Nhận diện thách thức, đề xuất cơ chế phát triển

|

Ngày 26-7, tại Cần Thơ, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương và TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi sản xuất bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. 
\r\n \r\n

Các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao và hơn 500 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương tham dự hội nghị, nhằm xem xét một cách toàn diện, có hệ thống, nhận diện đầy đủ những tiềm năng cũng như những thách thức đang đặt ra đối với ĐBSCL; huy động nguồn lực, tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) với tầm nhìn tới năm 2100.
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị
                                                                                               Ảnh: Hàm Luông
 Nhiều rào cản, lắm trở ngại

Sau phiên khai mạc, hội nghị đã chia làm 3 phiên thảo luận với 3 chuyên đề khác nhau. Phát biểu về định hướng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH-ĐT) cho biết, có rất nhiều bản quy hoạch cho ĐBSCL (tới 2.500 quy hoạch), quy hoạch cấp vùng có 22 bản, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết, cản trở sự phát triển. Nhiều bản quy hoạch chủ quan, duy ý chí, nhiều bản quy hoạch xung đột, chưa quan tâm giải quyết thách thức, rủi ro, nặng về đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, ít quan tâm đến tổ chức, không gian… “Các bản quy hoạch đều mong muốn cho địa phương phát triển nhanh, nhưng định hướng phát triển chưa đúng với thế mạnh, như việc định hướng Tiền Giang đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp, trong khi thế mạnh của địa phương này là nông nghiệp”, ông Các chia sẻ thêm. 

Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về BĐKH chung nhận định, ĐBSCL hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập… Nhưng điểm yếu của các quy hoạch này là không có sự gắn kết đồng bộ với nhau, nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây những hậu quả ngoài tính toán. Giáo sư Thục nêu ví dụ điển hình là dự án hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No tiêu tốn 300 triệu USD để bảo vệ 43.000ha lúa: “Chưa có tính toán diện tích lúa này mỗi năm tạo ra lợi nhuận có tương xứng với khoảng đầu tư nói trên hay không, nhưng dự án này đẩy ngập sang TP Cần Thơ”. Trước thực trạng như vậy, một trong những vấn đề đặt ra cho sự phát triển ĐBSCL là đổi mới quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành mới giải quyết được bài toán tổng thể của vùng và xây dựng chương trình hành động chung cho vùng. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, ĐBSCL cần có một quy hoạch cho vùng do Chính phủ chỉ đạo và giao cho một đầu mối làm thống nhất, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, bộ, ngành, địa phương... để không lãng phí thời gian, tiền của; sao cho sử dụng nguồn lực thấp nhất nhưng hiệu quả mang lại cao nhất.

Không chỉ riêng quy hoạch, câu chuyện về sản xuất nông nghiệp cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Phong, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển kinh tế (Hội Khoa học kinh tế) nêu quan điểm giảm diện tích trồng lúa khi thảo luận về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. “Trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu, vậy tại sao chúng ta phải trồng những giống lúa chất lượng thấp để rồi đem xuất khẩu với giá rẻ trong hơn 1/4 thế kỷ qua với vị trí số 2 - 3 thế giới? Nhiều người còn cho rằng đó là góp phần vào nguồn an ninh lương lực thế giới”, TS Phong nêu thực tế. Ông Phong cho rằng, hiện nay cần một nền nông nghiệp công nghệ cao, cần thay đổi tư duy về an ninh lương thực. Vì vậy, nên giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ, vì nông dân không có lãi và Nhà nước lại phải đầu tư lớn.

Hướng mở tích hợp, đa chiều

Điều hành phiên họp chuyên đề “Tổng quan về thách thức cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL”, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng ĐBSCL; nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng. Kinh nghiệm từ triển khai thực hiện các hoạt động chuyển đổi trong mô hình này sẽ là cơ sở để xem xét nhân rộng đối với các vùng kinh tế sinh thái trong cả nước; đóng góp kinh nghiệm cho khu vực và toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã nêu ra các vấn đề đáng lo của ĐBSCL và cần các giải pháp, như việc nước biển dâng, những cơn bão lớn, lốc xoáy sẽ đến và làm đảo lộn sinh hoạt, kể cả sản xuất... “Giải pháp cho người dân và chính quyền là cần cung cấp cho họ dự báo kịp thời, cập nhật theo thời gian rồi cung cấp các kịch bản cho chính quyền và người dân biết một vài năm tới điều gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL, để người dân cũng như chính quyền có những chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, tạo an sinh và thích ứng tốt nhất với BĐKH”, ông Thể đề xuất.
Sạt lở ở ĐBSCL ngày càng phức tạp, khó lường    Ảnh: Cao Phong
 Đến từ Hà Lan, quốc gia có một số điều kiện tương đồng với ĐBSCL, ông Hermen Borst, Phó Cao ủy chương trình đồng bằng Hà Lan, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá đối với quá trình khắc phục thiên tai và ứng phó với BĐKH. Theo ông Hermen Borst, Hà Lan vẫn đang duy trì cơ chế thống nhất, linh hoạt và bền vững trong quy hoạch phát triển, nhằm sử dụng các giải pháp mềm khi có thể, giải pháp cứng khi tình thế bắt buộc. 
Hội nghị cũng đã nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia đến từ  các tổ chức quốc tế như như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB)... Nhiều nhà khoa học tâm huyết với ĐBSCL như GS Nguyễn Ngọc Trân, TS Tô Văn Trường, GS-TS Nguyễn Tuấn Anh... đã gửi tham luận tới hội nghị, gợi mở nhiều giải pháp trong nhận diện thách thức và đề xuất cơ chế phát triển cho ĐBSCL. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thích đáng cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế về tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mê Công vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
Kênh rạch ở ĐBSCL khô cạn trong đợt hạn hán khốc liệt năm 2016                  Ảnh: NGỌC CHÁNH
  Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương. Trong giai đoạn từ năm 1958 - 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5oC; nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5%-20% ở đa số khu vực. Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300ha/năm. Nếu mực nước biển dâng 100cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).
 
 Các ý kiến tại hội nghị

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Dồn nguồn lực tạo sinh kế bền vững cho người dân

Chúng ta cần có những đánh giá đa chiều từ các tác động của BĐKH; khả năng chịu đựng tích cực và những rủi ro mà ĐBSCL đối diện. Từ đó, đưa ra kịch bản thích ứng trong phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, cụm dân cư...  Kịch bản thích ứng với BĐKH chắc chắn phải tái cấu trúc lại các ngành, các sản phẩm trong vùng... để phù hợp với các tác động của BĐKH. Kịch bản này sẽ gắn liền với quy hoạch tổng thể triển ĐBSCL. Đây được xem là công cụ để phát triển cũng là công cụ pháp lý trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện. Quy hoạch tổng thể này phải  gắn chặt với mối liên kết vùng: Vừa khai thác lợi thế của từng khu vực, từng địa phương nhưng phải có liên vùng để có sự phân công, hợp tác phù hợp. Từ đó triển khai kế hoạch thực hiện trên cơ sở cân đối nguồn lực trong và ngoài nước; có kịch bản ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thực hiện.
Tìm giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL cần xác định mục tiêu chính là tạo ra sinh kế bền vững, hạn chế thấp nhất những rủi ro trong sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng. Các kịch bản thích ứng với BĐKH phải được người dân trong vùng đồng tình và ủng hộ thì chúng ta mới thành công.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Chấp nhận giảm diện tích trồng lúa
nhưng giá trị phải tăng

Sạt lở đang lan rộng và tạo ra nhiều khu vực nguy hiểm đe dọa đến người dân ĐBSCL. Chúng tôi xác định: Trước mắt cần có phương án xử lý 41 điểm sạt lở mang tính bức bách trong vùng. Dứt khoát dồn sức, bằng các giải pháp công trình, phi công trình để ứng phó, xứ lý kịp thời. Các điểm sạt lở này, nếu không làm quyết liệt sẽ có nhiều khả năng gây tổn thương sinh kế, tài sản, thậm chí tính mạng của người dân. Về trung hạn và lâu dài, trên cơ sở đánh giá lại toàn diện, bổ sung thêm các số liệu để có những quy hoạch phát triển kinh tế, định cư... theo hướng bền vững. Chúng tôi sẽ tận dụng cả những kinh nghiệm của người dân để xây dựng các kịch bản thích ứng với BĐKH căn cơ, thiết thực hơn.
Trước diễn biến phức tạp và khó khăn của nguồn tài nguyên nước, đương nhiên chúng ta phải tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo. Theo đó, sẽ chấp nhận không tăng quy mô diện tích, sản lượng mà chúng ta đi sâu vào giải pháp nâng cao chất lượng lúa gạo. Trước nhất phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu giống chất lượng cao hơn, khoanh vùng sản xuất ổn định gắn với chuỗi sản xuất. Đặc biệt là quan tâm tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất lúa. Cần nhấn mạnh là chúng ta chấp nhận giảm diện tích nhưng giá trị phải tăng. Đây là yêu cầu cấp bách để cải thiện đời sống, sinh kế cho nông dân trồng lúa - một đối tượng sản xuất lâu nay rơi vào diện thu nhập “thấp nhất” trong sản xuất nông nghiệp.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ: Không nên ngọt hóa vùng ven biển

Theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận sản xuất lúa rất tốn nước ngọt nhưng giá gạo quá thấp. Dân trồng lúa không hưởng lợi bao nhiêu. Vì vậy, dứt khoát ĐBSCL phải giảm diện tích lúa 3 vụ. Chuyển diện tích lúa bấp bênh (vùng phèn nặng, mặn) sang nuôi trồng cây con có giá trị cao (lên liếp cây ăn trái thích hợp, nuôi cá đồng, nuôi tôm). Trong đó, cần nghiên cứu chuyển diện tích lúa trong các khu đê bao thành trồng cây ăn trái nếu có doanh nghiệp cần số lượng lớn trái cây làm nguyên liệu. BĐKH buộc ta phải tiết kiệm nước ngọt tối đa. Vì vậy, phải tạm dừng thời kỳ chuyên trồng nhiều lúa, chuyển sang thời kỳ làm tăng GDP, tăng thu nhập của nông dân. Không nên ngọt hóa vùng ven biển vì BĐKH không còn nhiều nước ngọt dẫn về vùng mặn.