Biến đổi khí hậu và “an nguy” vùng TPHCM

|

Ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng rất quan trọng đối với định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hệ số hạ tầng kỹ thuật và cấu trúc phát triển các đô thị. 

Vận hành máy phát dòng điện xanh từ khí chất thải công nghiệp xây dựng TPHCM xanh, thích ứng biến đổi khí hậu Ảnh: CAO THĂNG
Do đó, để xây dựng vùng TPHCM phát triển bền vững, cần đánh giá kỹ các tác động; từ đó, xây dựng chiến lược ứng phó BĐKH vào quy hoạch xây dựng vùng.

Phát triển nén ở vùng đất cao 

Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đang đến gần giai đoạn hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. BĐKH là vấn đề được tất cả các bộ ngành, địa phương dành nhiều quan tâm đối với việc điều chỉnh vì có đến 25 triệu người tại 8 tỉnh thành sẽ chịu ảnh hưởng.

Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam - đơn vị tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch - đánh giá, quy hoạch xây dựng vùng đã được phê duyệt năm 2008 nhưng chưa xem xét sâu đến tác động của ngập lụt; do đó, mô hình phát triển tập trung đa cực và cấu trúc không gian chưa thích ứng với BĐKH. Vì vậy đã giảm hiệu quả trong việc đầu tư hạ tầng, chẳng hạn chưa tính đến các giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH đối với hệ thống giao thông, giảm tiêu thụ năng lượng và tài nguyên đất đai. Đối với hạ tầng kỹ thuật, chưa giải quyết được vấn đề ngập lụt, nhất là vùng trung tâm và vùng phía Nam; chưa có giải pháp quy hoạch không gian mở chứa nước và quy hoạch san nền cho các đô thị bị ngập… 

Trong khi đó, theo kịch bản BĐKH do Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo và xây dựng (giai đoạn 2050 - 2100) thì đây là vùng ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH: độ mặn từ 1- 4g/l, có xu hướng xâm nhập sâu trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ; hiện tượng đảo nhiệt khiến nhiệt độ tại các khu vực đô thị hóa cao có thể tăng thêm 2,2 - 3,20C. Mức độ ngập lụt cũng trở nên nghiêm trọng hơn do nước biển có thể dâng từ 30 - 100cm, khiến khoảng 20% diện tích của TPHCM bị ngập, còn Tiền Giang là 27% và Long An có thể lên đến 35%. Thêm vào đó, ngập do triều có xu hướng đi sâu vào khu vực có cao độ nền từ 1 - 3m. Khu vực Long An, Tiền Giang trên sông Tiền và sông Vàm Cỏ ngập do triều kết hợp lũ có thể từ 1 - 4m. Nhìn chung, khu vực phía Nam và Tây Nam và những nơi có nền thấp dưới 2m bị ảnh hưởng ngập nghiêm trọng nhất. BĐKH gây thiệt hại cho nền kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội, đời sống và sức khỏe của người dân… Những vùng chịu rủi ro cao nhất là các đô thị phía Nam TPHCM, đô thị cảng Vũng Tàu và phía Tây đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai). Vì thế, theo đơn vị tư vấn, để ứng phó với BĐKH cần có chiến lược điều phối cấp vùng với quy hoạch tạo điều kiện cho địa phương nhận diện được khu vực nào cần chống ngập lụt, khu vực nào quy hoạch không gian mở để quản lý ngập. Việc phân vùng trong quy hoạch cần làm rõ những vấn đề về mức độ an toàn và mục đích sử dụng đất, khuyến khích phân tán bớt dân cư và hoạt động kinh tế đến những khu vực đất cao trong vùng, hạn chế tập trung dân ở các khu vực dễ bị tổn thương. 

Chính vì vậy, trong quy hoạch điều chỉnh lần này, các kịch bản phát triển và dự báo phát triển vùng đều được đề xuất theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH, thông qua việc điều chỉnh không gian vùng và tổ chức không gian vùng trung tâm theo một chỉnh thể thống nhất, cân bằng BĐKH và ngập lụt; đồng thời cũng điều chỉnh khung tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại và thích ứng BĐKH… Mô hình phát triển lần này vẫn là tập trung đa cực, nhưng thay vì định hướng phát triển dàn trải từ vùng trung tâm có bán kính 30km đều ra các hướng như quy hoạch vùng năm 2008, thì tổ chức không gian thu gọn và nén quanh các cực tăng trưởng trọng điểm, các hành lang phát triển. Hạn chế phát triển đô thị về hướng Nam và Tây Nam vì là vùng đất thấp dễ bị ngập lụt; khuyến khích phát triển đô thị nén, các cực tăng trưởng năng động lên phía Bắc và phía Đông, nơi có vùng đất cao. Một điểm mới đặc biệt trong quy hoạch điều chỉnh lần này chính là tổ chức các vành đai xanh trong hình thái không gian đô thị, đây là nơi phát triển tập trung nén mật độ thấp ở các trung tâm đô thị, phát triển không gian đô thị sinh thái mật độ thấp kết nối với nông nghiệp đô thị. Các dải vành đai xanh tập trung phân bố chủ yếu theo các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ, các khu bảo tồn thiên nhiên… Về nhân lực, đơn vị tư vấn cũng đề xuất thành lập ban ứng phó BĐKH toàn vùng thông qua việc mở rộng vai trò của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM với sự tham gia của đại diện các tỉnh thành. 

Bổ sung chiến lược 

Đề xuất điều chỉnh cấu trúc không gian và hình thái phát triển của vùng TPHCM để thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững của đơn vị tư vấn nhận được nhiều sự đồng tình. Tuy nhiên, các bộ ngành và địa phương liên quan cũng nhận định quy hoạch điều chỉnh thiếu nội dung cực kỳ quan trọng là chiến lược ứng phó BĐKH, cho nên cần nhanh chóng bổ sung. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 - 2020, trong đó nêu rõ các tỉnh trong vùng có nguy cơ ngập lụt và suy giảm nguồn nước; do đó, cần khoanh vùng các khu vực chịu ảnh hưởng BĐKH theo từng thời kỳ. Đồng thời xác định các địa điểm có cao độ, không gian phù hợp phục vụ BĐKH và đề xuất các đô thị, điểm dân cư, khu chức năng đặc thù, khu vực chính đầu tư dài hạn, các hình thái hoạt động kinh tế - xã hội mới thích ứng BĐKH trong tương lai… 

Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vùng là khu vực chịu tác động nghiêm trọng của BĐKH nhưng trong quy hoạch nội dung xử lý chất thải rắn có biện pháp chôn lấp chất thải. Việc này sẽ gây tác động lớn đến chất lượng môi trường nước; vì thế cần xem xét, cân nhắc trên cơ sở phân tích đầy đủ các điều kiện địa chất - thủy văn. Bên cạnh đó, cần bổ sung đánh giá hiện trạng tài nguyên nước (tình hình khai thác, sử dụng và xả thải vào nguồn nước), dự báo nhu cầu sử dụng; từ đó, đề xuất các giải pháp cấp nước và bảo vệ nguồn nước cũng như các công trình cấp nước trong bối cảnh tác động của BĐKH.