Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng khá
Theo Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, ước tính tháng 8/2024, tổng doanh thu bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống và các ngành dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt 5.354,24 tỷ đồng, bằng 104,40% so với tháng trước và bằng 114,71% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh bán lẻ, dịch vụ ăn uống và các loại hình dịch vụ tiêu dùng phục vụ cá nhân và gia đình trong tháng được dự báo sẽ diễn ra sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng các loại lương thực, thực phẩm, thức uống có thể sẽ tăng hơn so với tháng trước do rơi vào mùa lễ Vu Lan. Quy mô tổng doanh thu thương mại và dịch vụ sẽ có phần tăng đáng kể và có tốc độ tăng trưởng bình quân các ngành trên 10% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị doanh thu ngành bán lẻ được dự tính có thể tăng 13,60%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 20,74% và tổng doanh thu các ngành dịch vụ còn lại tăng 15,18%.
Nhìn chung trong tháng 8/2024, hoạt động tất cả các ngành có quy mô đóng góp trực tiếp vào mức tăng chung đều có mức tăng cao. Cụ thể:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 3.847,20 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 102,98% và so với cùng kỳ bằng 113,60%. Tổng doanh thu các nhóm hàng ngành bán lẻ tạo ra trong tháng có mức tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do hầu hết các nhóm hàng hóa chi tiết đều có mức tăng cao so với cùng kỳ, riêng nhóm xăng dầu vẫn có mức giảm 14,41% (do doanh nghiệp xăng dầu lớn trên địa bàn trong tháng 8 vẫn chưa phục hồi doanh thu so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, lương thực thực phẩm có mức tăng hơn 22%, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành thực hiện được 686,45 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 104,86% và so với cùng kỳ năm trước bằng 120,74%. Trong tháng, thời tiết thuận lợi mưa ít hơn phù hợp để các cơ sở ăn uống kinh doanh ở khu chợ đêm, ngoài trời buôn bán sôi động hơn. Vì vậy, tình hình hoạt động kinh doanh ăn uống của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn được cải thiện, doanh thu theo chiều hướng tốt và có giá trị tăng so với tháng trước. Trong đó: Ngành lưu trú ước tính được 27,50 tỷ đồng, so tháng trước bằng 106,50% và so với cùng kỳ bằng 120,82%. Ngành ăn uống ước tính được 658,95 tỷ đồng, so tháng trước bằng 104,80% và so cùng kỳ năm trước bằng 120,74%.
Doanh thu các ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) thực hiện được 820,59 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 111,19% và so với cùng kỳ năm trước bằng 115,18%. Nguyên nhân tăng nhiều so với cùng kỳ do doanh thu hoạt động xổ số tăng 26,06%. Đây là ngành chủ lực trong tổng hoạt động dịch vụ và là nhân tố chính thúc đẩy làm tổng doanh thu dịch vụ khác tăng ở mức 15,18% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 8 tháng năm 2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống ước thực hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt 39.523,26 tỷ đồng, bằng 107,21% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào mức tăng chung 7,21% chủ yếu đến từ mức tăng của các ngành dịch vụ khác 14,6% và dịch vụ lưu trú, ăn uống 16,26%, tốc độ tăng của ngành bán lẻ được đánh giá vẫn ở mức thấp dưới 5%. Cụ thể:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 28.409,28 tỷ đồng, bằng 104,33% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ qua 8 tháng đã từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Giá trị tăng trưởng đã tăng hơn khá nhiều so với tốc độ tại thời điểm 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân do trong tháng Bảy và tháng Tám một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và ngành hàng lương thực, thực phẩm (hệ thống bách hóa xanh) có mức tăng hơn nhiều so với những tháng trước. Vì vậy, quy mô tổng doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đã gia tăng đáng kể về mặt giá trị và đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng.
Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành thực hiện được 5.008,78 tỷ đồng, bằng 116,26% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh lưu trú và ăn uống tính chung 8 tháng giữ được mức doanh thu ổn định. Các cơ sở nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn ít biến động đột biến.
Doanh thu các ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) thực hiện được 6.105,20 tỷ đồng, bằng 114,60% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình chung qua 8 tháng, hầu hết các nhóm hàng dịch vụ điều có tốc độ tăng tương đối cao so với cùng kỳ năm trước, riêng loại hình dịch vụ kinh doanh môi giới bất động sản giá trị vẫn giảm so với cùng kỳ 20,14%, nhưng không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung.
Xuất, nhập khẩu tuy giảm nhưng vẫn có tín hiệu lạc quan
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế tỉnh Hậu Giang tháng Tám năm 2024 của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, ước thực hiện tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 96.195 nghìn USD, so với tháng trước bằng 69,56% và so với cùng kỳ năm trước bằng 96,79%. Chia ra: Xuất khẩu ước thực hiện được 72.192 nghìn USD, so với tháng trước bằng 100,6% và so với cùng kỳ năm trước bằng 90,79%; trong khi đó, nhập khẩu ước thực hiện được 24.003 nghìn USD, so với tháng trước bằng 36,08% và so với cùng kỳ năm trước bằng 120,81%.
Theo nhận định của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân ước giảm so với tháng trước là do các doanh nghiệp đã nhập khẩu số lượng lớn nguyên vật liệu để sản xuất trong các tháng trước và được thanh toán cộng dồn trong tháng 7, nên ước tháng 8 doanh nghiệp sẽ hoạt động bình thường trở lại. Cụ thể là nhóm nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 83,87% (chiếm 34,58% tổng giá trị nhập khẩu). Ngoài ra, nhóm hàng máy móc thiết bị giảm 15,98% (chiếm 4,49% tổng giá trị nhập khẩu),…
Ước thực hiện 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 815.411 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 102,52%, so với kế hoạch năm đạt 64,13%. Chia ra: Xuất khẩu ước thực hiện được 566.469 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 110,07%, so với kế hoạch năm đạt 70,28%. Trong khi đó, nhập khẩu ước thực hiện được 221.948 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 87,84%, so với kế hoạch năm đạt 53,10%. Nguyên nhân giảm so với cùng kỳ năm trước là do ước giá trị nhập khẩu của các nhóm hàng giấy các loại chiếm 21,36% tổng giá trị nhập khẩu, giảm 41,7% (bằng 33.918 nghìn USD); hàng hóa khác chiếm 13,44%, giảm 18,82% (bằng 6.916 nghìn USD); hóa chất chiếm 11,4% tổng giá trị nhập khẩu, giảm 42,17% (bằng 18.452 nghìn USD) so với cùng năm trước,…
Cùng với đó, uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 163 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 90,56%, so với kế hoạch năm đạt 16,30%. Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 26.831 nghìn USD so với cùng kỳ năm trước bằng 96,25%, so với kế hoạch năm đạt 62,40%./.
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang