Tại Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) diễn ra vào ngày 07/12/2023, hai nước đã đạt được sự nhất trí cao trong các lĩnh vực hợp tác trọng điểm. Việt Nam và Hàn Quốc đã rà soát, đánh giá những kết quả đạt được trong hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng kể từ khi chính thức thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022. Qua đó, hai nước đã thống nhất được những giải pháp sáng tạo, hoạch định các cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực hai bên phụ trách; ủng hộ và nâng cao vị thế của nhau trong các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương... góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của mỗi nước. Cụ thể:
Về lĩnh vực thương mại, Việt Nam và Hàn Quốc cần quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển quan hệ thương mại song phương, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó có nhấn mạnh đến các nội dung hợp tác chính như: (1) Triển khai tích cực, hiệu quả cơ chế hợp tác Korea Plus tại Việt Nam và VietNam Plus tại Hàn Quốc, bao gồm việc tập trung giải quyết các vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, phối hợp tổ chức các sự kiện tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi thương mại, hợp tác kinh doanh và đầu tư; (2) Hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương như IPEF, RCEP… và hợp tác thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; (3) Phối hợp chặt chẽ vận hành hiệu quả Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong các hoạt động xuất nhập khẩu; (4) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như thực hiện nghiên cứu chung để mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam về công nghệ thông tin...
Về lĩnh vực thương mại, Việt Nam và Hàn Quốc cần quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển quan hệ thương mại song phương, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó có nhấn mạnh đến các nội dung hợp tác chính như: (1) Triển khai tích cực, hiệu quả cơ chế hợp tác Korea Plus tại Việt Nam và VietNam Plus tại Hàn Quốc, bao gồm việc tập trung giải quyết các vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, phối hợp tổ chức các sự kiện tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi thương mại, hợp tác kinh doanh và đầu tư; (2) Hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương như IPEF, RCEP… và hợp tác thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; (3) Phối hợp chặt chẽ vận hành hiệu quả Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong các hoạt động xuất nhập khẩu; (4) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như thực hiện nghiên cứu chung để mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam về công nghệ thông tin...
Việt Nam - Hàn Quốc đạt được sự nhất trí cao trong một số lĩnh vực hợp tác trọng điểm. Ảnh: moit.gov.vn
Về lĩnh vực công nghiệp, thống nhất giao cấp kỹ thuật hai bên sớm thảo luận, lập kế hoạch hành động triển khai Biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm khoáng sản thiết yếu Việt Nam - Hàn Quốc được Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ký ngày 23/6/2023. Đồng thời thống nhất một số nội dung quan trọng như: Thúc đẩy hợp tác trong sản xuất nguyên vật liệu, linh kiện trung và dài hạn thông qua hoạt động vận hành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam (VITASK), qua đó giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Hàn Quốc; Thúc đẩy hợp tác trong chuyển giao nhân lực ngành đóng tàu vừa đáp ứng nhu cầu cao của phía Hàn Quốc và cũng phù hợp với khả năng cung ứng của Việt Nam; Tăng cường kết nối đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp ô tô v.v... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như toàn cầu. Phía Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách trong lĩnh vực khoáng sản... cũng như hợp tác nghiên cứu, khai thác, chế biến và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Về lĩnh vực năng lượng, giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những kết quả tích cực trong hợp tác phát triển các nhà máy điện khí LNG, khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như việc trao đổi thông tin về công nghệ năng lượng sạch... Hai nước cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Hàn Quốc đang tham gia vào các dự án năng lượng tại Việt Nam. Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách phát triển năng lượng mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (netzero) vào năm 2050. Trong khi đó, Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực tiềm năng như: Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; chuyển đổi nhiên liệu, xử lý môi trường cho các nhà máy nhiệt điện và tua bin khí đang vận hành; triển khai các dự án nhiệt điện chạy khí và LNG; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; công nghệ lưu trữ năng lượng, lưu trữ carbon; nâng cao năng lực xây dựng thể chế và quản lý năng lượng trong nền kinh tế...
Đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, sau 8 năm thực thi kể từ khi chính thức có hiệu lực vào ngày 20/12/2015, Hiệp định đang được triển khai thuận lợi. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng ấn tượng, gấp gần 2,4 lần từ 36,48 tỷ USD năm 2015, lên 86,38 tỷ USD vào năm 2022. Trong nhiều năm Hàn Quốc liên tục đứng đầu trong số các nước có vốn đầu tư vào Việt Nam; lũy kế đến năm 2022, Hàn Quốc có 9.534 dự án với tổng vốn 80,96 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2023, Hàn Quốc đứng thứ 3 về tổng vốn đầu tư đăng ký với hơn 4,17 tỷ USD, chiếm gần 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. Với những thành tựu đã đạt được, Việt Nam - Hàn Quốc nhất trí về phương hướng triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật thương mại... nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định VKFTA mang lại.
Trên cơ sở đạt được sự thống nhất cao trong các lĩnh vực trọng điểm nêu trên, hai nước đã ký kết Biên bản kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc và Tuyên bố chung của Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Đồng thời trao Bản ghi nhớ về chuỗi cung ứng đàn hồi khoáng sản quan trọng giữa Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Hàn Quốc và Viện Khoa học, Công nghệ Mỏ - Luyện Kim; Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Xanh và Công ty TNHH Star Group Industries/Sunglim Rare Earth Metal về “Hợp tác kinh doanh trong chế biến đất hiếm và đầu tư nhà máy tại Việt Nam”./.
P.V