Cho vay phải có đánh giá tác động môi trường dự án

|

Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, từ ngày 15-3-2017, các hoạt động cho vay của ngân hàng đối với khách hàng không chỉ đảm bảo các quy định về quan hệ tín dụng mà còn phải đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Một dự án được ngân hàng cho vay theo chương trình nông nghiệp sạch. Ảnh: Hà Phương
Ban hành sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội
Theo kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 và nhằm triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, NHNN được Chính phủ giao chủ trì việc rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các TCTD trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh.
Tín dụng xanh là những khoản cấp tín dụng mà ngân hàng cấp cho các dự án ít gây rủi ro đối với môi trường hoặc nhằm bảo vệ môi trường. Theo số liệu từ NHNN Việt Nam, tính đến hết năm 2016, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 84.781 tỷ đồng, tăng 19,7% so với thời điểm cuối năm 2015 và chiếm 1,5% so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (khoảng 3,2 triệu hợp đồng tín dụng). Dư nợ tín dụng đã qua khâu đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 187.953 tỷ đồng với 129.083 hợp đồng. Mặc dù tín dụng xanh có xu hướng tăng ngày càng nhanh nhưng chiếm tỷ trọng còn khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng. Do đó, NHNN đặt ra mục tiêu định hướng cho các TCTD xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường. 
Nhằm từng bước đưa công tác quản lý rủi ro môi trường và xã hội vào hoạt động xem xét, phê duyệt cấp tín dụng của các TCTD, NHNN đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) xây dựng bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong 10 ngành, nhằm khuyến khích các TCTD thực hiện để phục vụ cho công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng. NHNN cho biết, trong năm 2017 sẽ ban hành sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Sổ tay này được xem như bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong 10 ngành, gồm: nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại. Qua đó, định hướng cho các TCTD xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia cần tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, xã hội và tiết kiệm năng lượng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Sổ tay này cũng giúp cán bộ tín dụng và cán bộ chuyên ngành thực hiện thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh liên quan một cách hiệu quả đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững; đồng thời giúp các TCTD giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. 
Cần thiết nhưng phải đồng bộ
Nhiều ngân hàng cho rằng, mặc dù Thông tư 39 đã có quy định về việc các TCTD phải thẩm định việc tuân thủ quy định về pháp luật môi trường; tuy nhiên, do các tác động môi trường và xã hội chưa thực sự được coi trọng tại Việt Nam nên việc thực thi các yêu cầu đánh giá, giảm rủi ro môi trường và xã hội khi cấp tín dụng trước mắt khó đạt được sự hợp tác của tất cả các khách hàng. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, cán bộ ngân hàng sẽ trực tiếp đến cơ sở sản xuất để rà soát thẩm định tác động môi trường và xã hội của dự án vay vốn; đồng thời yêu cầu DN đó cung cấp hồ sơ đã thực hiện việc đánh giá tác động môi trường liên quan đến dự án vay. Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư dự án thường cắt giảm công đoạn này vì chi phí để áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường và xã hội thường khá cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm tra cũng như các chế tài xử phạt của quy định này hiện còn nhiều hạn chế và chưa đủ răn đe. Đây là nguyên nhấn dẫn đến việc tuân thủ đánh giá môi trường và xã hội hiện chưa được các DN thực sự quan tâm. 
Thực tế cho thấy, hiện nhiều ngân hàng đã quan tâm hơn đến rủi ro môi trường và xã hội khi cấp tín dụng. Một số ngân hàng cho biết đã từ chối cấp tín dụng cho những dự án được nhận định là rủi ro cao về môi trường hoặc không thể áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội một cách hợp lý, ngay cả khi dự án đó được đánh giá có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, cũng không ít các ngân hàng vẫn còn lo ngại sẽ mất khách hàng, bởi lẽ khi đưa việc quản lý về rủi ro về môi trường và xã hội vào quy trình xem xét cho vay, một số DN sẽ chuyển sang ngân hàng khác không bắt buộc khách hàng thực hiện báo cáo về tác động môi trường và xã hội hoặc áp dụng những tiêu chuẩn đánh giá đơn giản hơn, rút ngắn được thời gian làm thủ tục cho vay, cũng như ít tốn thời gian và tiền bạc khi thực hiện các công đoạn để đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Chính vì thế, các ngân hàng cho rằng, Thông tư 39 đã quy định các TCTD phải thẩm định việc tuân thủ quy định về pháp luật môi trường thì việc ban hành công cụ đánh giá tác động môi trường và xã hội là vô cùng cần thiết, giúp ngành ngân hàng có công cụ chuẩn để triển khai việc đánh giá, thẩm định dự án trước khi cho vay, vốn phù hợp xu thế phát triển và là bước tiến tích cực hướng tới tăng trưởng bền vững, khuyến khích DN bảo vệ môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai cần được áp dụng đồng bộ trong toàn khối các ngân hàng thương mại để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng.