Những năm qua, huyện Thanh Ba đã vận dụng linh hoạt chính sách của Trung ương, của tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, làm cho bức tranh nông thôn ở Thanh Ba ngày thêm khởi sắc.
Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt
Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt
Xác định đầu tư, phát triển hạ tầng là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Thanh Ba đã tích cực huy động và lồng ghép các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt của Huyện. Giai đoạn 2015 - 2019, Huyện đã huy động tổng nguồn lực trên 7,5 nghìn tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường giao thông; trường, lớp học; bệnh viện, trạm y tế; hạ tầng các cụm công nghiệp; trung tâm hội nghị; chỉnh trang đô thị; hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa… Để hoạt động đầu tư được hiệu quả, huyện Thanh Ba thường xuyên tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện từ huyện đến cơ sở; tiến hành nghiên cứu lựa chọn, ưu tiên các công trình vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Nhờ đó, diện mạo của Huyện có sự thay đổi tích cực, đến nay tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa ước đạt 66%, kênh mương nội đồng được cứng hóa đạt 50%. Huyện đã xây dựng được thêm 41 trường học; 15 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và đang phấn đấu hết năm 2020, 100% trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Chương trình xây dựng nông thôn mới của Huyện có nhiều khởi sắc, đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 12 xã so với giai đoạn 1 và có 02 xã đang làm hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, nhiều công trình phục vụ thiết chế văn hóa như: Sân vận động, nhà văn hóa... đã được đầu tư mở rộng và nâng cấp.
Bưởi, quýt Đài Loan được trồng trên diện tích hơn 50 ha tại xã Đông Thành,
huyện Thanh Ba thuộc dự án Nông nghiệp công nghệ cao H2.
huyện Thanh Ba thuộc dự án Nông nghiệp công nghệ cao H2.
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tập trung gắn với bảo vệ môi trường
Để thực hiện thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Ba tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các cụm công nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Hằng năm, UBND Huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi mục đích cho các hộ nông dân. Cùng với đó, Huyện đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn; tăng cường trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất cho doanh nghiệp; Tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, phối hợp tốt với các sở, ngành chức năng nhằm quảng bá hình ảnh, khai thác lợi thế, tiềm năng để mời chào các nhà đầu tư. Huyện có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, kiểm soát tốt nguồn xả thải, đồng thời chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến chè, gỗ, hàng may mặc…Hiện trên địa bàn Huyện đã có 02 cụm công nghiệp là CCN phía Nam và CCN Bãi Ba - Đông Thành đã đưa vào khai thác, đồng thời Khu công nghiệp Đại An - Quảng Yên cũng đang được triển khai quy hoạch. Nhờ triển khai đồng bộ những giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, nền sản xuất công nghiệp của Huyện có bước tăng trưởng khá. Toàn Huyện hiện có 148 doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động, qua đó góp phần tăng thu ngân sách địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
Xác định công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất là yếu tố hàng đầu để thực hiện hiệu quả khâu đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian qua, huyện Thanh Ba đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dồn đổi, tích tụ ruộng đất. Đến nay, đã có 13 xã của Huyện thực hiện xong công tác dồn đổi, với tổng diện tích trên 1,35 nghìn ha. Từ thành công trong công tác dồn đổi ruộng đất, huyện Thanh Ba đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm phát huy lợi thế từng vùng, xác định các sản phẩm chủ lực có giá trị để tập trung định hướng sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm như bưởi, lúa chất lượng cao, chè, cây gai xanh… Bên cạnh đó, Huyện tăng cường khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân vào đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nhân dân. Hiện trên địa bàn Huyện đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sảm phẩm, với những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Dự án khu nông nghiệp H2 Đông Thành; liên kết sản xuất nông nghiệp tại các xã Đỗ Sơn, Đỗ Xuyên, Hoàng Cương, Thanh Hà…
Trong thời gian tới, Huyện sẽ tập trung phát triển, sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời tập trung phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm./.
Minh Hùng