Trường cao đẳng Bắc Kạn: Phấn đầu trở thành trung tâm đào tạo chất lượng

|

Trường cao đẳng Bắc Kạn: Phấn đầu trở thành trung tâm đào tạo chất lượng

Trường cao đẳng Bắc Kạn tiền thân là Trường dạy nghề Bắc Kạn được thành lập từ năm 2002. Sau các lần nâng cấp và sáp nhập, Trường không ngừng được củng cố về quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Qua gần 20 năm xây dựng và phát triển Trường đã đào tạo hàng nghìn lượt học viên, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước và xuất khẩu lao động.
 

Đồng chí Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thành lập Trường Cao đẳng Bắc Kạn.
 
Ổn định bộ máy - giữ vững chất lượng đào tạo

Tháng 3 năm 2020, thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của Tỉnh uỷ Bắc Kạn và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Trường cao đẳng Bắc Kạn chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn vào Trường cao đẳng Nghề DTNT Bắc Kạn. Trường CĐ Bắc Kạn là đơn vị công lập duy nhất đào tạo đến trình độ cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

 

Toàn cảnh cơ sở 1 - Trường cao đẳng Bắc Kạn

Sau khi hợp nhất 2 đơn vị, Trường có cơ hội thuận lợi để mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, tuy nhiên, thách thức với Trường cũng không hề nhỏ, đặc biệt là việc ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự. Song với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu Trường đã tập trung làm tốt công tác tư tưởng, bố trí sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn, năng lực từng các cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, Trường cũng xây dựng quy chế chung và định hướng cán bộ, giáo viên nhân viên vào nề nếp, làm việc năng động, hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh.

 

Lễ khánh thành Bệnh xá thú y - Địa điểm thực hành, thực tập rất tốt của học sinh, sinh viên nghề chăn nuôi thú y
 
Song song với công tác tổ chức, Trường cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước tiệm cận với chuẩn đầu ra ở tầm Quốc gia và khu vực, đặc biệt đối với những ngành nghề có thế mạnh như: Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật điện, điện tử; Nông lâm nghiệp; Du lịch, Khách sạn và dịch vụ cá nhân; Kế toán - Kiểm toán; Sư phạm (giáo dục mầm non)… Được sự quan tâm của Bộ và tỉnh Bắc Kạn, Trường cũng được thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, đề án, dự án đào tạo nghề. Đây là nguồn lực quan trọng giúp Trường xây dựng hạ tầng hiện đại, mua sắm trang thiết bị đồng bộ đồng thời nâng cao năng lực cán bộ quản lý và đào tạo giáo viên. Ngoài ra, sau khi sáp nhập, Trường phát huy được sức mạnh tổng hợp của 2 đơn vị trước đây để bổ sung thêm giáo viên có năng lực trình độ, bố trí thêm các phòng học, phòng chức năng, phòng ký túc, xây dựng khu thực hành đáp ứng tốt hơn yêu cầu học các ngành nghề mới.

Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp

Dù trong quá trình kiện toàn bộ máy vẫn còn khó khăn nhưng khi bước vào năm học học 2020 - 2021, Trường CĐ Bắc Kạn quyết tâm duy trì ổn định các lớp học cũ, đồng thời làm tốt việc tuyển sinh. Kết quả, hệ trung cấp và cao đẳng chính quy tuyển được 289 chỉ tiêu và hệ sơ cấp là 571 học viên.

 

Giờ thực hành lớp kỹ thuật điện.

Bên cạnh đó, Trường đã xây dựng cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà trường - Doanh nghiệp - Người học để các doanh nghiệp tham gia đóng góp những nội dung cần thiết, phù hợp với thực tiễn của sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, Trường thường xuyên cử cán bộ theo dõi nắm bắt nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và làm cầu nối để giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
 

Giờ thực hành lớp kỹ thuật nấu ăn 

Những năm qua, Trường đã ký hợp tác đào tạo với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong có các công ty sử dụng lao động kỹ thuật cao như: Công ty CP Lilama 69-1, Công ty CP Kết cấu thép Sóc Sơn, Công ty Điện tử Towada, Công ty TNHH Thiên Sơn, Công ty CP Xây lắp điện 1, Công ty TNHH Cơ khí Việt Trung, Công ty TNHH Chăn nuôi Hoà Phát Bắc Giang, Công ty CP Phát triển Chăn nuôi Dabaco… Các doanh nghiệp trước khi ký kết hợp tác, Trường đều đã tìm hiểu kỹ về năng lực, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc nên khi giới thiệu các học sinh, sinh viên đều được sắp xếp làm việc ở vị trị phù hợp với ngành nghề đào tạo và có thu nhập ổn định.
 

Giờ thực hành lớp chăn nuôi thú y
 
Hiện nay, có doanh nghiệp đã liên kết phối hợp với nhà trường để đào tạo (nghề kết hợp học ngoại ngữ, kỹ năng mềm) rồi đưa học viên đi làm việc tại nước ngoài theo những đơn hàng uy tín. Điều đó mở ra hướng phát triển mới cho Trường và cũng là tín hiệu cho thấy thị trường ngày càng chấp nhận “sản phẩm” đào tạo của Trường./.
Trung Long