Sơn La chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh

|

Sơn La chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh







Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Sơn La xác định Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ - TTg ngày 02/8/2022 Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND, ngày 15/9/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, Sơn La tập trung đẩy mạnh xây dựng chính quyền số; phát triển hạ tầng số và dữ liệu số trong xây dựng NTM với kế hoạch cụ thể như: Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 ở cấp xã.

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng internet không dây (wifi) miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn,...). Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, bản (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT,...), nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã), đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm cung cấp cho mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một điện thoại thông minh theo hình thức xã hội hóa.

Xây dựng phương án tổng thể hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý, giám sát Chương trình MTQG xây dựng NTM. Xây dựng dữ liệu số trong xây dựng NTM. Bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng NTM. Bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh. Xây dựng hệ thống kiến trúc, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về nông thôn mới trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong  công  tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.



Để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, hướng tới NTM hiện đại, thông minh, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh Sơn La đã bám sát kế hoạch triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tâm về chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Đến nay, công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM của tỉnh Sơn La đã đạt được kết quả tích cực. Xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La là xã đầu tiên của tỉnh Sơn La được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao. Áp dụng chuyển đổi số vào xây dựng NTM tại xã Chiềng Xôm mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo nông thôn; thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức lấy ý kiến của người dân về kết quả xây dựng NTM; có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trở lên...Thực hiện chuyển đổi số, 745 nhân khẩu, 181 hộ tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm đã được hỗ trợ chuyển sim và điện thoại trước khi cắt sóng 2G. Hiện, toàn bản Sẳng đã được phủ sóng di động. Nhà văn hóa của bản Sẳng và tại nhiều điểm sinh hoạt cộng đồng khác của bản Sẳng được lắp wifi miễn phí. Có wifi, người dân bản Sẳng có thể vào mạng Internet kết nối tra cứu, tìm hiểu thông tin về các lĩnh vực người dân quan tâm.

Nhờ vậy, kinh tế nông thôn có nhiều khởi sắc, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ bản Sẳng là mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, có ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm của xã. Xã Chiềng Xôm đã có hơn 500 tấn sản phẩm nông sản được bán qua kênh thương mại điện tử và Facebook. Thông qua ứng dụng Internet, hình ảnh các địa điểm du lịch của xã cũng được giới thiệu tới khách du lịch trong nước và quốc tế tới thăm quan du lịch và tìm hiểu văn hóa đặc sắc, cuộc sống của người dân Sơn La.

Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, toàn tỉnh Sơn La có 100% số xã với 46,32% số hộ gia đình được phủ mạng băng rộng cố định (cáp quang); 99,15% hộ gia đình phổ cập dịch vụ mạng di động tốc độ cao (4G/5G); 96,36% hộ gia đình có điện thoại thông minh; trên 88% số người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản thanh toán điện tử (tài khoản giao dịch tại ngân hàng) và hơn 48% dân số được sử dụng mạng Internet. Mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã đi vào hoạt động để phổ cập công nghệ số, kỹ năng số đến từng người dân.

Ngoài ra, Tỉnh đã xây dựng duy trì 23 mô hình camera an ninh; mô hình chuyển đổi số trong thương mại điện tử tại các xã NTM; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã triển khai được dữ liệu số của 205 mã số vùng trồng, 11 mã số đóng gói; 195 tài khoản nhật ký vùng trồng xuất khẩu trên hệ thống farmdiary.online; 11 tài khoản nhật ký vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên hệ thống cơ sở dữ liệu trồng trọt (csdltrongtrot.mard.gov.vn), phần mềm Giải pháp chuyển đổi số trong triển khai và quản lý chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La (https://sohoaocop.vn)...

Gần 20.600 đối tượng bảo trợ xã hội và người có công trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được mở tài khoản ngân hàng. 74,9% đối tượng mở tài khoản được nhận trợ cấp xã hội qua tài khoản, đạt 33,8% so với tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn các huyện, thành phố.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Sơn La đã được liên thông và đồng bộ hóa ở cả ba cấp: Tỉnh, huyện và xã. Các dịch vụ công trực tuyến của Tỉnh có tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng đạt 92%, trong đó tỷ lệ dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến chiếm 86%. Công tác số hóa hồ sơ đạt 94%, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 72%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến lên tới 80%.

Toàn tỉnh Sơn La có 65 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 12,35 tiêu chí NTM/xã; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đáp ứng được các tiêu chí liên quan đến chuyển đổi số như: “Thông tin và truyền thông”, “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”, “Hành chính công”… Hướng tới mục tiêu xây dựng NTM thông minh, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đầu tư và hoàn thiện hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh chính quyền số trong việc xây dựng NTM nâng cao.

Đạt kết quả trên là do Sơn La với quan điểm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, người dân tham gia thực hiện và hoàn thiện cơ chế chính sách chương trình chuyển đổi số, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chương trình chuyển đổi số luôn được chú trọng. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số: Các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM...

Công tác đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số được Tỉnh chú trong với việc phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác, Công ty TNHH Sorimachi tổ chức các lớp tập huấn online qua ứng dụng Zoom cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sử dụng các phần mềm chuyển đổi số. Bên cạnh đó tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn với hơn 300 đoàn viên, thanh niên, hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại, hộ sản xuất; tập huấn đào tạo trực tiếp cho các hợp tác xã trọng điểm của tỉnh, quảng bá xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La trên sàn thương mại điện tử.

Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã giúp nhận thức về chuyển đổi số của người dân ngày được nâng lên; tỷ lệ người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng thông minh ngày càng tăng; các HTX, doanh nghiệp chú trọng đến thực hiện chuyển đổi số làm tăng hiệu quả trong quản trị, kinh doanh… Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Theo tỉnh Sơn La, để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, Tỉnh sẽ xây dựng thí điểm các mô hình xã, bản NTM thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương; Mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương.

Tỉnh cũng xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý; Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin…


Một là, đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Theo đó, biên soạn chương trình, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đặc biệt là các tài liệu hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số; tổ chức các hội nghị, các đợt tập huấn về kiến thức chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ xây dựng NTM các cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng ở nông thôn; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, HTX và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách như: Khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, đầu tư vào khu vực nông thôn; xây dựng kiến trúc, vận hành và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu số về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ban hành quy chế, quy trình vận hành hệ thống phần mềm đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã; nghiên cứu, đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Ba là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số. Theo đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT,…), nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; thực hiện các giải pháp nhằm cung cấp cho mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một điện thoại thông minh theo hình thức xã hội hóa; xây dựng dữ liệu số trong xây dựng NTM; bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng NTM; bản đồ số về du lịch nông thôn; xây dựng hệ thống kiến trúc, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về nông thôn mới trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông; phần mềm ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM và tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân; xây dựng thí điểm các mô hình: Xã/thôn NTM thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương; mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương về xây dựng xã NTM thông minh; mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương.

Bốn là, huy động nguồn lực triển khai Chương trình, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng xã NTM thông minh. Đồng thời, tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử./.

Nội dung: Trang Nguyễn
Trình bày: Trịnh Diệp