, diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, tài chính, sức khỏe đối với cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách quản lý Nhà nước trong ngành Công Thương; tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây cũng là một phần trong thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019.

Nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến nạn hàng giả, hàng nhái
 
Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, tình trạng hàng giả, hàng nhái đang ngày càng gia tăng với nhiều hình thức tinh vi và phức tạp. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ nông thôn tới thành thị, từ các quầy hàng đến hè phố các đô thị, thậm chí còn được bày bán trong siêu thị tại các đô thị lớn trên cả nước. Đặc biệt, từ giữa năm 2022 đến nay, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã sôi động trở lại theo chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hàng giả, hàng nhái trên thị trường Việt Nam hiện nay đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, từ những mặt hàng thông thường đến những thương hiệu nổi tiếng và thường có mức giá thấp hơn nhiều so với hàng hóa thông thường. Nhiều loại hàng giả, hàng nhái kém chất lượng có bao bì đóng gói được làm gần giống hoặc giống hoàn toàn với sản phẩm của nhà sản xuất có thương hiệu, thậm chí còn đăng ký bản quyền dẫn đến rất khó nhận ra sự khác biệt nếu như người tiêu dùng không quan sát kỹ hoặc không hiểu biết về sản phẩm và nhà sản xuất.


Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc mua bán hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki,… và các mạng xã hội như Tiktok, Zalo, Facebook,... đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái lợi dụng các kẽ hở để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường tiêu thụ. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, có đến 80-90% hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, mua bán trên mạng. Hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó lợi dụng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để kinh doanh. Hàng hóa được vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập website thương mại điện tử, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà chưa được xác nhận đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước; không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu website; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử...

Điều đáng quan ngại là nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái nổi cộm được phát hiện trong những năm trở lại đây thường gồm có các lô hàng là sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Đây đều là các sản phẩm thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo Bộ Y tế, trong 08 tháng đầu năm 2023, đã có 34 quyết định xử phạt hành chính đối với 41 hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; chuyển cơ quan điều tra 01 vụ liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; chuyển xác minh 01 trường hợp liên quan đến Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm giả mạo; ban hành 32 quyết định phạt hành chính đối với 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm…

Không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe, đem lại tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng, việc hàng giả, hàng nhái kém chất lượng lưu hành trên thị trường còn làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Không những thế, tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên thị trường có thể gây lũng đoạn giá cả, gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý lượng tiền mặt đang lưu thông và thất thu ngân sách nhà nước. Điều này cũng tạo nên tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Đẩy mạnh các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật và chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái của Việt Nam đã được xây dựng khá đầy đủ nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để được tình trạng gia tăng hoạt động này. Các chuyên gia cho rằng, không chỉ tăng cường công tác xử lý, mà còn cần phòng nga, ngăn chặn hoạt động sản xuất, mua bán hàng nhái, hàng giả. Đây không phải là bài toán dễ giải, bởi các hoạt động tiêu thụ hàng nhái, hàng giả thường dưới hình thức nhỏ lẻ, buôn bán của cá nhân, buôn bán qua mạng, diễn ra trên diện rộng, phần lớn ở các hoạt động kinh tế phi chính thức, chưa có sự quản lý của nhà nước.

Ngày 01/02/2019 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Đề án được cho là có tầm ảnh hưởng rộng, bao trùm toàn bộ khu vực kinh tế phi chính thức, được các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện, trong đó có lĩnh vực hàng giả, hàng nhái. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ đã kịp thời xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách quản lý Nhà nước trong ngành Công Thương; tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng nhái. Giai đoạn 2019-2021, Bộ Công Thương đã ban hành khoảng 200 văn bản chỉ đạo, điều hành, tập trung vào các lĩnh vực như hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Đồng thời kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, vận chuyển hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong ngành Công Thương tương đối đầy đủ và phù hợp với chủ trương, chính sách chung, nhằm hướng tới mục tiêu khuyến khích chính thức hóa hoạt động phi chính thức và tăng cường quản lý, giám sát làm giảm và thu hẹp quy mô hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp.

Trong năm 2022, các đội quản lý thị trường trên khắp cả nước đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ của trên 72,6 nghìn vụ việc. Trong đó, phát hiện, xử lý gần 44 nghìn vụ hàng giả, hàng nhái hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách trên 490 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng hóa tịch thu gần 96 tỷ đồng; trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.

Thống kê từ Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, tính từ 15/12/2022-30/6/2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 39,3 nghìn vụ (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 23,7 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 226 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022). Trị giá hàng hóa tịch thu gần 93 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 66,7 tỷ đồng. Các đô thị lớn trên cả nước có dân số đông, nhu cầu tiêu dùng cao thường là thị trường lý tưởng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, từ đầu năm tính đến ngày 15/6/2023, lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 2.713 vụ việc, xử lý 2.554 vụ việc. Tổng số tiền xử lý là hơn 73 nghìn tỷ đồng, trong đó: Phạt hành chính 32,3 nghìn tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu là 11,8 nghìn tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, tái chế là 28,5 nghìn tỷ đồng, số thu lợi bất hợp pháp 74,9 triệu đồng, thanh tra chuyên ngành 217,5 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra 31 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 1.805 vụ (tăng 86,65% so với cùng kỳ năm trước); xử lý 1.594 vụ; thu phạt và nộp ngân sách 1.637 vụ với số tiền 37 nghìn tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, cơ quan chức năng đang tiếp tục xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm; tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử như: Chống thất thu thuế trên thương mại điện tử, dùng những biện pháp kỹ thuật internet truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng, trên những sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội...

Tuy nhiên, trước tình trạng khó kiểm soát và không ngừng gia tăng của vấn nạn hàng giả, hàng nhái như hiện nay, những nỗ lực của cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm chưa thể giải quyết triệt để nếu như công tác phòng ngừa không được phối hợp triển khai cùng với sự vào cuộc của chính doanh nghiệp và người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu; thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, chỉ rõ những dấu hiệu nhận biết hàng giả, hàng nhái cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng. Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực... cần chủ động kết nối và có cơ chế hợp tác thường xuyên với luật sư, đại diện pháp lý và cơ quan chức năng để được tư vấn, hỗ trợ ứng phó với những vụ việc bị vi phạm về thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần lên án mạnh mẽ, tẩy chay các loại hàng giả, hàng nhái; báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng nhái để có phương án xử lý đơn vị cung cấp sản phẩm, góp phần ngăn chặn, giải quyết tình trạng này.

Về lâu dài, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các hoạt động kinh tế nằm trong khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhất là với những hoạt động mua bán hàng hóa chưa có sự quản lý của các cơ quan chức năng là điều cần thiết./.

 
Thu Hiền