TPHCM phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa tết

|

Còn 2 tháng nữa là đến Tết Tân Sửu 2021, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho nhu cầu mua sắm lớn nhất trong năm, các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM không chỉ tập trung cho sản xuất mà còn đẩy mạnh việc phát triển điểm bán, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường.\r\n

Mở rộng quy mô các điểm bán hiện hữu

Theo số liệu của Sở Công thương TPHCM, tính đến hết tháng 11-2020, thành phố có 238 chợ (3 chợ đầu mối - 14 loại 1, 52 loại 2, còn lại chủ yếu là chợ loại 3 và chợ tạm). Mạng lưới chợ đã từng bước được sắp xếp, phân bố phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân từng khu vực.

Để nâng cấp các chợ, thành phố đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sửa chữa, bổ sung các hạng mục hạ tầng thiết yếu và tổ chức quản lý, sắp xếp lại ngành hàng để phát huy công năng sử dụng. Các chợ bán buôn chuyên ngành và 3 chợ đầu mối đã hoàn tất xây dựng, đưa vào sử dụng, khai thác đầy đủ hạng mục hạ tầng, phát huy hiệu quả, làm đầu mối tập hợp và phân bổ phát luồng hàng, điều phối nguồn hàng, ổn định giá cả thị trường, định hướng sản xuất theo hướng văn minh, an toàn, hiệu quả.

Đối với hệ thống phân phối hiện đại, trên địa bàn thành phố hiện có 217 siêu thị, 45 trung tâm thương mại (TTTM) và 2.669 cửa hàng tiện lợi, chủ yếu là cửa hàng tiện lợi của hơn 20 chuỗi, như: Co.opFood (không gồm cửa hàng Co.op), SatraFoods, Vissan, Foodcomart, Shop & Go, Circle K, Family Mart, Cocomart… đang góp phần tích cực vào phát triển hệ thống phân phối hiện đại của TPHCM.

Theo nhận định của Sở Công thương, so với thời điểm tháng 12-2019, tình hình phát triển hệ thống phân phối tại thành phố có xu hướng giảm đối với điểm bán có quy mô lớn (giảm 4 TTTM) và tăng nhẹ một số điểm bán quy mô nhỏ (10 siêu thị hạng 3, 5 cửa hàng tiện lợi). Tuy nhiên, các hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn duy trì ưu thế tỷ trọng điểm bán, chi phối thị trường bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố, trong đó siêu thị chiếm 80%, TTTM 60%, cửa hàng 76%.

Công nhân quận Thủ Đức mua hàng bán lưu động tại khu chế xuất. Ảnh: CAO THĂNG

Về mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường (BOTT), tính đến nay tổng số điểm bán của 4 chương trình là 10.983 điểm. Riêng chương trình lương thực - thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó, có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 KCN-KCX.

Để tận dụng tốt nhất các điểm phân phối sẵn có, thời gian qua thành phố đã tiến hành rà soát quầy sạp tại các chợ truyền thống giao cho DN sản xuất chủ lực như Ba Huân, Vissan, Saigon Co.op… đưa hàng bình ổn vào các chợ. Những điểm này không chỉ bán các mặt hàng bình ổn, mà còn là điểm đối chiếu giá cả sản phẩm cùng loại, nơi giao hàng sỉ cho các điểm bán lân cận nhằm tạo sức lan tỏa chung về mặt bằng giá cả, tránh tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ trên thị trường. Ngoài ra, Sở Công thương cũng vận động ban quản lý, tiểu thương tại các ngành hàng có thể sắp xếp lại quầy sạp để đưa thêm các nhóm hàng bình ổn vào bán, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, đặc biệt là vào dịp cao điểm mua sắm tết.

Hàng trăm chuyến bán hàng lưu động

Bên cạnh việc tận dụng hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại hiện hữu, năm nay Sở Công thương cũng lên kế hoạch tăng cường thực hiện bán hàng lưu động từ nay đến tết với bình quân 150 chuyến hàng lưu động/tháng. Riêng 2 tháng cao điểm trước tết thực hiện 350 chuyến. Các chuyến hàng lưu động tập trung tăng cường thực hiện tại các quận ven - huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết...

Chương trình bán hàng lưu động tết cũng được giao cho 3 đầu mối thực hiện gồm Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty TNHH Thực phẩm Ba Huân. Tùy tính chất sản xuất và nhóm ngành hàng, các DN BOTT có thể liên hệ trực tiếp với 3 đơn vị này để được bố trí các chuyến và điểm bán hàng cho phù hợp. Theo yêu cầu của Tổ Công tác BOTT TPHCM, các mặt hàng phục vụ bán hàng lưu động chủ yếu là hàng thiết yếu có chất lượng tốt, giá bán phải thấp hơn so với giá thị trường từ 5%-10%, đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mãi để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân khu vực ngoại thành thành phố.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay, dịp tết năm nay, Saigon Co.op sẽ tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và phục vụ nhu cầu mua sắm tết của đông đảo công nhân các KCN-KCX tại TPHCM và các địa phương có Co.opmart hoạt động.


Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, Sở Công thương phối hợp sở ngành có liên quan, UBND các quận huyện để nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng cân đối cung - cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán. Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp UBND 24 quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đồng thời, chủ tịch UBND các quận huyện chỉ đạo trưởng ban quản lý các chợ trên địa bàn quán triệt tiểu thương, người kinh doanh cam kết 100% không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, kiểm soát an toàn thực phẩm, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết của tiểu thương trên bàn thuộc trách nhiệm quản lý.

Nhằm đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, Sở Công thương phối hợp với Sở GTVT giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 cho xe tải của DN tham gia Chương trình BOTT để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán. Do vậy, các DN còn vướng mắc trong việc cấp phép lưu thông có thể liên hệ trực tiếp với 2 sở nêu trên để được giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở Công thương, công tác chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết trên địa bàn TPHCM đang diễn ra đúng tiến độ. Trong quá trình hoạt động, nếu các DN gặp khó khăn, vướng mắc cần báo cáo ngay với các sở ngành chức năng để giải quyết. Các sở ngành chức năng sẽ phối hợp để nắm bắt kịp thời khả năng sản xuất, nhu cầu thị trường nhằm tránh tình trạng hàng hóa dội chợ, rớt giá hoặc thiếu nguồn cung gây tăng giá đột biến.