Ngành logistics tăng tốc trước yêu cầu số hóa

|

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), khả năng cạnh tranh của DN vận tải nội địa còn thấp so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chưa kể, các dịch vụ chủ yếu mà DN nước ta cung cấp đến đối tác chỉ gồm dịch vụ cơ bản, đóng vai trò nhà thầu phụ. Điều này đặt ra yêu cầu nhanh chóng thích ứng, số hóa hoạt động logistics.\r\n

Kết hợp kinh doanh truyền thống và hiện đại

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), đánh giá, các giải pháp tạo thuận tiện, hạn chế lưu hàng ở kho bãi, bảo mật thông tin khách hàng trong thời buổi hiện nay cực kỳ quan trọng. Suốt một thời gian dài, các công ty giao nhận của Việt Nam thực hiện các giao dịch nhỏ lẻ… Đối với các thương hiệu lớn, sàn giao dịch điện tử lớn như hiện nay giao mỗi ngày lên tới 200.000 đơn hàng. DN luôn có giải pháp như chia hàng, dán bacode lên hệ thống dữ liệu để phân loại; một số công ty tối ưu hóa nhóm khách, phân loại khách bằng Big Data, sau đó điều phối hàng từ nhà cung cấp về kho trung gian.

Các DN phân tích thêm, ở Việt Nam, việc giao hàng rất khó khăn, trong khi ở nước ngoài cực kỳ dễ dàng. Một DN thương mại điện tử nước ngoài muốn làm việc với một công ty Việt Nam để được cung cấp dịch vụ trọn gói từ A đến Z nhưng không dễ dàng, vì Việt Nam chưa có DN nào đạt chuẩn. Tuy vậy, nhìn chung hiện nay, việc giao hàng ngày càng chuyên nghiệp hơn. “Xây nhà” để giữ dữ liệu, có các kênh dự trù nếu Facebook “chết” (chưa kể các hacker luôn sẵn sàng dùng đủ mưu hèn kế bẩn để đánh sập tài khoản của DN).

Cảng Tân Cảng - Phú Hữu tại quận 9, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

“Không thể nói chuyển đổi số lên thương mại điện tử là quên hết các hình thức kinh doanh truyền thống khác. Ngay cả trang thương mại điện tử Amazon.com cũng đã có các cửa hàng bán trực tiếp, song song với bán trực tuyến, để hỗ trợ người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ngọc Dũng cho hay. 

Có một vấn đề khác cần lưu tâm, theo luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chính là việc DN chưa coi trọng sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý liên quan đến logistics. Ngoài ra, thực tế nhiều DN nhận thấy, họ có thể sống tốt mà không cần chuyển đổi số nên chần chừ chưa chịu tuân thủ quy định. Vì thế, đôi khi có những tranh chấp xảy ra không phải đến từ những vấn đề gì to lớn, mà có khi đến từ những yếu tố nhỏ gây hiểu nhầm. 

Tối ưu chi phí, giảm thiểu rủi ro

Mới đây, VLA thông tin sơ bộ và chỉ ra rằng, các chi phí dịch vụ vận chuyển tại Việt Nam khá cao so với các nước khác trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc... Chẳng hạn, chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9%-14%. Chính yếu tố này đã khiến cho ngành logistics hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Luật sư Ngô Khắc Lễ cũng cho biết thêm, một số DN logistics lớn, hoạt động xuyên quốc gia áp dụng chuyển đổi số ở mức khá cao, nhưng các DN nhỏ và vừa chưa làm được điều này. Các lý do chậm trễ chuyển đổi số phần lớn xuất phát từ các khó khăn tài chính, DN sử dụng phần mềm riêng biệt nên khó đồng bộ, kết nối hiệu quả với các phần mềm chuyên dụng khác, dễ đứt gãy dịch vụ cung ứng. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng phân tích, trong quá trình chuyển đổi số, DN logistics phải kết nối với nhiều đối tác trong chuỗi cung ứng để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, ngành logistics chịu tác động bởi đa ngành nghề liên quan nên DN logistics không thể tự mình hoạt động mà phải kết nối với hải quan, hãng tàu cùng nhiều khách hàng, các loại hình dịch vụ.

Đáng chú ý, luật sư Ngô Khắc Lễ phân tích rằng, trong lộ trình chuyển đổi số, nhất là khi các DN tiếp cận thị trường EU để tận dụng ưu thế mà Hiệp định EVFTA mang lại cho logistics, lãnh đạo các DN cần hiểu họ đang muốn gì, công nghệ mang lại những chuyển biến ra sao cho DN trong thời gian tới. Qua đó, giúp thay đổi tư duy lãnh đạo, phát triển nhân sự giỏi việc, thích nghi nhanh; đồng thời giảm thiểu một số rủi ro phát sinh không mong muốn. Chẳng hạn như: rủi ro giữa khách hàng với đơn vị cung ứng dịch vụ khi áp dụng ký kết điện tử thay cho văn bản giấy; cảnh giác trước lệnh giao nhận hàng (lưu ý các chứng từ liên quan tới sở hữu hàng hóa gồm vận đơn, lệnh giao hàng…).