Tăng sản lượng, giảm giá thực phẩm tươi sống

|

Đến thời điểm này, lượng khách đến các chợ mua sắm đã tăng 30%-50%, tại các siêu thị sức mua tăng 3-4 lần so với ngày thường. Lượng hàng hóa thiết yếu về thành phố tăng lên từng ngày, cung đảm bảo cầu. Giá bán hầu hết các mặt hàng tương đối ổn định. Hàng loạt siêu thị, doanh nghiệp (DN) tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mãi, đồng thời tăng cường đối ta các dịch vụ phục vụ người tiêu dùng.\r\n

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thịt heo tươi sống giảm giá 10%-20% 

Đây là thông tin vui, được ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Vissan, đưa ra tại buổi làm việc với UBND TPHCM và các sở, ngành chức năng về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho đợt mua sắm cao điểm tết. Cụ thể, trong 2 ngày 29 và 30 tết, Vissan sẽ giảm giá bán các loại thịt gia súc tươi sống từ 10%-20% tùy mặt hàng tại các cửa hàng Vissan. Sau tết, từ mùng 2 đến mùng 5, Vissan cũng giảm giá ở mức tương tự để hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thịt gia súc. 

Đối với nhóm các mặt hàng thực phẩm chế biến, Vissan cũng lên kế hoạch giảm giá 20% sản phẩm hạt nêm và nước xương hầm; giảm giá 10% mặt hàng xúc xích tiệt trùng, đồ hộp, giò, thịt nguội, lạp xưởng (trừ lạp xưởng tươi, lạp xưởng tôm và lạp xưởng tôm đặc biệt); giảm giá 7% mặt hàng chế biến đông lạnh và chế biến khô…

Theo ông Nguyễn Ngọc An, để đảm bảo nguồn cung thịt heo nóng, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, thời gian qua công ty đã làm việc với các đối tác để chốt sản lượng, số lượng. Trong 5 ngày cận tết, từ 25 tháng Chạp đến 30 tết, Vissan sẽ tập trung nguồn lực phục vụ việc giết mổ gia súc, đồng thời tổ chức mạng lưới phân phối thông suốt, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ, gây sốt giá. Mặt khác, để tổ chức chương trình khuyến mãi, sẽ giảm giá bán thịt heo tươi sống vào 2 ngày cận tết và những ngày sau tết, dựa trên giá heo hơi những ngày qua có dấu hiệu chững lại. Hiện Vissan đang theo dõi nếu giá heo hơi giảm sâu hơn nữa, công ty sẽ điều chỉnh mức khuyến mãi, giảm giá nhiều hơn để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. 

Tương tự, ở nhóm các mặt hàng thịt và trứng gia cầm, các DN trong chương trình BOTT cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết, đồng thời bắt tay nhau để thực hiện giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp thêm cơ hội mua sắm tết. Trong 2 ngày 29 và  30 tết, tại hệ thống Co.opmart, cửa hàng Co.op Food, cửa hàng Vissan, Vinmart, Satrafood… sẽ phối hợp với các DN sản xuất, nhà cung cấp giảm giá bán trứng gà (giảm bình quân 2.000 đồng/chục) và trứng vịt (giảm 1.000 đồng/chục). Nhiều DN như San Hà, Ba Huân cũng có kế hoạch giảm giá bán thịt gia cầm các loại như gà ta nguyên con, gà cắt miếng nhằm khuyến khích khách hàng đa dạng hóa nhu cầu sử dụng thịt tươi sống.

Ngoài các mặt hàng bình ổn, tại mỗi siêu thị cũng đều tổ chức chương trình khuyến mãi riêng để giảm giá, kích cầu. Tại hệ thống Co.opmart, Emart, MM Mega Market, Big C đã thực hiện khuyến mãi giảm giá từ 5%-49% với nhiều mặt hàng. Cụ thể, bên cạnh hàng trăm mặt hàng đang được khuyến mãi, Co.opmart đã bổ sung thêm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc và đồ dùng gia đình nhằm kích cầu trong dịp cao điểm tết.

Người dân chọn thịt heo, thịt bò tươi sống tại siêu thị Lotte mart, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG

Sức mua đang tăng khá cao

So với mọi năm, lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Tân Sửu tại TPHCM đã được các chợ đầu mối, siêu thị, DN BOTT chuẩn bị từ rất sớm và chu đáo với lượng hàng bình ổn tăng từ 4,4%-17,3% so với kế hoạch TP giao, tăng 12%-21,2% so với Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22%-54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)... 

Với lượng hàng này, hàng bình ổn tại TP đã đủ sức chi phối thị trường trong dịp trước, trong và sau tết. Bên cạnh đó, nguồn hàng từ các tỉnh tập trung về các chợ đầu mối lớn của TP như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức… những ngày qua đã tăng thêm 200-300 tấn/đêm, dự kiến trong 3 ngày cận tết, lượng hàng về các chợ tăng thêm từ 1.000-1.500 tấn so với ngày thường. Điển hình như chợ Bình Điền, sản lượng hàng hóa về chợ bắt đầu tăng dần kể từ đêm 20 tháng Chạp, bình quân đạt khoảng 2.900 tấn/đêm, cho đến cao điểm ngày 27 và 28 tháng Chạp có thể đạt mức 4.500 tấn/đêm. Dự báo, những sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết cũng sẽ được tăng cường như cá thu, cá lóc, tôm sú, mực tươi, tôm, thịt heo, trái cây như quýt đường và một số mặt hàng hoa tươi như hoa ly, hoa hồng, hoa huệ, cẩm chướng… 

Bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng, chợ Bình Điền dự kiến phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức lấy 500 mẫu thủy sản kiểm tra nhanh. Đối với nông sản, ngoài lấy mẫu định kỳ, ban quản lý chợ sẽ thêm khoảng 300 mẫu giám sát kiểm tra chỉ tiêu dư lượng thuốc trừ sâu. Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, nhân viên chợ cũng tăng cường công tác vệ sinh hệ thống mương, cống thoát nước và bề mặt sân chợ; tiêu độc khử trùng bề mặt sân, nhà lồng chợ… 

Ngoài chợ đầu mối, một số đơn vị chủ lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP đang liên kết, hỗ trợ nhau để bung mạnh hàng hóa ra thị trường nhằm ổn định giá bán. Để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt những ngày cận tết, ngoài việc tăng tần suất vận chuyển bằng các xe tải chuyên dụng, các DN đều đã bố trí đội ngũ giao hàng bằng xe máy, đồng thời tổ chức đội xe lưu động nhằm ứng phó kịp thời với tình trạng giả khan hiếm hàng hóa để nâng giá bán. Do đó, hàng BOTT tết đã được phân phối đến 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - TTTM, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư.  Trong đó có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 KCN-KCX. 

Để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của công nhân và người lao động tại các KCX-KCN và quận ven, huyện ngoại thành, các DN trong chương trình BOTT chia thành 3 nhóm bán hàng lưu động do 3 đơn vị: Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM và Công ty TNHH Ba Huân làm đầu mối, thực hiện 130 chuyến bán lưu động những ngày cận tết. Với việc chuẩn bị đầy đủ nguồn cung, giữ ổn định giá cả, tăng cường phát triển điểm bán, tổ chức bán hàng lưu động, can thiệp thị trường và tổ chức các phiên chợ phục vụ công nhân, việc cung ứng hàng hóa tết phục vụ nhu cầu tiêu dùng TP được triển khai ở mức tốt nhất. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ ngày 23 tháng Chạp - ngày cúng tiễn ông Công ông Táo về trời đến nay, lượng khách đến mua sắm tại các chợ, siêu thị đã tấp nập hơn. Không khí tết tràn ngập các chợ, hàng hóa được trưng bày nhiều và đẹp mắt, khách có thể nếm thử mứt tết trước khi chọn hàng. Tại thời điểm này, giá các loại mứt tết vẫn ổn định. Theo đó, các loại thực phẩm ngâm chua như củ kiệu, hành, tai heo, măng khô, miến, gạo nếp… đã bắt đầu bán chạy. Riêng tại các chợ như Phạm Văn Hai, Văn Thánh, chợ Bà Hoa, chợ Tân Sơn Nhất, chợ Thảo Điền... đang bày bán các loại lạt, lá dong, lá chuối, phục vụ cho khách hàng có nhu cầu gói bánh chưng, bánh tét. 

Đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, sức mua năm nay tăng khá tốt do người dân có nhu cầu mua sắm tết sớm hơn mọi năm. Hiện mãi lực nhiều nhóm ngành hàng đã có mức tăng bình quân 10%-20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến sức mua tăng tốt là nhờ giá bán các mặt hàng ổn định, các nhà bán lẻ tăng cường thực hiện khuyến mãi dưới nhiều hình thức như giảm giá từ 5%-49%, mua 1 tặng 1… theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Các nhà kinh doanh kỳ vọng, sức mua trong 3 ngày cận tết sẽ tiếp tục tăng cao hơn để bù vào doanh thu đã bị sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

* Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM: Người dân yên tâm về cung cầu hàng hóa 

Hàng hóa tết năm nay rất dồi dào, phong phú với giá bán khá ổn định. Chúng tôi đang yêu cầu các DN tham gia chương trình BOTT tiếp tục thực hiện đúng cam kết với TP trong việc cung ứng hàng bình ổn, đảm bảo giá bán phải thấp hơn ít nhất 5%-10% so với thị trường, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình giảm giá tạo sự lan toả chung về mặt bằng giá hàng tết. Các chợ đầu mối báo hàng ngày về lượng hàng cũng như giá cả để sở báo cáo UBND TPHCM kịp thời xử lý khi có biến động. Việc niêm yết và bán đúng giá tại tất cả các chợ cần phải thực hiện. 

Đối với mặt hàng thịt heo, hiện TPHCM đã thực hiện chốt giá bán thịt heo bình ổn trong 60 ngày, từ ngày 12-1 đến 12-3. Theo đó, có 8 loại thịt heo trong chương trình BOTT được niêm yết: thịt đùi 151.000 đồng/kg; thịt vai 158.000 đồng/kg; thịt cốt lết 153.000 đồng/kg; chân giò 139.000 đồng/kg; thịt nách 137.000 đồng/kg; thịt nạc vai, đùi 190.000 đồng/kg; xương đuôi heo 113.000 đồng/kg; xương bộ heo 85.000 đồng/kg. Người dân có thể tham chiếu mức giá này, đồng thời tìm mua thịt heo tại các điểm bán của 4 DN tham gia bình ổn: Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), hệ thống siêu thị Big C, Công ty CP Vissan và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Mặt khác, TPHCM đã xây dựng kế hoạch ứng phó từ khá sớm, trong đó có giải pháp như tăng cường vận động các DN cung ứng đưa thêm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thuỷ hải sản, rau củ quả và thực phẩm chế biến vào diện bình ổn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dân.