Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, mặc dù kinh tế thành phố có độ mở lớn nhưng vẫn đạt được những bước tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2022.
Nhiều chỉ tiêu vượt trội
Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố về Kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid -19 và phục hồi kinh tế, bước đầu TP.Hồ Chí Minh ghi nhận đã có nhiều chuyển biến rất tích cực trải đều trên các lĩnh vực.
Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2022, GRDP của thành phố tăng 9,71% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng cao nhất so với nhiều năm trước đây.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 27,7% so với cùng kỳ, trong đó các khoản thu liên quan đến bất động sản tăng 152,3% so với cùng kỳ, dầu thô tăng 116,0%. Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương giảm 2,3% so với cùng kỳ.
Cùng với hoạt động thu-chi ngân sách, thị trường tiền tệ trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt. So với cuối năm 2021, khối ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động bằng VNĐ tăng 0,06% - 0,72%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, tăng 0,36% - 0,59%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng và lãi suất cho vay tăng 0,21% - 0,98% tùy kỳ hạn. Tính đến 01/9/2022, tổng vốn huy động tăng 7,5% so cùng kỳ và dư nợ tín dụng tăng 17,8%.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
9 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 19,6% so với cùng kỳ. Chia ra, ngành khai khoáng tăng 77,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 10,2%.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố tăng 46,6% so với cùng kỳ. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố là 2,97 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Thành phố cũng đã điều chỉnh vốn đăng ký có 114 lượt dự án với số vốn tăng 1.489,1 triệu USD, tăng gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng qua của thành phố cũng khá ấn tượng khi đạt doanh số 36.960,9 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 35.266,9 triệu USD, tăng 13,0%.
Một chỉ số khác được xem là có mức tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng qua, đó là doanh thu từ bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt 466.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ, với nhiều nhóm hàng tăng cao như: nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục, nhóm hàng xăng dầu, nhóm hàng may mặc, nhóm hàng ô tô, nhóm hàng lương thực thực phẩm …
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên
Theo Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh, một số ngành như ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, bán lẻ hàng hóa trong quý IV/2022 sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng ổn định. Riêng ngành nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng của thành phố hứa hẹn có bước tăng trưởng rất cao.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dần được khắc phục, giá xăng, dầu qua nhiều đợt điều chỉnh giảm, kéo theo giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón, giá lợn giống giảm dần và ổn định giúp cho ngành chăn nuôi có xu hướng khởi sắc trở lại.
Theo dự báo, trong quý IV các ngành khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý rác thải cũng tiếp tục có mức tăng cao...
Cục Thống kê Thành phố thông tin, hiện có khoảng 88,9% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2022, tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 78,7% và có vốn đầu tư nước ngoài là 72,7%.
Trên đà tăng trưởng của 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước dự báo cũng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý IV, cùng với đó, hoạt động thu ngân sách, chính sách tiền tệ cũng dự báo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2022./.
Thu Hường