Hiệu quả thiết thực từ OCOP

|

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng ngàn sản phẩm đa dạng, trong đó có nhiều mặt hàng có chất lượng cao. 

Các loại trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Tháp được giới thiệu tại Tuần lễ hàng OCOP ở BigC An Lạc, TPHCM

Hơn 3.800 sản phẩm chuẩn hóa OCOP

Tại hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” tổ chức ngày 17-12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong 10 năm qua, ngành công thương luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tiêu chí về điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. 

Việc triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đưa điện sáng về các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đưa hàng Việt có chất lượng về nông thôn, định hình thói quen tiêu dùng, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư phát triển chợ, mạng lưới phân phối sản phẩm của OCOP.

Kết quả, OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng ngàn sản phẩm, hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của OCOP. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm.

Đến nay có 12 tỉnh trên cả nước (gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Hòa Bình, Hà Giang) đã tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 604 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm đạt 5 sao, 5 sản phẩm đề xuất 5 sao, 195 sản phẩm 4 sao, 395 sản phẩm 3 sao, các địa phương khác đang triển khai việc tổ chức, đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai chương trình như Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình…

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh OCOP, các chương trình như khuyến công và phát triển làng nghề đang ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển công nghiệp ở các địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Năm 2019, có 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thuộc các nhóm: thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống, sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, thuộc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Trong năm 2019, Bộ Công thương đã thực hiện nhiệm vụ chính là phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhiều địa phương đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ 12 tỉnh đã tiến hành đánh giá phân loại sản phẩm xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu để giới thiệu hàng hóa trong chương trình đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tổ chức các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm OCOP và các hoạt động kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm bán tại địa phương.

Chương trình OCOP được Chính phủ xem là giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Đồng thời tạo môi trường cho các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh các địa phương và hình ảnh quốc gia.

Cùng với đó là thu hút đầu tư và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất đem lại nguồn thu nhập cho người dân tại địa phương.