Pác Nặm là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Kạn theo chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện được thành lập năm 2003, có diện tích tự nhiên 47.539,14 ha với 10 xã, 113 thôn. Dân số trên 34 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Sau gần 18 năm xây dựng và phát triển, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn về tổng thể huyện Pác Nặm giờ đây đã có những đổi thay đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tê - xã hội, đặc biệt là trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Từ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Pác Nặm được đầu tư, qua đó góp phần phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
Qua 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng được sự lãnh đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Pác Nặm đã tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chủ động khắc phục những khó khăn và đã đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Công trình: Đường liên thôn Khuổi Làng - Phiêng Pẻn xã An Thắng, huyện Pác Nặm.
Về kinh tế: Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt 582,293 tỷ đồng, bằng 143% so với năm 2016, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020 đạt 431,893 tỷ đồng, tăng 26,37% so với năm 2016; Khu vực Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2016; Thương mại - Dịch vụ đạt 135 tỷ đồng, tăng 138% so với năm 2016. Đến năm 2020 thu ngân sách bằng 156% so với năm 2016 (trên 11 tỷ). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 21 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là ngành nông, lâm nghiệp chiếm 75,3%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 1,6%; thương mại - dịch vụ chiếm 23,1%.
Công trình: Đường liên thôn Nặm Sai - Cốc Nọt xã Công Bằng.
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản xuất qua các năm đều tăng, từng bước chuyển dịch theo hướng tăng về giá trị, chất lượng và bảo đảm an ninh lương thực. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm đều đạt trên 20 nghìn tấn, sản lượng lương thực đầu người bình quân hằng năm đạt trên 600kg/người/năm; Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2020 đạt 190 ha; Diện tích đất ruộng, soi bãi 100 triệu đồng/ha trở lên đến năm 2020 thực hiện được 160 ha, tăng 110 ha so với năm 2016; sản xuất vụ đông từng bước được quan tâm chỉ đạo thực hiện, năm 2020 thực hiện được 92,86 ha.
Công trình: Trường Mầm non Xuân La (HM: Nhà hiệu bộ)
Mặt khác, Huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác trồng rừng sản xuất và các loại cây lâm nghiệp đa mục đích để thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, hằng năm công tác trồng rừng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, giai đoạn 2016 – 2020 đã thực hiện trồng được trên 2.300 ha rừng, hiện nay người dân đã có nguồn thu ổn định từ khai thác rừng trồng sản xuất. Đẩy mạnh chăn nuôi các loại gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của đồng bào, đặc biệt là trâu, bò, dê, lợn, gà; từng bước chuyển sang phương thức chăn nuôi tập trung, vỗ béo. Tổng đàn gia súc hằng năm duy trì phát triển ổn định, tổng đàn đại gia súc trên địa bàn đến năm 2020 đạt trên 18 nghìn con, đàn lợn đạt trên 53 nghìn con, đàn dê trên 3 nghìn con; đàn gia cầm trên 280 nghìn con.
Kinh tế rừng là thế mạnh được xã Bằng Thành tập trung phát triển.
Bên canh đó, trong giai đoạn 2016-2020 huyện Pác Nặm đã huy động các nguồn lực đầu tư đạt trên 300 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn Trung ương, nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn ngân sách địa phương, các nguồn vốn huy động đóng góp khác...). Các nguồn lực đầu tư để thực hiện các chương trình, dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống các công trình đường giao thông, trụ sở làm việc, trạm y tế, công trình thủy lợi, trường, lớp học, đường điện..., được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Hệ thống đường huyện được cứng hóa với tổng chiều dài trên 58 km, đạt 83,97%; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ đường trục thôn được cứng hóa đạt 70,8%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 89,79%, tăng 8,37% so với năm 2016; có 06 trường học đạt chuẩn quốc gia; 10/10 Trạm y tế xã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; trụ sở làm việc của các xã và các cơ quan hành chính nhà nước được xây dựng kiên cố; có 97,8% tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 10/10 xã có điểm phục vụ bưu chính đạt chuẩn, 10/10 xã có dịch vụ viễn thông, internet; 7/10 xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến 70% số thôn...
Mô hình trồng cây đậu tương đang giúp người dân xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm giảm nghèo hiệu quả.
Thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với quyết tâm phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 3,5% trở lên, Đảng bộ, chính quyền đã xác định cần tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án đạt kết quả cao nhất để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Từ chủ trương đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo, như đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo, mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật; giải quyết cho vay các nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, triển khai các dự án phát triển sản xuất từ chương trình 30a, 135, nông thôn mới, hỗ trợ mua sắm công cụ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao tay nghề, kiến thức để người lao động áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Gia đình chị Hoàng Thị Vọng ở thôn Nà Vài, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để chăn nuôi lợn, trừ chi phí mỗi năm cũng thu về hàng chục triệu đồng. Ảnh: Tư liệu.
Trong 5 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm (đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 36,55%, giảm 14,29% so với cuối năm 2015, bình quân giảm 2,86%/năm). Người nghèo từng bước được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hưởng lợi từ những chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước...
Như vậy, từ kết quả xoá đói giảm nghèo trong những năm qua ở huyện Pác Nặm đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của huyện, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, sự tuyên truyền vận động hiệu quả của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là khơi dậy và phát huy được nội lực trong nhân dân, sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn huyện đối với người nghèo, vì người nghèo để tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững.
Như vậy, từ kết quả xoá đói giảm nghèo trong những năm qua ở huyện Pác Nặm đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của huyện, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, sự tuyên truyền vận động hiệu quả của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là khơi dậy và phát huy được nội lực trong nhân dân, sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn huyện đối với người nghèo, vì người nghèo để tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững.
Nhiều chính sách dân tộc được triển khai đã giúp đồng bào các dân tộc huyện Pác Nặm có thêm tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: Tư liệu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại hạn chế đó là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Cùng với đó một số người nghèo chưa có ý thức tự giác thực hiện các giải pháp giảm nghèo, chưa phát huy tốt sự sáng tạo, ý chí tự lực của các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo./.
Trọng Nghĩa