Xuất khẩu nông sản sang EU: Chưa tận dụng được lợi thế từ EVFTA

|

Sau 5 tháng, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được thực thi, nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu tăng về sản lượng, giá trị. Bên cạnh đó, có một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng vẫn chưa tận dụng được lợi thế từ hiệp định EVFTA như ngành điều, mật ong, mía đường…\r\n

Giới thiệu nhân điều và nông sản chế biến đến khách hàng

Chưa biết tận dụng cơ hội

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), hàng năm, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt giá trị khoảng 160 tỷ USD. Việt Nam có nhiều ngành hàng chiếm ưu thế cao trên thị trường thế giới nhưng một số sản phẩm vẫn chưa tận dụng được lợi thế từ EVFTA để xuất khẩu vào EU.

Đơn cử, ngành điều xuất khẩu nhân điều đứng số 1 thế giới, nhưng chưa hưởng lợi thế từ xuất khẩu điều chế biến sang thị trường EU. Ngành mía đường với lợi thế hạn ngạch được hưởng 20.000 tấn vẫn chưa có tín hiệu vui; mật ong xuất khẩu sang Mỹ với số lượng đứng đầu, tiếp đó là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng xuất khẩu sang EU rất khiêm tốn. Thêm thị trường EU sẽ đa dạng hóa thị trường, tránh trường hợp đứt chuỗi cung ứng, các nhà xuất khẩu không rơi vào thế bị động tìm thị trường mới.

Với EVFTA, sản phẩm chế biến sâu từ điều nhân có thuế suất 7%-12% sẽ được giảm còn 0%. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, tuy xuất khẩu điều nhân đứng số 1 thế giới nhưng mới có khoảng 80% sản lượng điều thô được nhập khẩu. Hiện nay, các nước châu Phi chuyên xuất khẩu điều thô cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến để sản xuất nhân điều xuất khẩu.

Để cạnh tranh, các nước châu Phi sẽ tăng giá điều thô. Dự báo, ngành điều Việt Nam sẽ có nguy cơ mất vị trí số 1 xuất khẩu nhân điều. Tại hội nghị tổng kết ngành điều năm 2020, Hiệp hội Điều Việt Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp bắt buộc chuyển sang cuộc cách mạng lần thứ 2 là xây dựng nhà máy sản xuất hạt điều chế biến, tẩm ướp… nâng chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong hội nghị mía đường gần đây, một chuyên gia cho biết, EVFTA với hạn ngạch 20.000 tấn đường, nhưng chưa có doanh nghiệp nào tận dụng hạn ngạch này để xuất khẩu. Tương tự, ông Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mật ong Việt Nam, cho biết, mật ong xuất khẩu từ năm 1991 và đã có mặt tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 80%. Sau khi EU xây dựng rào cản kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ, thuế suất cao thì mật ong xuất khẩu rất hạn chế. Với EVFTA miễn thuế cho mật ong, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa tăng sản lượng mật ong xuất khẩu vào thị trường EU.

Xây dựng chuỗi liên kết bền vững

Với nhiều năm xuất khẩu đường sang EU, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, cho hay, công ty đã xuất khẩu đường hữu cơ, đường vàng khoảng 30.000 tấn/năm. Đồng thời, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ truy xuất nguồn gốc, môi trường, lao động, biến đổi gene… Để xuất khẩu vào EU, các công ty cần phải sớm xây dựng tiêu chuẩn này và hướng tới chế biến sâu. Bởi, chế biến sâu sẽ làm tăng giá trị, lợi nhuận cho sản phẩm.

Dù gặp khó khăn, diện tích trồng mía giảm 40%, ông Lê Bá Chiêu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn, chia sẻ, để có thể tồn tại suốt 20 năm qua, ngoài sản phẩm đường cát truyền thống, công ty phát triển đa dạng hóa sản phẩm để xuất khẩu như đường phèn, đường lỏng, đường thanh. Theo chuyên gia này, để mật ong xuất khẩu vào EU phải đạt các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật. Với lợi thế địa hình của Việt Nam, đặc thù bản địa có thể giúp vật nuôi sinh trưởng tốt, sản xuất mật ong chất lượng cao. Nhưng để mật ong xuất khẩu được, trước mắt phải lấy chứng chỉ nước ngoài và thành lập chuỗi phân phối ở bản địa.

Tương tự, ngành điều cần phải xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Đã xuất khẩu hạt điều chế biến sang nhiều thị trường, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, chia sẻ, trước kia, chúng ta không thể xuất khẩu hạt điều chế biến vào thị trường EU được do thuế suất cao. Sau khi EVFTA có hiệu lực, công ty đã liên hệ đến các siêu thị để phân phối.

“Để xây dựng một thương hiệu trên nước bạn cực kỳ khó, trước mắt có thể gia công cho siêu thị để phát triển. Chỉ cần một thời gian, sản phẩm đưa lên kệ siêu thị, bảo đảm an toàn thực phẩm, lập tức các siêu thị chủ động thương lượng với công ty gia công sản phẩm, để siêu thị đóng bao bì, nhãn mác”, ông Vũ Thái Sơn cho hay. Nếu gia công cho siêu thị, doanh thu của công ty sẽ tăng, bởi người dân rất tin tưởng thương hiệu siêu thị.

Để phát triển được những ngành hàng còn nhiều tiềm năng như đã nói ở trên, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản đề nghị, các hiệp hội ngành hàng cần phải xây dựng kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp để kết nối chuỗi liên kết phân phối, tiêu thụ từ nhà nhập khẩu, siêu thị, cho đến kênh thương mại điện tử… Các ngành hàng cần liên kết phát triển đồng bộ, không manh mún và thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật hiện đại.

Bên cạnh đó, cần phải xác định đối tượng, sản phẩm sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật từng thị trường. Các hiệp hội cần phối hợp với cơ quan quản lý để bảo hộ sản phẩm, tạo được lợi thế khi xuất khẩu. Nếu chưa phát triển được chuỗi siêu thị, Bộ NN-PTNT có thể kết nối với các tham tán thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Về góc độ quản lý, Bộ NN-PTNT cần triển khai xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của EU.