Biển Hồ: Những bước đi vững chắc trong xây dựng xã nông thôn mới thông minh

|

Biển Hồ: Những bước đi vững chắc trong xây dựng xã nông thôn mới thông minh

Tự hào được lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm mô hình thí điểm xã NTM thông minh, xã Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội… Kết quả từ hướng đi đúng đã giúp xã Biển Hồ trở thành một hình mẫu trong việc áp dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương của tỉnh Gia Lai.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 và 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn Tỉnh là 17,32%; tỷ lệ nghèo đa chiều khu vực nông thôn là 22,34%; Tỉnh có 121 thôn, làng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn NTM; có 1.235/1.314 thôn, làng đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định, đạt 94%; cảnh quan và môi trường nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp; tình trạng tảo hôn giảm dần qua các năm. 

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu tăng cao hơn so với trước. Do đó, Gia Lai đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong thực hiện các tiêu chí để các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 - 2020 vẫn được đảm bảo khi xét theo các tiêu chí, chỉ tiêu mới  để xây dựng NTM theo hướng bền vững. Đặc biệt, Gia Lai đang tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm hướng tới xây dựng NTM thông minh.

Xã Biển Hồ (TP. Pleiku) là địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình thí điểm xã NTM thông minh, dựa trên 6 nội dung trụ cột và các tiêu chí theo Công văn số 3445/BNN-VPĐP ngày 29/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tạm thời về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử.

Biển Hồ được công nhận xã NTM từ năm 2014 và được tỉnh Gia Lai đánh giá là một trong những địa phương phát triển mang tính bền vững. Với quan điểm xây dựng NTM là chương trình lâu dài và xuyên suốt, cấp ủy, chính quyền xã Biển Hồ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đưa địa phương trở thành xã NTM nâng cao. Thời gian qua, xã Biển Hồ đã huy động mọi nguồn lực để phát triển, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, nhất là các hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, đường giao thông nông thôn...

Bên cạnh đó, Xã tập trung phát triển thế mạnh sản xuất nông nghiệp và chú trọng phát triển kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát huy các nghề truyền thống và du nhập các ngành nghề mới nhằm giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Kết quả, tính đến 7/2024, xã Biển Hồ đạt được 17/19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Tự hào được lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm mô hình thí điểm xã NTM thông minh, UBND xã Biển Hồ đã thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; đánh giá nhu cầu đối với các nội dung triển khai xã NTM thông minh để triển khai xây dựng mô hình; lập báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng; thiết kế, xây dựng đề xuất mô hình thí điểm xã NTM thông minh phù hợp với các định hướng phát triển của xã, gắn với các mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh, thành phố; lập nội dung công việc, hạng mục công việc triển khai và khái toán kinh phí thực hiện.

Tổng kinh phí dành để thực hiện mô hình xã NTM thông minh của Biển Hồ là khoảng 21,12 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 14,79 tỷ đồng; ngân sách địa phương (tỉnh và thành phố) là 2,11 tỷ đồng. Nguồn xã hội hóa, huy động từ các tổ chức kinh tế, cộng đồng và nguồn vốn hợp pháp khác là 4,22 tỷ đồng.

Năm 2024, xã Biển Hồ dự kiến thực hiện 5 nội dung, 20 hạng mục công việc với tổng chi phí trên 13,5 tỷ đồng. Năm 2025, dự kiến thực hiện 2 nội dung, hạng mục công việc với tổng chi phí trên 7,6 tỷ đồng.

Thực hiện mô hình thí điểm xã NTM thông minh, thời gian qua, xã Biển Hồ đã đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời số hóa các dữ liệu hành chính công, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông giữa các cấp chính quyền, giúp tăng cường tính minh bạch, cải thiện dịch vụ công trực tuyến và nâng cao hiệu quả quản lý.
 
Xã Biển Hồ đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Xã Biển Hồ cũng tập trung phát triển hạ tầng số, nâng cấp mạng lưới internet, đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng với công nghệ số. Hiện hệ thống mạng diện rộng của Xã duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo kết nối internet cáp quang tốc độ cao; cán bộ, công chức được trang bị và sử dụng thành thạo máy tính để giải quyết công việc.

Khuyến khích phát triển kinh tế số là một bước đi quan trọng để Biên Hồ nâng cao giá trị sản phẩm địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kết nối với thị trường rộng lớn.

Xã Biển Hồ đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt như: Giống lúa nguyên chủng HT1 (hương thơm 1), giống ngô CP 888, Bio Seed… Việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã đưa diện tích đất sản xuất của Xã từ 1 vụ lên 2 vụ/năm, góp phần tăng năng suất cây trồng…

Đáng chú ý, xã Biển Hồ đã ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý, đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP; thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp địa phương tham gia quảng bá, mua bán, thanh toán các sản phẩm nông nghiệp các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Tạo lập các gian hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử uy tín để tăng độ nhận diện thương hiệu.
 
Các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xã Biển Hồ tăng cường tham gia quảng bá, mua bán, thanh toán
các sản phẩm nông nghiệp các nền tảng thương mại điện tử 

Cùng với đó, Xã tổ chức các khóa đào tạo cho người dân và doanh nghiệp về kỹ năng sử dụng công nghệ số, quản lý bán hàng trực tuyến và tiếp thị kỹ thuật số; kết nối nhà sản xuất với các đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng, thanh toán trực tuyến để tạo sự thuận tiện trong giao dịch. Xây dựng các chiến lược hợp tác với các doanh nghiệp lớn để đưa sản phẩm OCOP của xã như cà phê, hồ tiêu, mật ong… vào hệ thống phân phối rộng hơn. Nhờ đó, tăng cường thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm địa phương và thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.

Là địa phương có khu di tích lịch sử văn hóa được công nhận từ năm 1990, mỗi năm Biển Hồ thu hút hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. Để phát triển thế mạnh địa phương, Biển Hồ đã tăng cường ứng dụng các nền tảng trực tuyến để quảng bá giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc, sản phẩm du lịch địa phương. Nhờ làm tốt công tác quảng bá, Biển Hồ - Chư Đang Ya (tỉnh Gia Lai) là một trong 61 địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hướng đến xây dựng xã hội số, xã Biển Hồ còn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến của người dân; giám sát chất lượng môi trường, nước sạch nông thôn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ số như y tế, giáo dục và thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai quản lý theo dõi sức khỏe điện tử trên 50% dân số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đào tạo kỹ năng số cho người dân, nhất là các đối tượng thanh niên, giáo viên và cán bộ công chức.
 
 
Đảng ủy xã Biển Hồ tích cực tuyên truyền người dân địa phương cài đặt ứng dụng tài khoản định danh điện tử

Nhờ lựa chọn hướng đi đúng, tỷ lệ giảm nghèo của xã Biển Hồ đã ghi nhận kết quả tích cực. Năm 2023, Xã có 13 hộ nghèo với 51 nhân khẩu, chiếm 0,5%; 27 hộ cận nghèo với 109 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,04%. Bước sang năm 2024, trên địa bàn Xã chỉ còn 4 hộ nghèo với 13 nhân khẩu, chiếm 0,17%; 27 hộ cận nghèo với 103 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,91%.

Thời gian tới, xã Biển Hồ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để thực hiện thành công mô hình xã NTM thông minh. Điều này sẽ giúp xã Biển Hồ trở thành một hình mẫu trong việc áp dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
 
P.V