Là thị xã nhỏ nhất cả nước nhưng thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên lại có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, do vùng đất này có vị trí đặc biệt, là nơi giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, cộng với nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, Mường Lay đang phấn đấu trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nơi cuối trời Tây Bắc.
Dự án thủy điện Sơn La hoàn thành, tích nước và đi vào khai thác đã tạo cho thị xã Mường Lay cảnh quan thơ mộng, trên bến, dưới thuyền. Những dãy nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái Trắng nối tiếp nhau san sát hai bên Hồ Nậm Lay thanh bình và dung dị, là những chất liệu làm du lịch mà không phải địa phương nào cũng có. Từ đây đã hình thành nên tiềm năng để Mường Lay phát triển loại hình du lịch lòng hồ thủy điện, mà đến nay đã có các tuyến du lịch lòng hồ thủy điện như: Mường Lay - Thủy điện Nậm Nhùn, Mường Lay - Quỳnh Nhai đang được khai thác. Không những vậy, thị xã Mường Lay còn rất phong phú văn hóa phi vật thể, đó là những nét văn hóa dân tộc truyền thống như các điệu múa nón, múa xòe, múa khăn, đàn tính tẩu, văn hóa ẩm thực dân tộc, các môn thể thao truyền thống ném còn, đẩy gậy, lễ Kin Pang Then, lễ hội Đua thuyền đuôi én... Đây là điều kiện thuận lợi để thị xã Mường Lay phát triển loại hình du lịch văn hóa dân tộc gắn với văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao mang nét đặc trưng riêng biệt.
Dự án thủy điện Sơn La hoàn thành, tích nước và đi vào khai thác đã tạo cho thị xã Mường Lay cảnh quan thơ mộng, trên bến, dưới thuyền. Những dãy nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái Trắng nối tiếp nhau san sát hai bên Hồ Nậm Lay thanh bình và dung dị, là những chất liệu làm du lịch mà không phải địa phương nào cũng có. Từ đây đã hình thành nên tiềm năng để Mường Lay phát triển loại hình du lịch lòng hồ thủy điện, mà đến nay đã có các tuyến du lịch lòng hồ thủy điện như: Mường Lay - Thủy điện Nậm Nhùn, Mường Lay - Quỳnh Nhai đang được khai thác. Không những vậy, thị xã Mường Lay còn rất phong phú văn hóa phi vật thể, đó là những nét văn hóa dân tộc truyền thống như các điệu múa nón, múa xòe, múa khăn, đàn tính tẩu, văn hóa ẩm thực dân tộc, các môn thể thao truyền thống ném còn, đẩy gậy, lễ Kin Pang Then, lễ hội Đua thuyền đuôi én... Đây là điều kiện thuận lợi để thị xã Mường Lay phát triển loại hình du lịch văn hóa dân tộc gắn với văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao mang nét đặc trưng riêng biệt.
Cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng trên dòng sông Đà đoạn chảy qua thị xã Mường Lay
Những năm qua, thị xã Mường Lay đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch và gắn phát triển du lịch với công tác bảo tồn, phát huy các thiết chế văn hóa của địa phương. Điển hình trong đó là việc Thị xã đã xây dựng và đang tập trung thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đến nay sau một thời gian triển khai, một số mục tiêu của Đề án đã được thực hiện hiệu quả, đạt kết quả cao. Hiện nay, Thị xã có 36/38 tổ dân phố, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, gần 40 đội văn nghệ quần chúng; 3/3 xã, phường có nhà văn hóa và có câu lạc bộ văn hóa, thể thao và du lịch; 2 bản du lịch văn hóa. Hàng năm, thị xã có trên 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; trên 85% tổ, bản đạt danh hiệu tổ, bản văn hóa; 100% tổ, bản xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước, các hủ tục ma chay, cưới hỏi không phù hợp đã dần được loại bỏ.
Những ngôi nhà sàn ở khu tái định cư của đồng bào Thái tại thị xã Mường Lay
Đáng chú ý, để giữ gìn và khôi phục lại chữ viết của dân tộc Thái, hàng năm Thị xã đã mở lớp dạy chữ Thái cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã Lay Nưa và cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Tổ chức mở các lớp để nghệ nhân cao tuổi truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ để gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Thị xã cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát một số hang động trên địa bàn; duy trì tổ chức lễ hội Đua thuyền đuôi én, lễ tế ta, lễ Kin Pang Then... Năm 2018, di tích lịch sử Pú Vạp trên địa bàn Thị xã đã được UBND tỉnh quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương.
Lễ hội đua thuyền đuôi én của đồng bào dân tộc Thái trắng trên dòng sông Đà
Song song với thực hiện Đề án, thị xã Mường Lay quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức. Cụ thể như: Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc để khai thác phát triển du lịch; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như qua trang Thông tin điện tử của Thị xã, qua các trang mạng xã hội để giới thiệu cho khách du lịch biết và tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm du lịch tại các bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Thái trắng.
Di tích Dinh thự Đèo Văn Long nằm bên lòng hồ thủy điện
Bên cạnh đó, Thị xã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên xây dựng các tour du lịch khép kín phục vụ khách du lịch; nghiên cứu, triển khai các phương thức quảng bá thu hút khách theo lộ trình kế hoạch cụ thể; phối hợp với các tổ chức, đơn vị xúc tiến du lịch khác trong và ngoài tỉnh để triển khai các dự án phát triển du lịch; xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn tại các địa bàn dân cư, di tích, điểm tham quan du lịch; tăng cường công tác giáo dục truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng về ứng xử thân thiện với khách du lịch... Mặt khác, Thị xã luôn chủ động liên kết, hợp tác với các tổ chức du lịch để giới thiệu,quảng bá du lịch Mường Lay, qua đó mở rộng cơ hội đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến với Thị xã.
Dấu tích dãy nhà chính còn sót lại của khu di tích Pú Vạp
Cơ sở hạ tầng của thị xã Mường Lay được đầu tư tái thiết đô thị bằng nguồn vốn Dự án Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, nên hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư cơ bản đồng bộ. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng, những năm qua, thị xã Mường Lay đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng các tuyến phố chính; xây dựng mới hệ thống chợ, siêu thị mi ni, nhà hàng, cơ sở dịch vụ, lưu trú. Đến nay, các tuyến đường của Thị xã đã được trồng cây xanh, cây che bóng mát; hệ thống điện đường chiếu sáng, đá lát vỉa hè, hệ thống thoát nước đạt tiêu chuẩn. Trên địa bàn Thị xã đã có 05 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, với 95 buồng, 380 giường, quy mô và hiện đại, hợp lý về giá, nằm bên Hồ Nậm Lay với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Đặc biệt, thị xã Mường Lay đang tiếp tục tiến hành khảo sát, với định hướng phục dựng lại Khu di tích Pú Vạp thành địa điểm du lịch mang giá trị giáo dục lịch sử.
Hoạt động khai thác du lịch lòng hồ thủy điện tại thị xã Mường Lay
Trong giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế - xã hội của thị xã Mường Lay đã có sự phát triển tích cực, cả 20/20 chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ XIII đề ra đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; các mặt văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo ước năm 2020 còn 6,63%, trung bình mỗi năm giảm 5%.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Mường Lay lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu phấn đấu đưa thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 62% trong tổng cơ cấu kinh tế và 24% trong tổng cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực. Điều đó cho thấy sự nhất quán và quyết tâm của thị xã Mường Lay trong việc phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Mường Lay lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu phấn đấu đưa thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 62% trong tổng cơ cấu kinh tế và 24% trong tổng cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực. Điều đó cho thấy sự nhất quán và quyết tâm của thị xã Mường Lay trong việc phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thành Nam