Huy động nguồn lực phát triển tài chính xanh

|

Thúc đẩy phát triển tài chính xanh đem lại nhiều lợi ích bền vững cho các định chế tài chính, cộng đồng và doanh nghiệp (DN) được vay vốn. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tài chính xanh ở Việt Nam hiện nay đối mặt với những thách thức, trong đó có thách thức lớn về nguồn lực tài chính. \r\n

 

\r\n

 

HSBC sẽ ngưng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới. Ảnh: Một nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam Ảnh: Hà Phương
Không dựa ngân sách

Tại hội thảo “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng DN” tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: “Khái niệm tài chính xanh hiện còn khá mới mẻ, không chỉ đối với thành viên tham gia thị trường mà còn với cơ quan quản lý. Do đó, chưa có sự sẵn sàng cao đối với tài chính xanh. Các ngân hàng thương mại truyền thống cũng chưa sẵn sàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh; trong đó, một thách thức không nhỏ chính là nguồn tài chính hỗ trợ dự án xanh, sản phẩm xanh còn rất eo hẹp”.

Để xanh hóa nền kinh tế, đòi hỏi nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực, cũng như cách thức điều phối hiệu quả các hoạt động được đề ra trong chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Nhu cầu về nguồn lực tài chính tăng trưởng xanh hiện nay không nhỏ, ước tính Việt Nam cần tới 30 tỷ USD và cam kết của Chính phủ thông qua hỗ trợ ngân sách quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp mà phải huy động nguồn lực từ chính hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt từ nguồn đầu tư nước ngoài song song với hỗ trợ quốc tế. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cũng đã nêu rõ: 70% kinh phí tăng trưởng xanh sẽ được huy động từ khu vực tư nhân, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các dự án tăng trưởng xanh.

100 tỷ USD và giải pháp tài chính bền vững 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và kế hoạch hành động nhằm lồng ghép, thực hiện các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là thành phần quan trọng để hướng dòng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu rủi ro, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tín dụng xanh là những khoản tín dụng được ngành ngân hàng hỗ trợ các dự án sản xuất kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Thông qua việc giảm các tác động tiêu cực của khối DN đến môi trường - xã hội, tín dụng xanh không những có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, mà còn góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. 

Hưởng ứng các chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cũng như triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Ngân hàng HSBC vừa cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD cho các hoạt động tài chính và đầu tư bền vững đến năm 2025. Theo đó, HSBC sẽ tăng cường hỗ trợ cho năng lượng sạch và những công nghệ phát thải ít carbon hơn, cũng như các dự án hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Cùng với đó, HSBC cũng cam kết sử dụng 100% nguồn điện tái tạo vào năm 2030, mục tiêu tạm thời là 90% vào năm 2025. Đồng thời, giảm hợp tác với các dự án than nhiệt lượng cao và chủ động quản lý quá trình chuyển đổi đối với các ngành có hàm lượng thải carbon cao khác. Điều này bao gồm việc ngưng cấp vốn cho nhà máy nhiệt điện than mới tại các thị trường phát triển và mỏ than nhiệt trên toàn thế giới. Ngoài ra, ngân hàng này cũng dẫn dắt và định hình cuộc tranh luận về tài chính, đầu tư bền vững và thực hiện các khuyến nghị của nhóm hành động về báo cáo tài chính liên quan đến khí hậu để cải thiện tính minh bạch. 

Nhu cầu tài chính để triển khai thực hiện các hoạt động tăng trưởng xanh (trong bối cảnh hạn chế từ nguồn ngân sách Nhà nước) còn có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Cụ thể như gần đây, Ngân hàng Maritime Bank vừa được Ngân hàng Nhà nước chỉ định phục vụ dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu” tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) và TP Hội An (Quảng Nam). Đây là dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, với tổng vốn đầu tư 126 triệu USD, thời gian triển khai dự kiến 5 năm (2017-2022). Dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng để thích ứng với việc biến đổi khí hậu cho TP Đồng Hới và TP Hội An, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và thực hiện dự án; giúp các địa phương giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường đô thị và giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.