Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai thời gian qua đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Trong đó, khoa học công nghệ được xác định là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình; góp phần vào phát triển bền vững ở khu vực nông thôn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Tác động thiết thực đến kết quả xây dựng nông thôn mới
Để thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua hai giai đoạn: Giai đoạn I, từ năm 2011 - 2015, kéo dài đến 2017 (thực hiện theo Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012); Giai đoạn II, từ năm 2016 - 2020, kéo dài đến 6/2022 (thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/1/2017).
Nhìn lại 10 năm triển khai, Chương trình đã huy động và nhận được sự ủng hộ rộng rãi và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, Chương trình đã tập hợp đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và khoa học công nghệ hàng đầu cả nước tham gia cùng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, tạo nên một hệ thống kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau. Đến nay, hầu hết các tổ chức KHCN lớn của cả nước tham gia chương trình, trong đó có hai Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và Khoa học Xã hội và Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tại Hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2012-2017, trong giai đoạn I, Chương trình đã có gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ; lựa chọn, thực hiện 69 đề tài, dự án bám sát 5 mục tiêu và 6 nội dung cơ bản, phù hợp với nhu cầu của xây dựng NTM; xây dựng được 147 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi và các địa phương, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, giúp các địa phương, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt hiệu quả KT-XH; góp phần quan trọng trong kết quả xây dựng NTM của cả nước. Chương trình cũng triển khai đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý sản xuất theo chuỗi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới... cho hơn 11 nghìn lượt người.
Chương trình đã thu hút được sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, huy động được các nguồn lực ngoài nhà nước lên đến 165 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí thực hiện Chương trình. Các doanh nghiệp, cùng các hợp tác xã và nông dân tham gia đã thiết lập được cầu nối vững chắc giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, bước đầu đảm bảo công bằng thương mại cho nông dân. Chính quyền các địa phương tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án ngay trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều dự án đã mở rộng quy mô diện tích của mô hình lên 5 - 10 lần, nhất là các mô hình dự án ở các vùng sản xuất trọng điểm tại đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; đồng thời thu hút được sự phối hợp tham gia, lồng ghép nguồn lực của 3 Chương trình KHCN vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và hàng nghìn chuyên gia, cán bộ khoa học của nhiều chuyên ngành, hàng trăm giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tham gia thực hiện các đề tài, dự án.
Kết quả nghiên cứu chuyển giao, xây dựng mô hình của Chương trình mang lại hiệu quả cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các mô hình về liên kết doanh nghiệp – nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng 30% - 35% đối với rau màu, 10% - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất... Công nghệ thủy lợi đóng góp 35-40%; giống mới đóng góp 25-30%; phân bón và các biện pháp kỹ thuật khác đóng góp 25-30% vào tổng năng suất tăng thêm trong trồng trọt.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai một phần hai hoặc ba phần tư máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan Pháp…
Nhờ các mô hình chuyển giao có hiệu quả kinh tế cao, Chương trình khoa học và công nghệ có tính lan tỏa rộng, có tác động xã hội tích cực, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, từ đó góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ được thực hiện phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới
Kế thừa những kết quả đạt được của giai đoạn I, triển khai Chương trình trong giai đoạn II tiếp tục bám sát nhu cầu cấp thiết của xây dựng nông thôn mới trong tuyển chọn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 diễn ra vào tháng 10/2022, trên 70% đề tài, dự án của Chương trình có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành; 100% các nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, đưa vào thực tế xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có doanh nghiệp đầu tư; trên 60% mô hình có triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đối với nhóm sản phẩm chủ lực các cấp.
Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền. Hầu hết các mô hình sản xuất đều tăng hiệu quả từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 20% trong phạm vi dự án; hầu hết các đề tài, dự án đều tham gia nhiệm vụ đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho 11.000 lượt người, vượt chỉ tiêu đề ra (10.000 lượt người)…
Từ 84 nhiệm vụ ở giai đoạn II, số đề tài, dự án tham gia nghiên cứu từng nhóm nội dung lên tới trên 180 nhiệm vụ, tạo ra 339 sản phẩm mới; đề xuất 160 nhóm chính sách, giải pháp ở nhiều lĩnh vực, tạo ra 97 công nghệ mới, chuyển giao cho sản xuất 232 công nghệ, triển khai 208 mô hình (131 mô hình sản xuất liên kết, 77 mô hình quản lý, môi trường, du lịch); chuyển đổi trên 500.000 ha lúa sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây thức ăn chăn nuôi; xây dựng 579,3 nghìn ha cánh đồng lớn; các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung thâm canh cao; hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung công nghệ cao. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 101,5 triệu đồng/ha, tăng 25,8 triệu đồng so với năm 2013 và tăng 57,6 triệu đồng so với năm 2008…
Điều đáng nói là ở giai đoạn II, Chương trình đã tập trung ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề mới trong xây dựng NTM bền vững, giải quyết các vấn đề chuyên sâu, gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, tập trung vào các yêu cầu mới cao hơn về huy động nguồn lực xã hội, vai trò cộng đồng người dân, phát huy động lực của văn hóa, tái cơ cấu ngành, xây dựng các mô hình nông thôn mới chất lượng cao, đa dạng, phong phú…
Có thể nói, kết quả thực hiện 2 giai đoạn của Chương trình khoa học công nghệ đã góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn xây dựng nông thôn mới cho từng giai đoạn; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Nhờ đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật; Cải tạo cơ cấu giống; Chuyển dịch cơ cấu sản xuất; Xây dựng các vùng sản xuất tập trung; thay đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất đồng bộ hơn, có tính tự nguyện cao… nên Chương trình đồng thời tác động đến tái cơ cấu sản xuất, thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, Chương trình giúp thay đổi nhận thức người dân sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm, góp phần thay đổi phương thức canh tác, tiếp nhận, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, tạo sản phẩm an toàn, giá trị cao. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ xây dựng NTM các cấp về cách tiếp cận mới trong phát triển nông thôn; phát huy vai trò của các chủ thể và những yếu tố cơ bản của mô hình NTM bền vững ở Việt Nam; phương thức huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM không có điểm dừng; con đường nâng cao chất lượng NTM gắn với tính thiết thực, sự hài lòng và mức độ hạnh phúc của người dân...
Hơn nữa, Chương trình còn góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách và giải pháp phát huy vai trò người dân, cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội; chính sách và giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp hiện đại, sinh thái và bền vững; chính sách và giải pháp thúc đẩy khu vực chuyển đổi khó khăn nhất là kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, kinh tế phi nông nghiệp, lao động nông nghiệp ở nông thôn…
Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng thực tế
Chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Chương trình vẫn còn một số hạn chế. Một số đề tài, dự án cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và chuyển giao để triển khai một cách đồng bộ, liên tiếp hoàn thiện qua các giai đoạn, được tích hợp liên ngành, liên vùng… Một số vấn đề trọng tâm then chốt, nan giải, đột xuất của xây dựng nông thôn mới chưa huy động được nhiều đề tài nghiên cứu, như: Chính sách đất đai, lao động và cân đối các nguồn lực hợp lý; ứng dụng công nghệ mới, thông minh, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội NTM; các vấn đề liên kết vùng và liên vùng, kết nối nông thôn - đô thị; quản lý và bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa và các nguồn lực mềm… Một số kết quả nghiên cứu, chuyển giao chưa tạo được tác động như mong muốn, còn hạn chế về quy mô và hiệu quả kinh tế - xã hội, hoặc chưa có chỗ đứng trong thực tế.
Ngày 02/8/2022, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt theo Quyết định số 923/QĐ-TTg với mục tiêu cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Chương trình đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền (đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa đạt chuẩn nông thôn mới) trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.
Chương trình cũng đề ra một số chỉ tiêu và sản phẩm: Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng. Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư. Tối thiểu 25% mô hình triển khai trong Chương trình được thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Thực hiện nhiệm vụ Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM đến năm 2025, các đề tài, dự án triển khai sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII và các Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng của Bộ Chính trị... theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; các nội dung, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-TTg, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và 6 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2025, theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.
Nội dung các đề tài, dự án thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025 sẽ được triển khai xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù và phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương để giúp các địa phương; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia thực hiện... Đặc biệt, chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao trong thực tiễn; phù hợp để phát triển và nhân rộng; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng./.
Đoàn Châu