Sơn La chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7/2024 tăng 118,08% so với cùng kỳ năm trước

|

Sơn La chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7/2024 tăng 118,08% so với cùng kỳ năm trước

Cục Thống kê tỉnh Sơn La cho biết, do hai tháng gần đây mưa nhiều trên diện rộng, lượng mưa lớn, lưu lượng nước về hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh tăng cao, các nhà máy thủy điện tăng công suất hoạt động nên sản lượng điện sản xuất ước tăng 149,98% so với cùng kỳ năm trước, kéo chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng cao.

Cụ thể, Chỉ số IIP tháng 7 năm 2024 ước tính tăng 15,04% so với tháng trước và tăng 118,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng mạnh 148,74% do cùng kỳ năm trước mưa ít, khô hạn, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 5,19% do nhu cầu tiêu thụ giảm so với cùng kỳ, thời tiết mưa nhiều, các doanh nghiệp giảm khai thác đá; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,19%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,02%.

 

Chỉ số IIP 7 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 26,40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,98%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,32%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 35,15% do cùng kỳ năm trước mưa ít, khô hạn, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, 7 tháng đầu năm nay mưa nhiều, lưu lượng nước tại các hồ thủy điện cao nên sản lượng điện sản xuất tăng; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,38%.

Tháng Bảy năm 2024, có 10 sản phẩm sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sữa tươi tiệt trùng tăng 4,02%; nước tinh khiết tăng 8,24%; điện sản xuất tăng 149,98%; điện thương phẩm tăng 4,20%; nước uống được tăng 9,72%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại tăng 3,36%. Có 04 sản phẩm sản xuất giảm gồm: Đá xây dựng giảm 5,19%; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc giảm 63,5% do đơn đặt hàng giảm; sản phẩm in khác giảm 16,12%; xi măng Portland đen giảm 20,46% do mùa mưa, ít đơn hàng. Đường RS; bã và phụ phẩm trong quá trình sản xuất đường; tinh bột sắn và cà phê rang nguyên hạt tạm dừng sản xuất do vụ thu hoạch đã kết thúc.

Ước tính 7 tháng năm 2024 có 13 sản phẩm chủ yếu sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sữa tươi tiệt trùng tăng 5,53% do số lượng đàn bò sữa tăng; sữa chua, sữa và kem lên men hoặc axit hóa tăng 5,33%; tinh bột sắn tăng 28,45% do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng khi các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn thu mua được nhiều nguyên liệu từ các tỉnh khác như Lai Châu, Điện Biên; cà phê rang nguyên hạt tăng 10,17%; chè xanh tăng 26,91%; nước tinh khiết tăng 10,32%; sản phẩm in khác tăng 4,52%; điện sản xuất tăng 35,48%; điện thương phẩm tăng 6,67%; nước uống được tăng 8,55%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại tăng 5,81%. Có 05 sản phẩm sản xuất giảm gồm: Đường RS giảm 6,64%; bã và phụ phẩm trong quá trình sản xuất đường giảm 6,06%; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc giảm 54,03%; các hợp chất từ cao su tự nhiên giảm 16,80%; xi măng Portland đen giảm 15,05%.

Về chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp, trong tháng Bảy năm 2024 giảm 0,2% so với tháng trước và giảm 4,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,71% so với tháng trước, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,27%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ổn định. Tính theo ngành công nghiệp: Chỉ số sử dụng lao động ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,12% so với tháng trước; ngành khai khoáng tăng 1,05%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,43%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí ổn định.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp giảm 5,05% so với cùng kỳ, trong đó: Khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,31%, giảm chủ yếu ở Công ty cổ phần cao su Sơn La; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 1,73%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 49,31% do công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc cắt giảm lao động. Tính theo ngành công nghiệp: Chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng giảm 32,78%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 6,0%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,25%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,13%./.

(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Sơn La)