Khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

|

Khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Sáng 24/11/2021, tại Toà nhà Quốc Hội (Thủ đô Hà Nội), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu làm văn hóa và được kết nối trực tuyến với toàn quốc.

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là một Hội nghị rất quan trọng nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời gian qua, nhất là qua 35 năm đổi mới và đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 24-11-1946, đây là lần thứ 3 một hội nghị văn hóa được gọi tên Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, từ đó đến nay đã có nhiều hội nghị lớn về văn hóa, cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa là rất coi trọng lĩnh vực này, đặt ngang hàng với lĩnh vực kinh tế, chính trị, "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

 



 
Hội nghị sẽ đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Quan trọng hơn, Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị cũng được kỳ vọng sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa để xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới với những giá trị mạnh mẽ.

Hội nghị đã nhận được gần 150 bài viết của các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng như các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài... Các bài viết đã tập trung làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn cũng như những hạn chế, yếu kém, những vấn đề còn tồn tại phải giải quyết, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót và giải pháp khắc phục, như: quan điểm, nhận thức, cơ chế quản lý, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, tuổi lao động đối với các ngành nghệ thuật đặc thù, cơ chế tự chủ của các đoàn nghệ thuật, cách thức phát huy nghệ thuật truyền thống, phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, hay những kinh nghiệm trong quản lý và phát triển văn hóa ở cơ sở... Những ý kiến tâm huyết của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật sẽ là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hội nghị đặt ra mục tiêu góp phần vào ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống, đưa văn hóa vào trong chính trị và kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa, tăng mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, bảo vệ di sản… như dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đang xây dựng./.

 
PV