Lạng Sơn: Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối

|

Lạng Sơn: Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối

Với quan điểm “giao thông đến đâu phát triển đến đó”, những năm qua, ngành Giao thông - Vận tải (GTVT) Lạng Sơn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tranh thủ tối đa các nguồn lực từ Trung ương và nhà đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút
khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng

 

Trong 2 năm gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những chuyển biến rõ rệt. Tỉnh đã tổ chức khởi công một loạt các công trình giao thông trọng điểm, hiện đại và có tính kết nối, liên kết vùng, lan tỏa lớn. Đó là: Dự án dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; dự án Nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700-Km18 và đoạn Km18- Km80), Đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18.... Hiện nay, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đang bám sát tiến độ triển khai dự án, tập trung chỉ đạo các địa phương, đồng hành tháo gỡ khó khăn với chủ đầu tư, nhà thầu để đảm bảo tiến độ triển khai.

Để đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng, trong bối cảnh ngân sách địa phương còn khó khăn, hạn chế, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh việc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư theo phương án đối tác công tư (PPP) dưới các hình thức BOT, BT... Tiêu biểu nhất là các dự án: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn (đoạn Km45+100-Km108+500), kết hợp tăng cường mặt đường QL.1 (đoạn Km1+800-Km106+500), tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT có mức đầu tư 12.183 tỷ đồng; Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư là 11.029 tỷ đồng (đang trong quá trình triển khai).

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Tỉnh đã có 1 tuyến đường bộ cao tốc, 7 tuyến quốc lộ, 23 tuyến đường tỉnh, 110 tuyến đường huyện và các tuyến đường đô thị, đường giao thông nông thôn, đường tuần tra biên giới với tổng chiều dài trên 14.110 km. Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh cơ bản được thảm bê tông nhựa hoặc láng nhựa, đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện.

Công tác phát triển giao thông nông thôn cũng đạt được kết quả rất tích cực. Các huyện, thành phố đã ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh vận động Nhân dân tham gia thực hiện cứng hóa các tuyến đường theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm”. Tính đến nay, số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa là 164/181 xã (đạt 90,6%), số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt trên 71%. Nhiều tuyến đường được cứng hoá giúp người dân đi lại, trao đổi hàng hóa nông sản thuận tiện, bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt, ngày càng khởi sắc.

Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường được quan tâm và huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện, khắc phục tình trạng hư hỏng xuống cấp của các tuyến đường, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao năng lực lưu thông phương tiện, hàng hóa, hành khách.

Tuyến Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đưa vào khai thác,
rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông từ Lạng Sơn đến Hà Nội

 

Với tầm nhìn dài hạn dựa trên vị trí nằm ở cửa ngõ kết nối các nước Đông Nam Á với Trung Quốc, Lạng Sơn đã xác lập rõ trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ, hướng tới hiện đại, có tính kết nối cao từ Trung ương đến tận thôn, bản và tiếp cận hệ thống giao thông đô thị thông minh; Ưu tiên tập trung phát triển hệ thống giao thông đối ngoại, các trục đường đô thị khu vực thành phố Lạng Sơn để kết nối với các tỉnh và các trung tâm kinh tế lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; Đa dạng các loại hình vận tải và phương tiện vận tải nhằm thỏa mãn nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải với chất lượng ngày càng cao. Các đầu mối kết nối hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư bao gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng, Cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Bản Chắt, Bình Nghi, các trung tâm kinh tế như TP. Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Văn Lãng, cảng cạn Lạng Sơn, trung tâm logistics, khu công nghiệp tại huyện Hữu Lũng, quần thể du lịch Mẫu Sơn, khu di tích Chi Lăng, khu du lịch cộng đồng tại các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng./.

Đình Đình