Vì một môi trường kinh doanh thuận lợi
Với phương châm: “Các nhà đầu tư đến Yên Bái là công dân Yên Bái, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đồng bộ nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Trong đó, nổi bật nhất là việc Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo PCI và ban hành Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện hàng năm, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện và định kỳ báo cáo cho UBND tỉnh.
Với phương châm: “Các nhà đầu tư đến Yên Bái là công dân Yên Bái, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đồng bộ nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Trong đó, nổi bật nhất là việc Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo PCI và ban hành Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện hàng năm, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện và định kỳ báo cáo cho UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua, tỉnh Yên Bái còn đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện và cấp xã. Giờ đây, người dân, doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi để nộp và nhận các hồ sơ, thủ tục giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Mọi thông tin về việc tiếp nhận và xử lý của công dân, doanh nghiệp được công khai, minh bạch đã nâng cao tinh thần và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức. Không dừng lại ở đó, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để nâng cao chất lượng phục vụ và hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Yên Bái
Xác định quy hoạch phải đi trước một bước, Yên Bái rất quan tâm tới việc nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch. Các thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH cũng được niêm yết công khai tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng, thuận tiện tìm kiếm thông tin cũng như tiếp cận chính sách, kế hoạch phát triển của tỉnh.
Song song với việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý điều hành và năng lực cạnh tranh, Yên Bái còn duy trì việc tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp. Thông qua chương trình “Cà phê doanh nhân” được tổ chức hàng tháng với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp tham gia được trực tiếp đặt câu hỏi, nêu lên khó khăn vướng mắc và nhận được giải đáp từ phía lãnh đạo tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về phương án tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, Yên Bái đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thống nhất giữa các sở, ban, ngành chuyên môn, tránh chồng chéo, trùng lặp và tuân thủ theo quy định của pháp luật về thanh tra, đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, không làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh tại Yên Bái đã có sự cải thiện rõ rệt. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2013 đến năm 2018, Yên Bái đã tăng 18 bậc trên bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ vị trí thứ 60/63 năm 2013 lên vị trí thứ 42/63 tỉnh, thành phố năm 2018.
Khởi sắc thu hút đầu tư
Không chỉ cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, Yên Bái còn tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông vùng, liên vùng, liên tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thu hút các nhà đầu tư. Nhờ vậy, Yên Bái ngày càng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư, thu hút được các dự án có quy mô ngày càng lớn. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2016 - 2018), Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 128 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 31,3 nghìn tỷ đồng - một con số ấn tượng đối với một tỉnh nằm sâu trong nội địa như Yên Bái. Tính lũy kế đến 6 tháng năm 2019, toàn tỉnh hiện có 485 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng gần 71,6 nghìn tỷ đồng và 434,4 triệu USD.
Đã có một số nhà đầu tư lớn đầu tư vào Yên Bái, như: Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Daesung Hàn Quốc, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ,... Hiện nay, cũng có một số dự án có vốn đầu tư khá lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang trong quá trình triển khai như: Dự án đầu tư công viên văn hóa, thể thao du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Công ty cổ phần đầu tư công viên văn hóa, thể thao du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà (thành viên Tập đoàn Alphanam), tổng vốn đầu tư đăng ký 4.980 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp Quốc tế Vân Hội của Công ty cổ phần phát triển du lịch và nghỉ dưỡng quốc tế Vân Hội (thuộc tập đoàn TH), tổng vốn đầu tư đăng ký 2.700 tỷ đồng; Dự án Khu sản xuất, chế biến lâm sản tập trung của Công ty cổ phần tập đoàn Cường Thịnh Thi, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.410 tỷ đồng...
Mặc dù rất “mong mỏi” các dự án, nhà đầu tư nhưng Yên Bái cũng không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà chú trọng chất lượng dự án, nhằm thực hiện đúng định hướng phát triển bền vững và chiến lược tăng trưởng xanh. Tỉnh lựa chọn những nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để phát triển hài hòa giữa công nghiệp và du lịch. Một số lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư, như: Công nghiệp chế biến; sản xuất nông, lâm nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ; lắp ráp linh kiện điện tử... Những định hướng nêu trên phù hợp với chủ trương thực hiện tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra./.
Trong 03 năm 2016-2018, tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 6,21%/năm, 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,81% (là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 4 năm trở lại đây). Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh (công nghiệp, xây dựng tăng từ 22,8% năm 2015 lên 26,3% năm 2018; tương tự dịch vụ tăng từ 40,9% lên 47,1%), giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp (giảm từ 25,1% xuống còn 21,9%). GRDP bình quân đầu người tăng khá, năm 2015 đạt 25,26 triệu đồng, năm 2018 đạt 33,6 triệu đồng, tăng 33,0% so với năm 2015. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2016 - 2018 đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm.
Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục có bước phát triển, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm chủ lực. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2018 là 40 xã; đến nay, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 52 xã, vượt xa so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra. Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi và phát triển, đã thu hút được một số dự án đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất công nghiệp của tỉnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, từng bước khai thác, phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Các giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương đã phát huy được hiệu quả, thu ngân sách tăng cao so với giai đoạn trước. Thu ngân sách nhà nước năm 2015 đạt 1.579 tỷ đồng; năm 2018 đạt 2.909 tỷ đồng, tăng 84,2%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2015 là 15,3 nghìn tỷ đồng, năm 2018 là 18,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19,52%. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn ngoài nhà nước.
|
Nguyễn Minh Toàn
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái