Tháo gỡ khó khăn để phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng

|

Tháo gỡ khó khăn để phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng

Công nghiệp Hóa chất được xác định là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, phát triển ngành này đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, trở thành điểm nghẽn trong tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp. Chính vì vậy, tháo gỡ khó khăn để công nghiệp Hóa chất rộng đường phát triển đang nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Công nghiệp Hóa chất là ngành kinh tế có tính chất nền tảng, sản phẩm của ngành là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành kinh tế có tốc độ phát triển cao như: Dệt may, da giày, gỗ, sản phẩm từ gỗ, thiết bị linh kiện điện tử, ôtô, xây dựng, thủy, hải sản. Từ đó có thể khẳng định vai trò quan trọng của ngành công nghiệp Hóa chất trong tổng thể nền kinh tế quốc dân.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện nay tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành công nghiệp. Ngoài ra, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, ngành công nghiệp Hóa chất vẫn đang duy trì tốt sự tăng trưởng bằng những điểm sáng trong cả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành Hóa chất tăng 3,7% so với năm 2021. 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất của ngành ghi nhận mức tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh có mức tăng cao nhất với 7,6%.

 

Cần sớm tháo gỡ khó khăn để ngành Hóa chất phát triển

Bên cạnh đó, công nghiệp Hóa chất cũng là ngành đem lại sản phẩm xuất khẩu có giá trị tỷ đô cho thương mại Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hóa chất hiện đứng thứ 12 trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng hóa chất đạt trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 43,5% so với năm 2020; xuất khẩu các sản phẩm hóa chất đạt 1,98 tỷ USD, tăng 33,7%. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hóa chất tăng lên 23,1%, đạt 3,09 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm hóa chất đạt gần 2,51 tỷ USD, tăng 26,7%. Các thị trường chủ yếu nhập khẩu hóa chất của Việt Nam là: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc; trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 664,24 triệu USD, đứng thứ 2 và 3 lần lượt là Ấn Độ, Nhật Bản với 585,8 triệu USD và 573,4 triệu USD.

Theo các chuyên gia dự báo, ngành công nghiệp Hóa chất từ nay đến năm 2030 sẽ phát triển với tốc độ từ 10-11% và chiếm tỷ trọng từ 4-5% trong nền công nghiệp Việt Nam. Phát triển công nghiệp hóa chất là động lực phát triển nhanh và bền vững cho không chỉ ngành hóa chất mà còn cho nhiều ngành công nghiệp khác. Đây cũng là kỳ vọng được đặt ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp Hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Định hướng chung của Chiến lược là: Phát triển công nghiệp Hóa chất Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành hóa chất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả. Phát triển công nghiệp Hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bức tranh tổng thể phát triển ngành công nghiệp Hóa chất đang xuất hiện nhiều gam màu trầm, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động do xung đột thương mại và chính trị như hiện nay. Các doanh nghiệp hóa chất trong nước đang phải đối mặt với nhu cầu toàn cầu suy yếu khiến đơn hàng sụt giảm, xuất khẩu chững lại, phải hạ giá bán trong khi chi phí sản xuất lại tăng mạnh. Điển hình như lạm phát và suy thoái kinh tế khiến nhu cầu hàng điện tử và chất bán dẫn đang giảm dần, dẫn đến nhu cầu về phốt pho vàng - nguyên liệu đầu vào để sản xuất chất bán dẫn giảm. Đặc biệt, nhu cầu của các thị trường hóa chất xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ được dự báo sẽ giảm hơn nữa cho tới cuối năm nay, gây ra tác động không tốt đến các doanh nghiệp, làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.

Ngoài vấn đề nhu cầu yếu đi, các doanh nghiệp hóa chất đang đối mặt thách thức về khả năng chi phí điện sẽ cao hơn trong năm 2023, khi mà sản xuất hóa chất là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, chi phí điện năng có thể chiếm tới 20-30% tổng chi phí sản xuất các loại hóa chất cơ bản. Hoá chất cũng được ghi nhận nằm trong nhóm các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu có mức kim ngạch tăng cao; 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất đạt 3,81 tỷ USD và 3,66 tỷ USD. Việc nhập khẩu nguyên liệu hoá chất với mức giá cao cũng là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp hóa chất. 

Đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất thường là các dự án công nghiệp với mức đầu tư lớn, sử dụng đông lực lượng lao động, thời gian hoạt động kéo dài, đồng thời có nguy cơ phát thải hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có nguy gây ô nhiễm môi trường hoặc phát thải các chất gây biến đổi khí hậu. Chi phí đầu tư và chi phí bảo vệ môi trường lớn cũng là trở ngại cho doanh nghiệp.

Trong cái nhìn vĩ mô, Cục Hóa chất nhận định, tình hình thu hút, triển khai nhiều Dự án hóa chất còn chậm, nhiều dự án trong quy hoạch phát triển ngành hóa chất chưa được triển khai. Sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hoá chất hiện nay chỉ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống cho nhu cầu thị trường nội địa mà chưa nắm bắt được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, không hình thành rõ nét chuỗi cung ứng giữa các sản phẩm hoá chất, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (như cao su kỹ thuật, hoá chất cơ bản phẩm cấp cao, các loại khí hiếm, nhựa và vật liệu cao cấp…).           

Thêm vào đó, ngành Hóa chất đang thiếu hành lang pháp lý. Luật Hóa chất được ban hành vào tháng 11/2007, sau 15 năm thi hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, do liên quan đến vấn đề quy hoạch, chuyển đổi công năng còn chậm trễ, chưa được triển khai đúng tiến độ, nhiều doanh nghiệp hóa chất đang ở trong thế kìm kẹp khi không thể đầu tư mở rộng nâng công suất, mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại để phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm mới. Điều này gây ra nhiều thiệt hại và lãng phí đối với doanh nghiệp.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, muốn phát triển ngành Hóa chất, cần phải có các khu công nghiệp tập trung. Đây chính là điều Việt Nam còn chưa thực hiện được. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh vấn đề thiếu quỹ đất, nhiều địa phương còn lo ngại, tâm lý với 2 từ “hóa chất” do quan niệm hóa chất là ngành độc hại, có tác động xấu đến môi trường nên không rộng cửa chào đón doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra đối với phát triển ngành công nghiệp hóa chất hiện nay là phải tăng cường công tác quản lý ngành nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững gắn liền với không hủy hoại môi trường. Để làm được điều đó, Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khuyến khích tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển các dự án hóa chất. Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất (mặt bằng, cảng, đường giao thông, hệ thống phụ trợ,…). Tạo mọi điều kiện nhằm huy động tối đa nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở hạ tầng dự án. Đồng thời, cần có giải pháp phát triển và hoàn thiện hệ thống đào tạo dạy nghề trong nước, ưu tiên đào tạo tại các vùng chiến lược; Có chính sách ưu tiên nhằm thu hút nguồn nhân lực quản lý vận hành dự án và vận hành công trình.

Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất việc xây dựng Luật Hóa chất sửa đổi thay thế Luật Hóa chất năm 2007. Chính phủ cơ bản thống nhất với 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, bao gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp Hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; Nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất.

Việc sửa đổi Luật Hóa chất nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực này, phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia, từ đó gỡ bỏ những vướng mắc của các doanh nghiệp hóa chất hiện nay. Đây cũng là kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp để có thể phát triển ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam xứng tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới./.

 
Minh Hà