Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn: Gắn đào tạo với yêu cầu phát triển nhân lực

|

Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn: Gắn đào tạo với yêu cầu phát triển nhân lực

Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn được thành lập vào năm 2014 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Việt - Đức. Từ đó đến nay, Trường không ngừng được củng cố, nâng cao cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo và trở thành địa chỉ cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.

Lễ trao bằng tốt nghiệp Trung cấp cho học sinh khóa 20, niên khoá 2021-2023

Những năm qua, Lạng Sơn đẩy mạnh thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS, chính vì vậy, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, việc được thực hiện mô hình đào tạo 9+ song bằng (học nghề song song với học văn hóa) cũng thu hút học sinh theo học nghề nhiều hơn.

Từ những thuận lợi đó, Trường cao đẳng nghề Lạng Sơn xác định nhiệm vụ then chốt là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và thước đo chính xác nhất cho chất lượng chính là sự phản hồi, đánh giá của doanh nghiệp. Được sự quan tâm của tạo điều kiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và UBND tỉnh Lạng Sơn, thông qua các chương trình đề án, Trường tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp các xưởng thực hành, mua sắm các thiết bị đào tạo, đặc biệt cho nghề có thế mạnh của Trường như các lĩnh vực chế tạo cơ khí, điện - điện tử, du lịch và công nghệ thông tin. Hiện nay, Nhà trường có đủ phân khu chức năng, đủ phòng học (lý thuyết và thực hành) với các trang thiết bị cần thiết cho việc dạy và học, một khu ký túc xá mới với 435 chỗ (hoàn thành trong năm 2023) đáp ứng tốt nhất nhu cầu ăn học của cả những học sinh ở xa.

Đào tạo nghề Công nghệ ô tô tại Trường CĐ Nghề Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của Nhà trường thường xuyên được đào tạo chuẩn hóa về trình độ, không ngừng nâng cao kỹ năng cốt lõi, kinh nghiệm thực tiễn và bổ sung các kỹ năng mềm, kỹ năng số và năng lực ngoại ngữ, đồng thời đẩy mạnh áp dụng các phương pháp dạy học theo hướng hiện đại lấy người học làm trung tâm. Mặt khác, đội ngũ giáo viên của Trường thường xuyên được trau dồi kỹ năng thông qua các Hội giảng giáo viên nghề nghiệp giỏi các cấp từ cấp trường tới tỉnh, quốc gia. Trong năm học 2022-2023, đội ngũ giáo viên Nhà trường có 5 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở được công nhận.

Để quá trình đào tạo ngày càng sát với nhu cầu sử dụng của xã hội, Trường cũng có một bộ phận làm nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh để nắm bắt nhu cầu vị trí việc làm, số lượng tuyển dụng; đề xuất hợp tác với các doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh (lấy việc tuyển sinh của Trường chính là tuyển dụng của doanh nghiệp). Từ đó, mời gọi doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào trong chương trình đào tạo như: Hỗ trợ trang thiết bị thực hành, điều chỉnh, bổ sung, tăng cường nội dung phù hợp với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhà trường cũng tạo điều kiện và phối hợp tổ chức cho sinh viên tham quan, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất. Trong năm học 2022 - 2023, có khoảng 350 học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp đã được đi thực tập tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn.

Học sinh Lã Văn Thịnh (thứ 2 từ trái sang) của Trường CĐ Nghề Lạng Sơn
đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Lạng Sơn lần thứ 7 năm 2023 

 

Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, Ban Giám hiệu Nhà trường đã phối hợp với một số đơn vị để dạy học ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên năm cuối, tạo điều kiện để các em không chỉ có cơ hội tìm việc làm trong nước mà còn có thể thử sức tham gia tuyển dụng tại thị trường lao động nước ngoài như Nhật Bản hoặc một số nước khác. Trường thường xuyên cử học sinh, sinh viên tham gia các phiên giao dịch giới thiệu việc làm và hội chợ việc làm để các em chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, lựa chọn việc làm phù hợp với nghề được đào tạo và năng lực bản thân. Nhờ hàng loạt các hoạt động thực tiễn trên mà học sinh, sinh viên Nhà trường sau tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp quan tâm, chấp nhận tuyển dụng và đánh giá cao đối với một số nghề thuộc lĩnh vực Cơ khí (như công nghệ ô tô, hàn); Nông lâm nghiệp (như chăn nuôi gia súc, gia cầm); May thời trang; Điện công nghiệp. Kết thúc năm học 2022-2023, số học sinh, sinh viên xếp loại khá, giỏi đạt trên 60%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nghề đạt 95,78%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt gần 85%, tỷ lệ sinh viên hệ cao đẳng của Trường sau tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt trên 90%. Riêng trong năm 2023, Nhà trường đã cung cấp cho thị trường trên 200 lao động trình độ cao đẳng.

Đoàn học sinh của Trường CĐ Nghề Lạng Sơn tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học công nghệ “Innovation
Tech Challenge - 2023” áp dụng hình thức thi đấu Robocon

 

Với định hướng phát triển thành một trường đào tạo chất lượng cao, phù hợp với chiến lược của Chính phủ đến năm 2030 đạt tỷ lệ 50 - 55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thời gian tới, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, bổ sung cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng, hoàn thiện cơ chế quản lý, gắn chặt việc đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động, tạo nên mối liên kết lợi ích: Nhà trường - người học - doanh nghiệp đảm bảo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo luôn ở mức cao. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của Nhà trường, rất mong tỉnh Lạng Sơn tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, ban hành chính sách nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào giáo dục nghề nghiệp; từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường kết nối (trên không gian mạng) để chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, gia đình, nhà giáo, người học, hình thành mạng xã hội giáo dục nghề nghiệp mở./.

Đình Long