Hướng đến các sản phẩm thân thiện môi trường

|

Trong khuôn khổ chương trình VIP, FIC đang hỗ trợ các DN dệt may cung ứng sản phẩm cho hai Tập đoàn bán lẻ VF và Target cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chi phí sản xuất.

Các doanh nghiệp dệt may ngày càng hướng đến việc phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường
Sau 18 tháng triển khai chương trình Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên (VIP) của Tổ chức tài chính quốc tế IFC (thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới), 28 doanh nghiệp (DN) Việt Nam cung ứng hoạt động trong các công đoạn cắt may, nhuộm, in, giặt gia công cho hai Tập đoàn bán lẻ VF và Target đã tiết kiệm được chi phí đáng kể về nước và năng lượng. Từ đó, mang lại lợi ích về năng suất và môi trường gắn liền với tiết kiệm tài nguyên cho hoạt động của DN trong ngành dệt may tại Việt Nam.Đầu tư 9,9 triệu USD - tiết kiệm được 15 triệu USD  Trong khuôn khổ chương trình VIP, FIC đang hỗ trợ các DN dệt may cung ứng sản phẩm cho hai Tập đoàn bán lẻ VF và Target cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chi phí sản xuất. Chương trình này giúp các DN tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất thải gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, cam kết sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… nhằm phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết dệt may là ngành hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 27 tỷ USD. Đây cũng một ngành quan trọng đối với nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế Việt Nam cũng như ngành hàng xuất khẩu dệt may, những can thiệp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trên diện rộng trong ngành này sẽ mang đến cơ hội quan trọng cho Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân một cách bền vững.  Theo ông Navneet Chadha, Trưởng nhóm Hiệu quả tài nguyên khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của IFC, 18 tháng qua, IFC đã tư vấn trên 300 giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Đến nay, 28 DN - chủ yếu hoạt động trong các công đoạn cắt may, nhuộm, in và giặt - thực hiện được 100 giải pháp, bao gồm cả giải pháp chi phí thấp và các giải pháp phức tạp chi phí cao hơn, với tổng đầu tư 9,9 triệu USD và tiết kiệm được 15 triệu USD chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm nước, năng lượng, hóa chất. “Rõ ràng, các DN chỉ đầu tư gần 10 tỷ USD để thực hiện các giải pháp sản xuất bền vững nhưng tiết kiệm đến 15 triệu USD chỉ trong vòng 18 tháng, chứng tỏ giải pháp rất khả thi”, ông Navneet Chadha nhận định.  Lãnh đạo Phòng Phát triển kinh doanh Công ty Giặt ủi Phong Phú Thanh Châu cho hay, công suất giặt ủi của công ty là 3 triệu sản phẩm/năm, khi tham gia chương trình VIP khâu giặt vải jeans và vải dệt kim, công ty đã tiết kiệm điện được khoảng 863 MW/năm, tương đương gần 61.000USD; tiết kiệm hơn 2.700kg nhiên liệu đốt, tương đương 120.000USD và gần 167m3 nước, tương tương đương 43.500USD. Với việc đầu tư nồi hơi gần 67.000USD, công ty đã tiết kiệm được khoảng 6.000USD tiền nhiên liệu/năm và giảm được 38% khí phát thải nhà kính so với năm trước. Ngoài ra, sau khi đầu tư nồi hơi công nghệ mới, tiết kiệm nhiên liệu thì môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn. Riêng với việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải mới khoảng 296.000USD và áp dụng quy trình xả thải mới, công ty tiết kiệm được khoảng 36.000USD tiền nước/năm. “Với một DN có công suất giặt ủi 3 triệu sản phẩm/năm thì con số tiết kiệm này là rất lớn”, vị này cho hay. Bảo vệ môi trường là đầu tư  cho phát triển Trong bối cảnh tài nguyên đang dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét thì kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn ngày càng phức tạp. Chính vì thế, nhiều tập đoàn trên thế giới hiện chỉ chấp nhận những sản phẩm từ các DN phát triển bền vững. Bà Kelly Caruso, Tổng Giám đốc Bộ phận mua hàng toàn cầu của Tập đoàn bán lẻ Target, cho biết Target đã làm việc tích cực với các công ty cung ứng của mình để triển khai các chương trình giảm sử dụng nước và năng lượng trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Việc hợp tác với IFC tại Việt Nam sẽ giúp Tập đoàn Target thực hiện chiến lược về tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm và đạt được mục tiêu về phát triển bền vững - đó là làm cho các nhà máy sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường. Ông Brad Van Voorhees, Giám đốc cấp cao Bộ phận môi trường và bền vững của Tập đoàn VF, cũng cho biết khoản chi phí tiết kiệm được nhờ áp dụng các biện pháp hiệu quả năng lượng tại các nhà cung ứng của VF tham gia chương trình VIP đã chứng minh hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho chương trình cải thiện nhà cung ứng mà VF đang triển khai. “Chúng tôi đã đồng hành với các công ty cung ứng của mình trong gần 4 năm qua và đánh giá cao sự cam kết hợp tác, triển khai hiệu quả các giải pháp bền vững của họ”. Với việc kết hợp triển khai các dự án chi phí thấp và các dự án công nghệ phức tạp hơn, các DN cung ứng tham gia chương trình đạt được mức tiết kiệm nước và năng lượng bình quân trên 20%, với mức tiết kiệm tốt nhất của một số nhà máy cao gấp đôi mức tiết kiệm bình quân này. Khi thực hiện đầy đủ toàn bộ các can thiệp được khuyến nghị trong 2 năm tới, khoản đầu tư vốn 26 triệu USD để thay đổi và lắp đặt thêm trang thiết bị mới hiệu quả hơn, có thể giúp tiết kiệm được tới 2,8 triệu mét khối nước và giảm 562.000 tấn khí nhà kính hàng năm, đem lại lợi ích về năng suất và môi trường gắn liền với những tiết kiệm này. Đại diện IFC cho hay, Việt Nam là một trong những nước sử dụng năng lượng trong sản xuất nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, dệt may là ngành sử dụng nhiều năng lượng và nước, có tiềm năng giảm 20% hoặc nhiều hơn nữa lượng tài nguyên tiêu thụ thông qua việc áp dụng những công nghệ mới nhất và những thực hành tốt nhất về sử dụng tài nguyên. “Kết quả  giai đoạn đầu của VIP cho thấy tiềm năng trong việc nâng cao sử dụng hiệu quả năng lượng của các DN dệt may tại Việt Nam là rất lớn. Việc tiếp cận bền vững không chỉ giúp giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường mà còn mang lại hiệu quả trong kinh doanh. Bảo vệ môi trường cũng là đầu tư cho sự phát triển của DN”, ông Navneet Chadha nhấn mạnh. Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú cũng cho hay, sau khi tham gia chương trình VIP, các sản phẩm thân thiện môi trường của DN này có đơn đặt hàng tăng khoảng 30% - 40% so với các sản phẩm truyền thống.  Đại diện IFC cũng cho biết, dựa trên kết quả ban đầu nói trên, tổ chức này sẽ hợp tác với các thương hiệu toàn cầu hàng đầu khác để thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch trong các chuỗi cung ứng sản xuất tại Việt Nam.
Là DN tham gia chương trình VIP, ông Park In Pong, Tổng Giám đốc Công ty SamilVina - công ty trong lĩnh vực nhuộm và dệt kim, cho biết sau khi tham gia các giải pháp sản xuất bền vững, DN đã mạnh dạn đầu tư các thiết bị máy móc như máy nhuộm chì thấp, máy nén có hiệu suất cao và thực hiện các giải pháp về sản xuất bền vững; qua đó đã giảm mức tiêu thụ điện và nước rất lớn, tổng cộng tiết kiệm lên đến hàng triệu USD/năm.
“Sau khi đổi mới quy trình sản xuất, không chỉ tiết kiệm được năng lượng, nước mà còn tiết kiệm được thời gian hoạt động, giúp tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà nhà máy cũng không tồn dư hóa chất nhuộm tốc độ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Park In Pong cho hay.