Đa dạng phương thức tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững

|

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. \r\n

Nội dung chủ yếu của đề án là đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chương trình nông thôn mới và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải phù hợp với đặc điểm, quy mô, cấp độ của lực lượng sản xuất, gắn với khả năng đáp ứng của mỗi loại nông sản; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia kênh tiêu thụ nông sản, nhằm tạo lập và duy trì các liên kết bền vững.

Mục tiêu của đề án là hình thành và phát triển đa dạng phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường (trong nước và quốc tế). Mục tiêu cụ thể là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại.

Đề án nhằm củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) thương mại và dịch vụ như là một trung gian cần thiết giữa người nuôi trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân. Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, đề án tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi đáp ứng tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà cả các nước nhập khẩu, làm cơ sở để định hướng sản xuất nông sản theo yêu cầu của thị trường. Hiện đại hóa công tác sản xuất, kinh doanh, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản; xây dựng thương hiệu nông sản, từng bước mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hạn chế việc lệ thuộc vào một số thị trường, nâng cao giá trị nông sản; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phù hợp để áp dụng những mô hình mới.

Tùy theo quy mô, điều kiện, khả năng của doanh nghiệp để vận dụng các kênh liên kết tiêu thụ nông sản theo cấu trúc phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển kênh hợp nhất...

Đề án cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành triển khai thực hiện, gồm Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực từ vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai đề án. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của từng địa phương nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện đề án hiệu quả trên địa bàn.