Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn các nước thuộc nhóm ASEAN-6

|

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn các nước thuộc nhóm ASEAN-6

Theo báo cáo mới nhất từ Oxford Economics, tổ chức nghiên cứu và tư vấn kinh tế toàn cầu có trụ sở tại Oxford (Vương quốc Anh), nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng vượt trội so với nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-6) (bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Philippines) trong những năm tới.

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 6,5%

Theo dự báo của Oxford Economics, GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng là 6,7% trong năm 2024 và 6,5% vào năm 2025 nhờ vào nền tảng vững chắc của ngành chế biến chế tạo và sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu nội địa. Động lực chủ yếu cho tăng trưởng trong năm tới vẫn đến từ xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo.

 
Ảnh minh họa

Hiện tại, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trung tâm hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chip, đặc biệt ở các khâu lắp ráp, đóng gói và kiểm thử (APT). Không chỉ vậy, Việt Nam còn là nơi đặt cơ sở APT lớn nhất toàn cầu của Intel. Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất chip trị giá 1,6 tỷ USD của Amkor Technology tại Bắc Ninh dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2025, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

Mặc dù nhu cầu chip toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới do tình trạng dư thừa tồn kho sau các đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành chip vẫn đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam. Tại châu Á, chỉ số xuất khẩu chip đã suy giảm từ đầu năm 2024, phản ánh sự yếu đi trong lĩnh vực ô tô, điện thoại và máy tính. Tại Việt Nam, sản lượng linh kiện điện tử đã giảm từ giữa năm 2024, cùng với sự sụt giảm trong sản xuất phụ kiện điện tử, cũng đã phần nào cho thấy những tác động rõ rệt.

 
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam so với các nước ASEAN-6
            Nguồn: Oxford Economics

Tuy nhiên, ngành chế biến chế tạo của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có bước phát triển mới vào năm 2025, nhờ sự bùng nổ của các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là đầu tư gia tăng vào các trung tâm dữ liệu toàn cầu. Dù Việt Nam chưa tham gia sản xuất chip, vai trò trung tâm APT trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tiếp tục mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế.

Ngoài chip bán dẫn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như máy móc, thiết bị điện, dệt may và nông sản dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Một yếu tố quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng này là việc các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu để đối phó với nguy cơ thuế quan tăng, qua đó giúp bù đắp phần nào sự suy yếu tạm thời của nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa nới lỏng của Hoa Kỳ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam, bởi Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

FDI duy trì đà tăng trưởng ổn định

Theo Oxford Economics, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, mặc dù tốc độ có thể chậm lại một chút. Hiện tại, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và dòng vốn này dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nhờ lo ngại về thuế cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Oxford Economics cũng chỉ ra rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể giảm tốc vào đầu năm 2025 do sự bất định liên quan đến khả năng Mỹ áp thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, mức thuế 10% sẽ được áp lên các mặt hàng như ô tô, kim loại và pin năng lượng mặt trời. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng những tác động từ thuế suất này sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam trong năm 2025 do độ trễ giữa thời điểm tuyên bố và thực thi thuế.

Báo cáo của Oxford Economics nhận định, ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan có thể chỉ bắt đầu rõ rệt từ năm 2026. Tuy nhiên, với nền tảng sản xuất vững chắc và vị trí chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam sẽ duy trì khả năng phục hồi tốt và tiếp tục hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc +1.

Trong ngắn hạn, dòng vốn FDI năm nay được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Theo dự báo, tăng trưởng về đầu tư FDI trong năm 2025 tại Việt nam có thể đạt 7,2%, cao hơn mức 6,9% được dự báo cho năm nay.

Ở khu vực trong nước, tiêu dùng cá nhân và hoạt động của doanh nghiệp nội địa đang có xu hướng phục hồi ổn định. Mặc dù tăng trưởng tín dụng được dự báo khó quay lại mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2025, nhưng vẫn đạt mức cao hơn so với hiện tại.

Về tiêu dùng, triển vọng vẫn lạc quan tại Việt Nam, với mức tăng trưởng gần như đã quay lại giai đoạn trước đại dịch. Điều này chủ yếu nhờ vào mức tăng lương dự kiến trong năm 2025, đặc biệt trong khu vực FDI.

Ngoài ra, ngành du lịch dự báo sẽ tiếp tục là một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế vào năm 2025, dù mức độ đóng góp có thể giảm so với năm 2024. Báo cáo của Oxford Economics cũng nhấn mạnh một điểm đáng chú ý của ngành du lịch Việt Nam đó chính là trong năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã chiếm 6,6% GDP và giúp Việt Nam đứng thứ hai ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản, về mức độ hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành này./.

 
PV