Khuyến mãi đẩy sức mua cuối năm

|

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến Giáng sinh, Tết Dương lịch 2021. Nhiều doanh nghiệp xem đây như thời điểm vàng để gỡ gạc phần nào doanh thu sau một khoảng thời gian dài trầm lắng bởi dịch Covid-19. Khuyến mãi, giảm giá hàng loạt mặt hàng thời trang, tiêu dùng nhanh, du lịch nghỉ dưỡng… đang được doanh nghiệp khai thác triệt để. Tuy vậy, các chuyên gia về tiêu dùng khuyến cáo người mua nên thận trọng, đừng chi mạnh tay cho các món hàng chưa tham khảo kỹ về giá cả, chất lượng.\r\n

Bữa tiệc của hàng trăm thương hiệu

Cuối năm, người tiêu dùng như bơi trong các đợt giảm giá của hàng loạt thương hiệu như Mango, Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Giordano, Fila, Lacoste, Skechers… Đại diện một số trung tâm thương mại trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) cho hay, các sản phẩm thời trang, hàng tiêu dùng sẽ liên tục khuyến mãi trong tháng 12 và dịp Tết 2021 này. Mức giá giảm dao động từ 10%-50% tùy món hàng và đối tượng khách hàng (có thẻ thành viên sẽ được giảm thêm).

“Cách nay 2 tuần, tôi có chọn mua được một đôi giày Nike khá đẹp, giá giảm còn 1 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng mua được 2 chiếc áo thương hiệu khác với giá giảm lên tới 70% tương đương 400.000 đồng/áo, trong khi cũng chiếc áo này cách đây 2 tháng tôi ghé qua có giá trên 1,3 triệu đồng/áo ”, anh Cao Phương Quân, 30 tuổi, ngụ tại TPHCM chia sẻ.

Dọc các tuyến đường mua sắm sôi động ở TPHCM như Nguyễn Trãi (quận 1, quận 5), Lê Văn Sỹ (quận 3), Quang Trung (quận Gò Vấp)… cũng treo biển giảm giá sâu các sản phẩm thời trang. Mức giảm từ 30%-50%, có nơi giảm giá lên tới 70% với điều kiện đơn hàng từ 1,5 triệu đồng trở lên mới được mua sản phẩm khác để nhận chiết khẩu 70%. Theo chị Nguyễn Anh Tú (Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận) chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang nhập khẩu, việc cam kết mức chiết khấu cao nghe rất hấp dẫn, nhất là đối với các mặt hàng thời trang cao cấp, nhưng đều có điều kiện ràng buộc. Do vậy, người mua nên tìm hiểu kỹ thông tin để tránh thất vọng.

Khách mua hàng khuyến mãi tại một trung tâm thương mại ở quận 1

Mới đây, UBND quận Tân Bình (TPHCM) cũng phối hợp với hàng loạt doanh nghiệp như Lữ hành Saigontourist, khách sạn Majestic, làng du lịch Bình Quới, Gala Center, Burger King…, triển khai các chương trình ưu đãi mua sắm trực tiếp cho người tiêu dùng sinh sống trên địa bàn.

Theo đó, công dân quận Tân Bình, cán bộ, công chức, viên chức quận được ưu tiên sử dụng dịch vụ với giá ưu đãi giảm từ 2%-7% đối với các tour du lịch trong và ngoài nước, dịch vụ vận chuyển có xuất phát điểm tại TPHCM và được miễn toàn bộ phí dịch vụ khi đăng ký hồ sơ du học các nước đối với dịch vụ xuất khẩu lao động, du học. Thêm nữa, công dân quận Tân Bình, cán bộ, công chức, viên chức quận còn được sở hữu hạng thẻ SKY thuộc chương trình Thẻ thành viên dành cho khách hàng thân thiết của Lữ hành Saigontourist.

Cải thiện sức mua

Tiết lộ từ đại diện một số thương hiệu thời trang có thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại ở quận 1, quận 3, sức mua cuối năm 2020 này đang “ấm” hơn thời điểm cách nay 2 tháng. Bởi người tiêu dùng cũng cuồng chân sau những hạn chế tụ tập hoặc giãn cách vì dịch Covid-19, nên muốn đi nhiều để tham khảo giá bán thay vì mua sắm trực tuyến. Thêm nữa, thông tin từ các hãng lữ hành cho biết, sẽ đẩy mạnh việc lồng ghép vào các tour tham quan thành phố bằng sản phẩm du lịch mua sắm. Điều này vừa góp phần kích cầu du lịch tại chỗ, đồng thời tạo điểm nhấn để khách hàng thành phố nói riêng, khách ngoại tỉnh nói chung có thêm sự lựa chọn khi đến TPHCM.

Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển doanh nghiệp tại Tiki chia sẻ, dịp Black Friday diễn ra vào tháng 11 có mức tăng trưởng rất tốt. Bên cạnh các ưu đãi cũng như dịch vụ giao hàng nhanh, Tiki cũng có nhiều dịch vụ như giao hàng và lắp đặt theo lịch hẹn TikiPRO đến tận 10 giờ tối, áp dụng đối với các sản phẩm điện tử - điện lạnh như tủ lạnh, máy giặt, tivi… Từ đó, tăng phần cải thiện chất lượng dịch vụ, hỗ trợ khách hàng tốt hơn và đó chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy mãi lực vào dịp vừa qua.

Tương tự, đối với các sàn thương mại điện tử khác như Lazada, Sendo… cũng thông tin lượng khách mua sắm trực tuyến trong những tháng cuối năm có mức tăng trưởng khả quan đối với các ngành hàng như công nghệ, điện tử, thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng, mẹ và bé, các tour du lịch trong nước…

Trên thực tế, ngay cả những thương hiệu thời trang, hàng điện tử… lớn trên thế giới đã chuyển hướng vừa khai thác thông qua bán hàng trực tiếp, vừa kinh doanh online “xuyên biên giới”. Kết quả ghi nhận bước đầu từ chính một số thương hiệu này cho thấy rất khả quan, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp như hiện nay. Thế nhưng, mặt trái của mua hàng trực tuyến chính là rủi ro về chất lượng hàng hóa, lo ngại bị gian lận, lừa đảo…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhìn nhận việc giám sát nguồn gốc hàng hóa của doanh nghiệp trên các sàn thương mại điện tử chưa bắt kịp với số lượng gia tăng của các nhà phân phối hàng hóa trên các sàn. Chính vì thế, “lỗ hổng” giám sát này cần được siết chặt hơn để bảo vệ khách hàng ở cả hiện tại cũng như tương lai.