Thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm 2023 tiếp tục giảm và thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2019 đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong 3 động lực tăng trưởng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023, động lực xuất khẩu hàng hoá là kém nhất. Tuy nhiên, các tín hiệu của xuất khẩu những tháng cuối năm đã cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ và hy vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn sang năm 2024.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022 (là mức sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2012 đến nay). Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn xuất siêu 28 tỷ USD là điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm 2023; và có những dấu hiệu phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm, tạo ra kỳ vọng tốt trong hoạt động thương mại năm 2024.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022 (là mức sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2012 đến nay). Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn xuất siêu 28 tỷ USD là điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm 2023; và có những dấu hiệu phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm, tạo ra kỳ vọng tốt trong hoạt động thương mại năm 2024.
Về xuất khẩu hàng hóa, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022 (trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 259,95 tỷ USD).
Một số điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa liên tục dương và đạt cao trong 3 tháng cuối năm nay, cụ thể: Xuất khẩu hàng hóa tháng Mười tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; tháng Mười một tăng 6,9% và tháng Mười hai tăng 13,1%. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn: Tháng Mười tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; tháng Mười một tăng 15,4% và tháng Mười hai tăng 18,5%.
Tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam
các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022
các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022
Đơn vị tính: %
Thứ hai, xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá như: Rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 65,9% so với năm 2022 (riêng tháng Mười hai tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022); Hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 17,6% (tháng Mười hai tăng 21,7%); Gạo đạt 4,8 tỷ USD, tăng 39,4% (tháng Mười hai tăng 117,7%); Cà phê đạt 4,2 tỷ USD, tăng 3,1% (tháng Mười hai tăng 26,4%).
Thứ ba, trong tháng Mười hai năm nay, trị giá xuất khẩu một số mặt hàng có tỷ trọng lớn, đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng cao như: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 19,2%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 78,3%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 51,5%; Máy móc, thiết bị, DC, PT khác tăng 4,7%. Riêng 4 mặt hàng chủ lực này đã chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Về nhập khẩu hàng hóa, trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước (trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD).
Một số điểm tích cực trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa đó là:
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa trong 3 tháng của quý IV liên tục đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau 3 quý liên tiếp giảm sâu[1], cụ thể: Nhập khẩu hàng hóa tháng Mười tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước; tháng Mười một tăng 4,3% và đặc biệt tháng Mười hai tăng cao tới 12,3% (trong đó khu vực trong nước tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,1%).
Tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam
các quý năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022
các quý năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022
Đơn vị tính: %
Một số nhóm nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng có tín hiệu tăng trưởng khá tốt trong tháng Mười hai như: Sợi dệt tăng 24%; Vải tăng 16,5%; Nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 33,6%. Đặc biệt là nhóm hàng Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,4 tỷ USD và tăng tới 45,6% so với tháng 12 năm 2022; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,8 tỷ USD trong tháng 12 và tăng 7,6%.
Những tín hiệu tích cực của hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa trong năm 2023, đặc biệt trong những tháng cuối năm cho thấy nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn. Bên cạnh đó, dự báo của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ cho hoạt động xuất khẩu dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng trong nửa đầu năm 2024. Những tín hiệu trên kỳ vọng sẽ tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm 2024./.
Lê Thị Hiền
Vụ Thống kê Tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê - TCTK
Vụ Thống kê Tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê - TCTK
[1] Quý I giảm 15,4%; quý II giảm 20,4%; và quý III giảm 5,8%.