Thúc đẩy liên kết ứng phó sự cố hóa chất

|

Nhân loại đã từng nhiều lần chứng kiến các sự cố rò rỉ hóa chất gây thảm khốc, làm nhiều người chết và bị thương, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra trong bối cảnh môi trường toàn cầu đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng chính là tăng cường kết nối giữa nhà nước với doanh nghiệp (DN), đoàn thể; đồng thời đẩy mạnh tinh thần trách nhiệm ứng phó với các sự cố này trên diện rộng. 

Diễn tập ứng phó sự cố rò rì hóa chất tại một doanh nghiệp
Nâng cao nhận thức 

Theo các chuyên gia, phòng ngừa sự cố rủi ro hóa chất bao giờ cũng hiệu quả, ít tốn kém hơn so với giải quyết các sự cố. Bởi thế, nhiều DN thường mời các chuyên gia, cố vấn tăng cường các buổi diễn tập thực địa nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tác động trực tiếp tới tính mạng người dân, cũng như gây thiệt hại kinh tế, môi trường sống. TS Chử Văn Nguyên, Phó Chủ tịch VRCC (Hội đồng Trách nhiệm xã hội của các DN Hóa chất Việt Nam), nhìn nhận hầu hết các DN lớn của nước ta thường làm rất tốt RC (trách nhiệm xã hội tự nguyện) bằng cách nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên của DN về việc phối hợp, ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất… Vì các DN nói trên đã xây dựng được chiến lược phát triển bài bản, ổn định. Ngược lại, cũng không ít DN chưa thực sự quan tâm đến yếu tố phòng ngừa, chủ động ứng phó với sự cố hóa chất này.

Để hạn chế những rủi ro, lãnh đạo Công ty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) chia sẻ, đơn vị đã xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001-2015, tích hợp ISO 9001 và OSHAS18001. Song song đó, công ty luôn quán triệt tôn chỉ sản xuất phải song hành với bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ các quy định vận hành (xử lý bụi trong khí thải, xử lý dòng khí chua, tiếng ồn, chất thải nguy hại…), đơn vị còn tăng cường tuyên truyền cho người lao động, người dân xung quanh nhà máy về công tác bảo vệ môi trường với các hành động thiết thực. Ví dụ như kêu gọi tiết kiệm điện, sử dụng giấy in 2 mặt, phân loại rác thải, khuyến cáo không xả trực tiếp hóa chất dầu xuống đất hoặc cống rãnh…

Một trong những phương thức vận hành an toàn được DN áp dụng hiện nay là code an toàn. Mục tiêu của code nhằm làm giảm rủi ro gây ra trong quá trình vận chuyển chất hóa chất đối với cộng đồng (dân cư, người vận chuyển, người phân phối, khách hàng, người lao động…) trong ngành công nghiệp hóa chất và các ngành công nghiệp khác có liên quan. Code vận chuyển phân phối hóa chất được áp dụng cho tất cả các hình thức vận chuyển (đường bộ, đường sắt, hàng không, kể cả vận chuyển bằng hệ thống đường ống) và việc nhận, gửi tất cả các hóa chất kể cả hóa chất thải. Code này cũng được áp dụng cho các hoạt động phân phối sản phẩm (bảo quản, xử lý, vận chuyển và đóng gói) khi các hóa chất được trao đổi giữa người cung cấp và khách hàng. Số lượng các hoạt động thực hiện trong code có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào đặc tính hóa chất đem phân phối, loại hình vận chuyển cũng như phân phối. Ưu điểm của code là đánh giá được những rủi ro liên quan đến quá trình phân phối hóa chất và từ đó đưa ra được các phương pháp làm giảm những rủi ro. 

Lồng ghép vào chương trình học

Thông tin từ lãnh đạo một số sở ngành tại TPHCM, trên địa bàn TPHCM cũng có khá nhiều trung tâm chuyên huấn luyện, đào tạo kỹ thuật an toàn hóa chất cho người lao động, DN… Nội dung các khóa học bao gồm, tìm hiểu về các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh, quản lý sử dụng hóa chất ở cơ sở; phòng ngừa, khắc phục sự cố rò rì, tràn hóa chất; hạn chế nguồn gây ô nhiễm, có khả năng lan rộng ra môi trường; biện pháp phục hồi môi trường; quy trình ứng cứu khẩn cấp, biện pháp sơ cứu y tế, cứu người gặp nạn… Từ đây, DN hoặc người lao động có thể chủ động tìm hiểu, tiếp cận với các thông tin cần thiết. 

Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), nhận định ngoài việc DN chủ động làm tốt nhiệm vụ, đảm bảo cân bằng an toàn trong sản xuất, ngăn ngừa rủi ro ô nhiễm môi trường thì các trường đại học, cao đẳng cũng nên tăng cường lồng ghép vào giáo trình học nội dung ứng phó với sự cố hóa chất. “Các kỹ sư tương lai sẽ được tiếp cận về các kiến thức chuyên môn sau khi ra trường song song với kiến thức ứng phó rủi ro hóa chất để dễ dàng vận hành, áp dụng vào thực tế. Theo tôi, các DN nên đặt hàng cho các trường đại học giảng dạy những kiến thức mà DN cần, từ đó thu hút nhân tài về DN của mình. DN và nhà trường nên bắt tay nhau triển khai càng sớm càng tốt, thay vì nhận cử nhân tốt nghiệp rồi về mất nhiều thời gian đào tạo lại như thời gian qua”, ông Nguyễn Đình Đông đề nghị. 

Tâm đắc với gợi ý đưa các bài giảng về quản lý, sử dụng hóa chất an toàn vào trường học, bà Hồ Thị Ngọc Truyền, đại diện Công ty cổ phần Tico (chuyên sản xuất chất hoạt động bề mặt), cho rằng việc giáo dục, định hướng cho học sinh - sinh viên hiểu thêm về ngành nghề này là rất quan trọng. Mặc dù việc giáo dục này có thể chưa phải là chuyên ngành nhưng các kỹ sư tương lai rất cần được trao nhiều cơ hội, học tập, tìm hiểu thêm kiến thức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bà Truyền cũng mong muốn DN hy vọng có thêm nhiều cơ hội để kết nối với các cơ quan chức năng chuyên trách, hỗ trợ chính sách, thủ tục có liên quan trong việc phát triển DN cả hiện tại lẫn tương lai, đặc biệt đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như Tico.