Hà Nam: Đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

|

Hà Nam: Đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Hà Nam là xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với quá trình đô thị hoá.

Để các địa phương có căn cứ tham chiếu đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí NTM trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định 43/2022/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 44/2022/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 ban hành Bộ tiêu chí về huyện NTM và Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao, các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các xã tập trung rà soát, đánh giá và đối chiếu kết quả và thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao theo quy định mới của tỉnh. Sau một thời gian triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hà Nam đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực.

Là đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Nam từ năm 2018, thị xã Duy Tiên luôn xác định, xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Để đạt được mục tiêu kép vừa xây dựng NTM, vừa phát triển đô thị, Thị xã tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM; chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa, quy hoạch vùng bảo đảm thực hiện xây dựng NTM nâng cao bền vững, hiện đại. Nhờ đó, đến nay cơ sở hạ tầng ở Thị xã được đầu tư phát triển ngày càng đồng bộ, theo hướng hiện đại, đáp ứng tiêu chí đô thị. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đi vào chiều sâu. Đến nay, Thị xã đã có 02 xã được công nhận đạt xã NTM nâng cao; 02 xã tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho rằng: Để chương trình xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị đi đúng hướng, trước hết cần thực hiện việc rà soát, phân loại các xã theo 2 nhóm. Nhóm có khả năng xây dựng xã trở thành phường và nhóm các xã có quá trình đô thị hóa chậm hơn để có định hướng và kế hoạch đầu tư cụ thể, bắt đầu từ quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Điều này là rất cần thiết, bởi một cơ chế chung sẽ không phù hợp khi mà nhu cầu, yêu cầu đầu tư ở các đơn vị xã/ phường là khác nhau trong các giai đoạn khác nhau.

 

Xã nông thôn mới Mộc Nam, thị xã Duy Tiên
 
Năm 2022, huyện Kim Bảng có 03 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Để cán đích NTM nâng cao theo kế hoạch, lộ trình đề ra, thời gian qua, các xã trong Huyện đều nỗ lực hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại theo quy định của tỉnh. Theo đó, huyện Kim Bảng đã tập trung ưu tiên hỗ trợ nguồn lực, chỉ đạo các phòng chuyên môn phụ trách tiêu chí, chỉ tiêu NTM, NTM nâng cao. Các địa phương thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường nông thôn, tập trung giải quyết vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường sản xuất và xây dựng cảnh quan “xanh – sạch – đẹp”. Cùng với đó, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn theo hướng thiết thực, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn…

Những năm qua, chương trình xây dựng NTM ở Bình Lục đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ rộng khắp, thu hút sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong toàn Huyện. Tính đến hết quý I/2023, 16 xã của Huyện đã đạt được 13/19 tiêu chí, 50/57 chỉ tiêu về xã NTM. Qua kết quả rà soát thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM nâng cao cấp huyện, Huyện đạt 19/38 chỉ tiêu, 1/9 tiêu chí, còn lại 19 chỉ tiêu và 8 tiêu chí chưa đạt, bao gồm các tiêu chí về: Quy hoạch; giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai; y tế, văn hóa, giáo dục; kinh tế; môi trường và chất lượng môi trường và tiêu chí về an ninh trật tự, hành chính công. Đến nay, 02 xã An Ninh và Tiêu Động của Huyện đã được tỉnh công nhận đạt xã NTM nâng cao.

Bí thư Huyện ủy Bình Lục Lê Xuân Huy khẳng định: Khó khăn thách thức đối với Bình Lục không phải là nhỏ, nhưng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, khoa học và có lộ trình cụ thể, tin rằng Bình Lục sẽ bảo đảm về đích NTM nâng cao theo đúng kế hoạch đề ra. Đặc biệt, với các tiêu chí khó, Huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các tiêu chí cấp huyện. Trong đó tập trung vào rà soát quy hoạch vùng huyện, tiến hành trồng bổ sung cây xanh tại các tuyến đường; tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế; nhân rộng mô hình hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ, xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ gia đình bằng các biện pháp phù hợp, xử lý nước thải theo đúng quy định; xây dựng mô hình khu dân cư thông minh tại Thôn 1 (xã Vũ Bản) và mô hình chính quyền thông minh tại xã Vũ Bản.

 

Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong xây dựng NTM đã góp phần cải thiện đời sống,
nâng cao thu nhập cho người dân huyện Bình Lục

 
Thực hiện các tiêu chí theo quy định mới về xã NTM giai đoạn 2021-2025, 20/20 xã của huyện Lý Nhân đã triển khai thực hiện lại quy hoạch chung của xã trong giai đoạn mới. Năm 2022, toàn huyện thực hiện cải tạo, nâng cấp gần 30 km đường giao thông nông thôn; xây dựng, nâng cấp 130 phòng học, phòng chức năng và một số công trình phụ trợ của các trường học; xây mới, nâng cấp, chỉnh trang các nhà văn hóa thôn, xã; thành lập 4 HTX kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, các xã trên địa bàn Huyện cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; duy trì, phát triển các ngành nghề, làng nghề có thế mạnh như dệt may, xây dựng, mộc, chế biến thực phẩm… huyện Lý Nhân hiện đã có 02 xã là Trần Hưng Đạo, Chính Lý được tỉnh công nhận đạt xã NTM nâng cao.

Làm rõ hơn về kết quả xây dựng NTM của Huyện, bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: Thời gian qua, Huyện đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Đối chiếu với quy định mới, tính đến thời điểm này, hầu hết các xã trên địa bàn Huyện đã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, giáo dục và đào tạo, lao động, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh…

Năm 2022, huyện Thanh Liêm có 2 xã về đích NTM nâng cao theo đúng lộ trình đề ra. Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, ngoài các xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 là Liêm Túc và Liêm Thuận, các xã còn lại trên địa bàn huyện cũng đang nỗ lực hoàn thành từng chỉ tiêu, tiêu chí NTM nâng cao theo quy định.

Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, triển khai xây dựng NTM nâng cao, không chỉ riêng 2 xã đăng ký về đích năm 2023 mà tất cả các xã còn lại trên địa bàn Huyện đều xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí và giao nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị tổ chức thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn. Cũng như các xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2023, hầu hết các xã trên địa bàn Huyện, kể cả các xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn trước vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện một số chỉ tiêu trong các tiêu chí như: Y tế (tỷ lệ người dân tham gia mua bảo hiểm y tế, tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử); tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng); văn hoá (có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở điểm công cộng)…

 
Tuy nhiên, đây là những chỉ tiêu mới và khó nên cần có thêm thời gian, lộ trình để triển khai thực hiện. Để hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định, các xã đều đang tập trung tối đa các nguồn lực, nhất là huy động nguồn xã hội hóa để có kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời; sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa thôn; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đối với các hộ khó khăn, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
 

Đồng chí Trần Văn Quân, HUV - Phó CT UBND huyện phát biểu tại Hội nghị công bố quyết định
phê duyệt Đề án xây dựng NTM nâng cao xã Liêm Túc năm 2023

 
Theo số liệu báo cáo, đến nay tỉnh Hà Nam đã có 83/83 xã đạt chuẩn NTM; 19 xã đạt NTM kiểu mẫu và 12 xã NTM nâng cao; có 6/6 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023, lũy kế toàn tỉnh có 31 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2025 có ít nhất 35 xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và có 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện Bình Lục); duy trì, giữ vững kết quả tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo quy định của Chính phủ giai đoạn 2021-2025.

Hiên nay, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hà Nam đang đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, đồng thời triển khai hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, phát huy vai trò, hiệu quả các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Hợp tác xã ít thành viên giúp nâng cao đời sống người dân nông thôn. Trong sản xuất nông nghiệp, tập trung áp dụng cơ giới hóa, chuỗi sản xuất nông nghiệp có bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, quan tâm đến lĩnh vực môi trường sống, vấn nạn rác thải và xả thải nguồn nước sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường; phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng con người Hà Nam văn minh, hiện đại; giữ vững an ninh trật tự; từng bước đưa công nghệ số, chuyển đổi số vào xây dựng NTM…
Minh Châu