Đà Bắc là một huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, được thiên nhiên ban tặng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mang vẻ đẹp hoang sơ, có diện tích mặt hồ thủy điện Hòa Bình rộng lớn xen lẫn với các đảo núi đá trên mặt hồ tựa như vịnh Hạ Long trên cạn. Định cư bên hồ là các bản làng dân tộc Dao, Tày, Mường vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng - loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa bản địa.
Nhằm bảo tồn tài nguyên du lịch và khuyến khích tạo cơ hội cho người dân tham gia làm du lịch, trong những năm qua, Lãnh đạo huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình đã đưa ra nhiều giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Tuy vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ để khai thác thế mạnh trong bối cảnh du lịch cộng đồng đang ngày càng được du khách quan tâm.
Chủ trương, chính sách ưu đãi phát triển du lịch cộng đồng
Nhận thức rõ khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên, bản sắc văn hóa sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mở ra hướng đi mới xóa đói giảm nghèo, cải thiện bền vững đời sống nhân dân, trong những năm qua, Lãnh đạo huyện Đà Bắc đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, đổi mới tư duy, thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Năm 2015, Huyện ủy Đà Bắc đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về công tác phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/HU, năm 2017, UBND huyện Đà Bắc đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là những “giấy phép” mở đường, tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng (DLCĐ) huyện Đà Bắc từng bước khởi sắc. Theo đó, huyện Đà Bắc thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch (bãi đỗ xe, trang thiết bị tối thiểu phục vụ khách nghỉ…) từ nguồn vốn ngân sách; tạo cơ chế để hộ gia đình, bà con dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm DLCĐ từ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế và nguồn vốn công tác xã hội hóa huy động được. Theo đó, giai đoạn 2019-2021 tổng vốn đầu tư cơ sở vật chất đạt 23.667 triệu đồng, tốc độ tăng bình quân 0,8%/năm (Bảng 01).
Bảng 01. Công tác đầu tư cơ sở vật chất trong giai đoạn 2019 - 2021 của huyện Đà Bắc
ĐVT: triệu đồng
Nguồn: UBND huyện Đà Bắc
Bên cạnh đó, huyện Đà Bắc đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc tại các điểm DLCĐ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân có kiến thức, kỹ năng để làm du lịch, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ DLCĐ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho người dân về công tác hướng dẫn viên du lịch, kỹ năng giao tiếp, tiếng Anh, kỹ năng nghề du lịch homestay... Ngoài ra, huyện Đà Bắc còn cử nhiều cá nhân tham gia các đợt đào tạo, tập huấn kỹ năng cơ bản về hoạt động du lịch sinh thái sông nước, những kiến thức về sơ, cấp cứu; kỹ năng giao tiếp đối với khách du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức; hỗ trợ hộ gia đình xây dựng mô hình DLCĐ theo sự hướng dẫn của tổ chức phi chính phủ AFAP (The Australian Foundation for the Peoples of Asia and the Pacific Limited) tại Việt Nam.
Nhằm giới thiệu quảng bá du dịch địa phương tới du khách trong và ngoài nước, Huyện Đà Bắc chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức như: Xây dựng trang thông tin điện tử, video clip, sách ảnh, tờ gấp về các sản phẩm du lịch cộng đồng, nhờ đó đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, đăng ký, khảo sát và ký kết các dự án đầu tư. Cùng với đó, huyện Đà Bắc tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp để triển khai thực hiện dự án, thu hút được nhiều khách du lịch.
Bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của lãnh đạo huyện, các hộ dân Đà Bắc cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư, tích cực học hỏi kỹ năng, nghiệp vụ buồng bàn, nấu ăn, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt cá… để xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách ngày một tốt hơn.
Các điểm du lịch cộng đồng - điểm đến hấp hẫn nhiều khách du lịch
Hiện tại, huyện Đà Bắc có 4 bản du lịch cộng đồng (3 bản của người Mường và 1 bản người Dao) có các homestay đón khách du lịch, gồm: Xóm Sưng - xã Cao Sơn; Xóm Ké - xã Hiền Lương; Xóm Đá Bia, Xóm Mó Hém - xã Tiền Phong.
Các sản phẩm dịch vụ du lịch tại các xóm DLCĐ huyện Đà Bắc khá đa dạng và hấp dẫn. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức các sản vật địa phương, tham gia và nghe những tiết mục văn nghệ múa hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tìm hiểu và trải nghiệm đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc nơi đây với nghề làm tre nứa đan rọ, nghề dệt thổ cẩm của người dân bản địa, đi bắt ốc, đào khoai, bẻ ngô, kéo vó cá, đan rọ tôm... hay tham quan chợ phiên. Bên cạnh khai thác thế mạnh bản địa, huyện Đà Bắc tăng cường mở rộng kết nối các điểm du lịch lân cận, nhằm đa dạng các gói dịch vụ phục vụ khách du lịch. Nhờ đó, doanh thu từ hoạt động DLCĐ đã, đang ngày càng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của huyện. Chỉ tính riêng năm 2021, mặc dù trong bối cảnh chung chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, song DLCĐ huyện Đà Bắc đã đón trên 44.000 lượt khách, trong đó có 2.000 lượt khách quốc tế và 42.000 lượt khách nội địa, với doanh thu đạt khoảng 16,6 tỷ đồng.
Có thể thấy phát triển du lịch cộng đồng đang trở thành ngành kinh tế đầy triển vọng góp phần không nhỏ trong tạo công ăn, việc làm, giải quyết lực lượng lao động phổ thông cho địa phương, cải thiện đời sống cho người dân. Nếu như trước đây, người dân Đà Bắc chỉ thuần túy làm nông nghiệp, thì nay họ làm du lịch chuyên nghiệp hơn, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch tốt hơn với bữa nấu ăn mang hương vị núi rừng, những homstay mang đậm truyền thống cùng các điệu múa mang bản sắc dân tộc độc đáo....
Việc phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng cũng góp phần bảo vệ môi trường văn hóa, phong tục tập quán, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương; làm cải thiện khí hậu, đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhân văn một cách hợp lý hơn.
Bảng 2. Doanh thu từ hoạt động du lịch cộng đồng của huyện Đà Bắc
ĐVT: triệu đồng
Nguồn: Công ty CP Du lịch cộng đồng Đà Bắc
Những hạn chế tồn tại và giải pháp
Những hạn chế tồn tại và giải pháp
Thời gian qua, hoạt động DLCĐ đã được chính quyền địa phương và người dân quan tâm đầu tư phát triển, tuy nhiên hoạt động này hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thấp, chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các làng, bản và hệ thống sóng điện thoại, mạng internet; Công tác xúc tiến quảng bá du lịch và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đúng mức, do đó chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để triển khai các dự án du lịch cộng đồng xứng tầm với nguồn tài nguyên tự nhiên trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ du lịch (nhà hàng, quán cà phê, điểm vui chơi giải trí…) chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu và có nhiều điểm tương đồng, chưa khai thác hết tiềm năng để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, chưa tạo sức cạnh tranh với các địa phương khác. Chất lượng dịch vụ chưa cao, nguồn lao động phục vụ du lịch còn thiếu kỹ năng và chưa chuyên nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển DLCĐ huyện Đà Bắc trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách ưu đãi về tiếp cận vốn vay, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển DLCĐ. Xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Huyện. Triển khai hướng dẫn các quy chế về quản lý du lịch tại các địa bàn có điểm hoạt động DLCĐ.
Thứ hai, tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng du lịch, trong đó chú trọng phát triển hệ thống giao thông, hệ thống điện và internet. Đồng thời cần có quy hoạch tổng thể về không gian, kiến trúc và một số mẫu thiết kế xây dựng nhà ở truyền thống, khuôn viên phù hợp với không gian theo mô hình DLCĐ tại huyện Đà Bắc.
Thứ ba, có những chính sách ưu đãi hợp lý, khuyến khích cộng đồng dân cư địa phương tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch.
Thứ tư, phát triển DLCĐ cần gắn với phát triển, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của người dân bản địa, để tạo nên nét văn hóa mang bản sắc riêng.
Thứ năm, xây dựng chiến lược tuyên truyền và phát triển thương hiệu du lịch chuyên nghiệp trên cơ sở xác định rõ những nội dung cần quảng bá và xác định rõ những lợi thế cũng như tiềm năng của huyện. Tiến hành nghiên cứu sâu về văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng dân tộc thiểu số; nghiên cứu xây dựng các chương trình trải nghiệm khác biệt nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ nhưng vẫn mang bản sắc riêng. Nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển du lịch.
Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với các trường trung cấp nghiệp vụ, các trung tâm dạy nghề tổ chức các khóa đào tạo nâng cao các kỹ năng cho người dân nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Khuyến khích các hộ trong thôn, hay ở các xã khác nhau có các buổi gặp mặt tự học tập, chia sẽ kinh nghiệm lẫn nhau về phục vụ khách du lịch, bổ sung nghiệp vụ mới trong cách làm du lịch cộng đồng./.
ThS. Nguyễn Thị Thùy - TS. Nguyễn Thị Hải Ninh -Trường Đại học Lâm Nghiệp
Bùi Thị Hồng Anh - Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc, Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Võ Quế (2006), Du lịch cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Tập 1, Nxb Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu (2002), Du lịch bền vững, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Trần Thị Mai (2006), Giáo trình Tổng quan du lịch, NXB Lao động - xã hội, Hà Nội.
UNBND huyện Đà Bắc, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Đà Bắc năm 2019, 2020, 2021.
UBND huyện Đà Bắc, Đề án phát triển du lịch huyện Đà Bắc giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu (2002), Du lịch bền vững, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Trần Thị Mai (2006), Giáo trình Tổng quan du lịch, NXB Lao động - xã hội, Hà Nội.
UNBND huyện Đà Bắc, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Đà Bắc năm 2019, 2020, 2021.
UBND huyện Đà Bắc, Đề án phát triển du lịch huyện Đà Bắc giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.