Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt trong tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới lại đang loay hoay giải bài toán nhân lực để lấp đầy những khoảng trống thị trường lao động.
Châu Âu thiếu nhân lực trầm trọng
Thị trường lao động khu vực Liên minh châu Âu đang khá nóng với tỷ lệ thất nghiệp áp sát mức thấp kỷ lục và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân công. Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu công bố trong tháng 3/2023 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tính chung 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu là 6,1%, mức thấp chưa từng thấy kể từ khi châu Âu bắt đầu thống kê một cách có hệ thống vào năm 1998. Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt thấp tại Đức, Hà Lan, Czech và Ba Lan, chưa tới 3%.
Các chuyên gia tính toán, cứ mỗi 100 công việc có sẵn trên thị trường lao động thì có 3 công việc không thể tuyển được người làm, tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Tại một loạt các quốc gia từ Tây Âu (như Pháp, Đức, Italy) tới Đông Âu (là Ba Lan, Romania, Cộng hòa Czech...), số lượng chỗ làm trống cần tuyển người cứ năm sau lại cao hơn năm trước. Câu chuyện thiếu nhân lực diễn ra trong hầu hết mọi vị trí việc làm, từ những ngành yêu cầu trình độ đào tạo như dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, chăm sóc y tế cho đến những công việc phổ thông như phụ bếp quán ăn, nhân viên chạy bàn, hay công nhân xây dựng, bốc xếp …
Tình trạng khan hiếm nhân lực đã và đang tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế tại các nước khu vực Liên minh châu Âu. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa do thiếu nhân viên, nhiều nhà máy phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí gây ra xáo trộn trong đời sống xã hội.
Chỗ làm trống ngày càng nhiều, nhân lực ngày càng hiếm đã khiến cho mối tương quan giữa doanh nghiệp và người lao động đảo chiều, thay đổi theo hướng có lợi cho người lao động. Ngoài việc chuyển hướng đẩy mạnh tự động hóa kết hợp với trí tuệ nhân tạo trong các công đoạn sản xuất kinh doanh nhằm giảm lệ thuộc vào nhân công, thì nhiều doanh nghiệp ở châu Âu phải tìm mọi cách cạnh tranh với nhau để giữ chân người lao động đang có và tuyển dụng thêm người mới bằng việc tăng cường các chính sách phúc lợi, điều kiện làm việc, giảm số ngày đi làm, cho phép làm việc tại nhà hay tăng lương - một giải pháp đang “tiếp tay” cho lạm phát ở nhiều quốc gia trong khu vực. Tốc độ tăng lương của các doanh nghiệp đã cao và nhanh tới mức Ngân hàng trung ương châu Âu phải cảnh báo, lương cao càng làm cho lạm phát trầm trọng thêm.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, lý do căn bản là tỷ lệ sinh đẻ tại châu Âu quá thấp. Thêm vào đó, thế hệ của thời kỳ bùng nổ sinh đẻ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đã tới tuổi nghỉ hưu trong khi những lực lượng thế hệ kế cận không đủ bù đắp nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Cố gắng lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động, Liên minh châu Âu đã lập một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng nhân công, với tổng cộng 700.000 việc làm. Đối với những nghề yêu cầu chuyên môn, Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu nới lỏng công nhận văn bằng chứng chỉ của các nước khác. Dự kiến quy định sẽ được sửa đổi ngay trong năm nay nhằm bổ sung nguồn lực cho thị trường lao động.
Bên cạnh đó, một số nước châu Âu cũng thực hiện giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu và có những chính sách thông thoáng hơn nhằm thu hút lao động nhập cư vào làm việc. Ví dụ như cuối năm ngoái, Chính phủ Đức thông qua Luật Nhập cư mới, cho phép người nước ngoài được định cư tại quốc gia này nếu có hơn 2 năm kinh nghiệm nghề nghiệp, kỹ sư tin học, thậm chí không cần phải biết tiếng Đức. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng có chính sách tạo điều kiện cho người nước ngoài tới học nghề, sau ở lại làm việc. Trong khi đó, ngày 9/3 vừa qua tại Thượng viện Pháp hôm 9-3 đã thông qua đề xuất của Chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, từ 62 lên 64 bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các liên đoàn lao động.
Mặc dù vậy, lo ngại về vấn đề sức khỏe hậu Covid-19, không ít người dù trong độ tuổi lao động vẫn từ chối làm việc. Như vậy, số lượng người nước ngoài gia nhập thị trường lao động châu Âu sẽ ngày càng tăng, một dấu hiệu bắt đầu thời kỳ nền kinh tế EU lệ thuộc vào nhân lực nhập cư. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi có thêm lao động nhập cư thì tình trạng khan hiếm nhân lực cũng được dự báo vẫn sẽ là bài toán khó của châu Âu những năm tới đây. Thị trường lao động châu Âu được dự báo, từ nay tới 20 năm nữa tình trạng thiếu hụt sẽ chỉ tồi tệ thêm.
Bóng đen bao phủ thị trường lao động Mỹ
Trong năm 2022, thị trường lao động Mỹ bị bao phủ bóng đen khi các công ty nước này phải đối diện với tình cảnh khan hiếm nhân lực. Theo số liệu Bộ Lao động Mỹ, tính tới tháng 12/2022, ngay cả khi các công ty tăng tốc tìm kiếm nhân lực thì trên toàn nước Mỹ vẫn còn tới 11 triệu việc làm đang chờ đợi người lao động. Đây là con số cao kỷ lục và vượt quá hơn 2 lần con số 5,7 triệu người đang đi tìm việc làm trong cùng thời điểm đó, tức là mỗi người lao động có sẵn gần 2 việc làm đang chờ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thời điểm cuối năm 2022 cũng giảm sâu xuống 3,5%, mức thấp nhất trong 53 năm qua.
Tình trạng trên được cho là hệ lụy của xu hướng già hóa dân số ở Mỹ. Bên cạnh đó, kể từ khi nền kinh tế bị làn sóng Covid-19 đầu tiên tàn phá, nhiều lao động quyết định rời khỏi thị trường lao động, quyết định nghỉ hưu sớm do những lo lắng về sức khỏe. Trong khi đó, những biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump để khống chế dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể lượng người nước ngoài nhập cư vào quốc gia này. Các chuyên gia còn cho rằng, các chính sách hỗ trợ hào phóng trong thời kỳ đại dịch, giúp "củng cố ổn định kinh tế của người dân” cũng là một nguyên nhân khiến cho người lao động tự mình cho phép đứng ngoài thị trường lao động.
Bóng đen bao phủ thị trường lao động Mỹ
Trước bài toán khan hiếm nguồn nhân lực, nhiều chủ doanh nghiệp săn đón lao động nhập cư và trả mức lương khá hậu hĩnh. Trong nhiều trường hợp, lao động nhập cư được trả lương ngang bằng với công dân Mỹ.
Ở tầm vĩ mô, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết tâm hạ nhiệt thị trường lao động trong năm mới bằng việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và chính phủ chấm dứt các chương trình trợ cấp hào phóng, buộc nhiều người Mỹ quay trở lại tìm việc làm. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, câu chuyện thiếu hụt nhân sự được đề cập suốt năm 2022 vẫn chưa biến mất. Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, có một khoảng cách rất lớn giữa số lượng việc cần người làm với số người đi tìm việc. Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tháng 3/2023 vẫn duy trì con số 3,4%, thấp hơn so với mức kỳ vọng 3,6%. Nhiều doanh nghiệp ở xứ sở "cờ hoa" vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên phù hợp, thậm chí những doanh nghiệp nhỏ không thể thuê đủ lao động, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hàn Quốc sụt giảm mạnh lao động
Sau đại dịch Covid-19, trong khi cỗ máy kinh tế cần được khởi động lại nhanh chóng và mạnh mẽ thì thị trường lao động tại Hàn Quốc đang phải chịu áp lực sụt giảm mạnh mẽ lao động, gây ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc. Riêng trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc, Hiệp hội đóng tàu và hàng hải nước này nhận định, trong 8 năm qua, số lượng công nhân làm việc trong lĩnh vực này đã giảm hơn một nửa, từ 203.000 người năm 2014 xuống còn 95.000 người năm 2012. Dự kiến đến cuối năm 2023, ngành đóng tàu của Hàn Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 14.000 lao động.
Với đà sụt giảm lao động như hiện tại, dự báo ước tính tới năm 2030, lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc sẽ thiếu 300.000 nhân công, trong đó ngành công nghiệp bán dẫn đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, sẽ thiếu 54.000 lao động vào năm 2031, tức là thiếu 1/6 số nhân lực cần thiết.
Để bù đắp sự thiếu hụt này và nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế, trong tháng 1/2023, Thủ tướng Han Duck-soo đã hối thúc thành lập cơ quan chính phủ mới để tập trung vào hợp tác với các quốc gia khác nhằm thu hút người nước ngoài đến làm việc tại Hàn Quốc. Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cũng nhanh chóng thông báo kế hoạch thuê khoảng 110.000 lao động nhập cư để làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trong năm nay, số lượng này cao gấp hơn 2 lần so với năm 2022 là 41.000 người.
Nhằm thu hút lao động nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch nới lỏng các hạn chế về thị thực, giảm bớt quy định đối với lao động nước ngoài, rút ngắn thời gian tiến hành thủ tục hành chính. Mới đây, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc đã công bố cải tiến chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (Chương trình EPS). Theo đó, chính phủ nước này sẽ tích cực sửa đổi các quy định nhằm thúc đẩy hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; vận dụng đa dạng phương thức sử dụng nhân lực nước ngoài nhằm giải quyết nạn thiếu nhân lực tại các vùng sâu, vùng xa và tăng cường hỗ trợ cư trú nhằm đẩy nhanh thích ứng xã hội cho nhân lực nước ngoài. Bộ Tư pháp Hàn Quốc đồng thời đặt mục tiêu thành lập văn phòng mới vào nửa đầu năm 2023, để củng cố các chức năng hành chính liên quan đến nhập cư.
Hiện Hàn Quốc có số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 17,5% trong tổng số 52 triệu dân số cả nước. Với tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất thế giới, chỉ 0,79 vào năm 2022, Hàn Quốc có nguy cơ trở thành quốc gia già nhất thế giới với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 40% vào năm 2050. Nếu con số này không đổi, Hàn Quốc sẽ sớm cạn kiệt lao động trẻ và Chính phủ Hàn Quốc sẽ còn nhiều việc phải làm hơn nữa để đảm bảo lực lượng lao động cho nền kinh tế trong nước.
Hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản đang thiếu hụt lao động
Thị trường lao động Nhật Bản cũng đang gặp phải vấn đề tương tự khi áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Kết quả một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu uy tín Nhật Bản là Teikoku Databank thực hiện cuối năm 2022 với sự tham gia của hơn 11.000 doanh nghiệp cho thấy, tình trạng thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cụ thể, có đến hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động toàn thời gian, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ thông tin, tuyển dụng, bảo trì và an ninh. Thị trường nước này thậm chí thiếu hụt cả lao động thời vụ trong các lĩnh vực nhà hàng và khách sạn, với tỷ lệ thiếu hụt lần lượt là 77,3% và 62,3%.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn kéo dài và rõ rệt hơn khi nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sự thiếu hụt sẽ nghiêm trọng hơn trong các lĩnh vực vốn sử dụng nhiều lao động ở Nhật Bản, như xây dựng và hoạt động chăm sóc sức khỏe do nhu cầu ngày càng tăng của dân số đang lão hóa. Ước tính đến năm 2030, Nhật Bản sẽ thiếu hụt hơn 10 triệu lao động.
Trước lo ngại việc thiếu hụt lao động cả về ngắn và dài hạn có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế quốc gia, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét nới lỏng quy định để tuyển dụng lao động nước ngoài bù đắp sự thiếu hụt lao động trong nước. Trong khi nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhiều hơn người cao tuổi vào làm việc và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh để thích nghi hơn với tình trạng này. Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản cam kết chi khoảng 1.000 tỉ Yen (7,6 tỉ USD) để đào tạo thêm người lao động tay nghề cao trong 5 năm tới./.
ThS. Đặng Thị Loan
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong