Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020: Ưu tiên đầu tư các ngành, lĩnh vực quan trọng

|

Covid-19 đã làm “đứt gãy” chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương, đầu tư trên toàn cầu. Các trật tự và mối quan hệ về đầu tư, thương mại; vai trò, vị trí của các quốc gia sẽ có thay đổi; khoảng cách phát triển có thể sẽ được sắp xếp lại và hình thành xuất phát điểm mới trong tiến trình phát triển của từng nước. Đây cũng là dịp để chúng ta cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế và tái cơ cấu trong từng doanh nghiệp (DN).

Sản xuất dược phẩm là một trong 7 ngành cần ưu tiên đầu tư để phục hồi nền kinh tế. Ảnh: CAO THĂNG

Kiến nghị đầu tư 7 ngành thiết yếu

Theo ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội DN quận 1, dịch bệnh cũng tác động đến cuộc sống, tâm lý tiêu dùng và làm thay đổi hành vi mua sắm của người dân. Người dân dường như sống chậm lại, tiêu dùng ít hơn, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, nhu cầu thực phẩm tươi sống giảm, lương thực và thực phẩm chế biến được ưa chuộng hơn.

Để duy trì sinh hoạt và công việc, đã có tín hiệu cho thấy có sự thay đổi lớn về phương thức tiêu dùng, quản lý và điều hành trong các hoạt động kinh tế - xã hội; điều hành DN theo hướng tăng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giao tiếp và làm việc từ xa, tăng mạnh nhu cầu của thị trường CNTT và công nghệ số, xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa vào kinh tế số…

Do đó, Covid-19 cần được xem là thời cơ để rà soát và tái cơ cấu nền kinh tế, các DN. Ông Nguyễn Cao Trí đề xuất, Chính phủ và chính quyền TPHCM nên ưu tiên chọn khoảng 7 ngành ưu tiên đầu tư và nắm giữ chi phối. Cần lấy tiêu chí 7 ngành này làm cơ sở tái cơ cấu toàn bộ các DN mà nhà nước đang nắm giữ cổ phần, bao gồm: ngành sản xuất trang thiết bị y tế và dược phẩm (có máy thở) và hệ thống dịch vụ y tế, bệnh viện; ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối; CNTT, tài chính ngân hàng và thương mại điện tử; năng lượng, hạ tầng và sản xuất nguyên vật liệu, chế tạo hàng thiết yếu, sản phẩm công nghệ cao, xây dựng; giáo dục - đào tạo và những ngành công nghệ cao 4.0; dịch vụ du lịch, văn hóa, vận chuyển và an ninh quốc phòng; các ngành, lĩnh vực DN thúc đẩy, bồi đắp nền tảng phục hồi kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước…

Trên thực tế, đề xuất của ông Nguyễn Cao Trí khá trùng hợp với kết quả sau 2 lần khảo sát “sức khỏe” của các DN do Hiệp hội DN TPHCM thực hiện trong những tháng qua. Trong đó có 2 nhóm được đánh giá có thể “sống tốt” giữa Covid-19, làm cơ sở hồi phục và phát triển kinh tế trong năm 2020.

Cụ thể, nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, dịch vụ công nghệ cao do kinh doanh dựa trên nền tảng số, lao động trình độ cao, ít thâm dụng lao động, ít mặt bằng, tận dụng được cơ hội để sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ phòng chống dịch, cung cấp dịch vụ làm việc trực tuyến, dịch vụ số cho các DN.

Kế đến là nhóm DN lương thực thực phẩm, chế biến nông sản, đã tận dụng được cơ hội để sản xuất hết công suất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa ra thêm nhiều sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất… nên có sự tăng trưởng cao trong quý 1-2020.

Thậm chí có khá nhiều DN trong quý 1 đã đạt tốc độ tăng trưởng 50% so với cùng kỳ, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, như trường hợp Công ty cổ phần Vissan, nhóm thực phẩm chế biến đã đạt mức tăng 50%. 

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido trong quý 1 đã cung cấp 70.000 tấn dầu ăn, đạt 2.000 tỷ đồng doanh số và tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất của Kido luôn thông suốt, hàng hóa được điều tiết từ Bắc vào Nam nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng người dân, đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 3.400 lao động…

Cụ thể hóa giải pháp hỗ trợ DN 

Bên cạnh những DN đảm bảo tăng trưởng, ổn định sản xuất, có một bộ phận không nhỏ DN đang gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh. Chi phí duy trì hoạt động đã trở thành gánh nặng ở những DN này, trong khi dòng tiền dần thiếu hụt, doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài. 

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM, cho biết, trong ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và điện - tự động hóa, nguồn lực lao động rất khó đào tạo nên dù rất khó khăn DN vẫn gắng trả lương cho công nhân để duy trì nguồn lực làm việc sau Covid-19. Nhưng để tạo điều kiện cho các DN phục hồi sau dịch, Nhà nước cần hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động; đồng thời triển khai mạnh mẽ các giải pháp về tài chính, thuế và thị trường. 

Về giải pháp tài chính, ông Đỗ Phước Tống đề xuất giảm lãi suất 1%/năm đối với các hợp đồng tín dụng đã ký; đơn giản hóa hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ và điều kiện cơ cấu nợ. Giảm lãi suất 2%/năm đối với hợp đồng tín dụng mới, trong đó Nhà nước tài trợ phần giảm lãi suất vì ngân hàng không chịu giảm.

Hỗ trợ DN nhanh chóng tiếp cận gói tín dụng 285.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, với thủ tục nhanh gọn và đơn giản, nới lỏng các điều kiện và nên chọn tiêu chí đánh giá thiệt hại cơ bản là mức giảm doanh thu; giãn 6-12 tháng, thời hạn đáo hạn các hợp đồng tín dụng đến hạn, kể từ tháng 4-2020 vì DN không có nguồn thu, dẫn đến không có khả năng trả nợ đáo hạn. Để tránh tình trạng nợ xấu, DN vay để trả nợ đáo hạn, tăng nguy cơ tín dụng đen. 

Về thuế, thuế VAT giảm 5% và giãn đến năm 2021 do sức mua kém, hàng hóa cần giảm giá thành để kích thích sức mua. Đây là giải pháp tạm thời hỗ trợ DN mượn tiền thuế để tái đầu tư, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Thuế nhập khẩu giảm 50% và giãn 6 tháng.

Trước mắt, Nhà nước nên xem xét miễn, giảm thuế nhập khẩu các linh kiện phụ tùng dùng cho chế tạo máy và chế tạo khuôn mẫu. Về lâu dài, cần xem lại hoàn chỉnh biểu thuế suất thuế nhập khẩu đảm bảo đúng Luật Thuế xuất khẩu. 

Các chính sách về thị trường, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thông tin online, thông qua các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ thông tin kết nối chuyên ngành cơ khí - điện. Sau khi hết dịch, cần hỗ trợ DN tham gia các chương trình xúc tiến tại các triển lãm quốc tế trong và ngoài nước.

Mặt khác, cần xây dựng chính sách khuyến khích, tăng khả năng tiêu thụ các sản phẩm cơ khí trong nước; xây dựng chính sách khuyến khích DN FDI sử dụng nguồn cung ứng nội địa, nhằm phát triển ngành công nghệ hỗ trợ; xây dựng các trung tâm trưng bày sản phẩm công nghệ đủ quy mô phù hợp với sản phẩm ngành công nghiệp cơ khí và cần có chính sách tạo thị trường cho ngành cơ khí - điện - tự động hóa từ nguồn đầu tư công, như xây dựng hệ thống tàu điện ngầm…

Khi ký hợp đồng giao thầu các gói thầu lớn đối với các tổng thầu, cần quy định một tỷ lệ nội địa hóa cho các DN 100% vốn Việt Nam, vì nhiều DN trong nước hiện có thể chế tạo được nhiều loại sản phẩm chất lượng cao, công nghệ cao.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tại thời điểm này, cần có sự vào cuộc tổng lực cả hệ thống chính trị. Các giải pháp hỗ trợ DN phải được cụ thể hóa và định lượng cụ thể cho từng nội dung, không nói chung chung, mới có thể mang lại hiệu quả trong công cuộc khôi phục sản xuất, kinh doanh để đưa nền kinh tế trở về trạng thái bình thường, sau một thời gian dài tạm ngừng để phòng chống Covid-19.

"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm đang là nơi rất cần hấp thụ được vốn để gia tăng sản xuất do là ngành cung cấp các sản phẩm thiết yếu. Người dân có thể 10 năm không mua ô tô, 3 năm không may quần áo, nhưng không thể nhịn ăn hàng ngày. Trong khi vì dịch, khách hàng muốn trả chậm; nông dân, nhà cung cấp muốn lấy tiền ngay, còn ngân hàng chỉ mới có chính sách. Lúc này DN cần có vốn để triển khai nhanh và hiệu quả việc tái cấu trúc, mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ số; ứng dụng thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, mã vùng... để tận dụng thị trường trong nước khi hàng nhập khẩu đang thiếu, cũng sẽ là cơ hội rộng lớn để DN nhanh chóng trở lại xuất khẩu khi các đối thủ khác còn đang phải chống dịch"
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM