Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm nay có thể giải ngân ít nhất 95% kế hoạch

|

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm nay có thể giải ngân ít nhất 95% kế hoạch

Mục tiêu giải ngân ít nhất 676.000 tỷ đồng, tức 95% kế hoạch vốn đầu tư công, có thể đạt được, theo đánh giá của Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thông tin này được Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương nêu tại họp báo Chính phủ chiều 9/9, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng mới đạt hơn 42% kế hoạch vốn. Mức này cũng mới bằng một nửa yêu cầu Thủ tướng là phải giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn, tức hơn 676.000 tỷ đồng năm nay.

Theo ông Phương, so với năm ngoái, tiến độ giải ngân có cải thiện hơn. Như 8 tháng tỷ lệ giải ngân đạt gần 297.700 tỷ đồng, tăng 2,95% so với cùng kỳ 2022. Số tuyệt đối cũng tăng 85.000 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 4 tháng cuối năm cần giải ngân khoảng 378.300 tỷ đồng, tương đương bình quân gần 94.600 tỷ đồng mỗi tháng. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách 8 tháng đạt 49,4% kế hoạch năm, tăng trên 23% cùng kỳ - cao hơn so với số giải ngân do thủ tục thanh toán.

"Số vốn cần giải ngân lớn, song năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn công Thủ tướng yêu cầu, tức hơn 676.000 tỷ đồng", Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói.
Giải pháp, theo ông, Ban quản lý các dự án, nhà thầu cần chuẩn bị kỹ hồ sơ khối lượng, giải ngân khi nộp cho cơ quan kho bạc. Thủ tục giải ngân hiện đã giảm đáng kể, nên ông cho rằng, để được chuyển tiền nhanh nhất, đòi hỏi nỗ lực của ban quản lý các dự án, nhà thầu.

 
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: VGP

Theo tính toán, giai đoạn 2021-2025, giải ngân vốn đầu tư công cứ tăng 1% so với năm trước, GDP năm sau đó có thể tăng thêm 0,058%. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm nay do là động lực quan trọng giúp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Đầu tư công là động lực tăng trưởng, nên nhiều địa phương đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm 2023. Như Hải Phòng, thời gian thi công được rút ngắn, bù cho giai đoạn chậm trễ trong chuẩn bị dự án. Tại TP HCM, các sở, ngành cũng rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, đặc biệt với nhóm dự án được giao vốn trong năm nay. Dự án chậm do bồi thường, giải phóng mặt bằng phải được tập trung đẩy nhanh tiến độ giao đất.

Liên quan tới tăng trưởng kinh tế, phiên họp Chính phủ hôm nay đánh giá nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Tuy vậy, ông Trần Quốc Phương thừa nhận, để đạt mục tiêu GDP 2023 tăng 6,5% là "nhiệm vụ rất nặng nề trong các tháng cuối năm".

"Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô kiểm soát tốt, CPI giảm dần và ở mức thấp. Các cấp ngành, địa phương được yêu cầu tập trung tối đa giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, các kịch bản chúng tôi tham mưu cho Chính phủ đều cố gắng đạt kết quả tốt nhất các mục tiêu", ông nói.

Ba động lực chính, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, là giải pháp đột phá cho tăng trưởng năm nay. Trước tiên là dịch vụ, khi khu vực này vừa qua phục hồi tốt, tháng 8 tăng 7,6% so với cùng kỳ, và 8 tháng tăng 10%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,2 triệu lượt, gấp gần 2,5 lần so cùng kỳ. Việt Nam thu hút được 7,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,4 lần so cùng kỳ.

Động lực tiếp theo là củng cố phát triển trụ đỡ khu vực nông nghiệp. Trong bối cảnh căng thẳng lương thực trên thị trường thế giới, nhưng Việt Nam có thuận lợi về xuất khẩu gạo, nông sản. "Tuy vậy cũng cần cân đối bài toán giữa phục vụ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực trong nước", ông Trần Quốc Phương lưu ý.

Cuối cùng, là kích thích là thị trường trong nước phát triển, nhất là kích cầu tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt để tạo sức cầu. Các doanh nghiệp ngoài mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước khi xuất khẩu khó khăn, cũng cần chắt chiu từng cơ hội, tăng đơn hàng xuất khẩu.

 
Anh Minh
Nguồn: https://vnexpress.net/thu-truong-tran-quoc-phuong-nam-nay-co-the-giai-ngan-it-nhat-95-ke-hoach-4651309.html