Hàng Việt chiếm 90% kênh phân phối hiện đại

|

Xuyên suốt 10 năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) tại TPHCM đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, nhờ vậy hàng Việt Nam đã chiếm 90% trong các kênh phân phối hiện đại. \r\n

Để nâng cao chất lượng, sắp tới đây, các siêu thị sẽ đặt hàng với nhà sản xuất theo yêu cầu để nâng cao chất lượng, hướng tới xuất “ngoại”.

Mua hàng Việt tại Co.opmart                Ảnh: CAO THĂNG
 Áp dụng cộng nghệ trong mua bán


Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã gắn bó với CVĐ từ khi mới triển khai đến nay, qua đó hàng Việt hiện đã chiếm hơn 90% tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op ở khắp 43 tỉnh thành. Thành quả đó là nhờ Saigon Co.op đã triển khai các nhóm giải pháp như thông tin tuyên truyền vận động, kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt. Bên cạnh đó, Saigon Co.op phối hợp các đoàn thể, hội, cơ quan quản lý… áp dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá, vận động sử dụng hàng Việt; tổ chức tháng khuyến mãi ‘Tự hào hàng Việt”, quảng bá hàng Việt trên phần mềm điện thoại, mạng xã hội; xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Singapore… 

Sinh sau để muộn nhưng Công ty cổ phần Bách hóa xanh cũng có gần 470 cửa hàng Bách hóa xanh, trong đó, trên địa bàn TPHCM có gần 370 cửa hàng. Hiện sản phẩm trong cửa hàng chủ yếu là hàng Việt Nam, chiếm đến 90%.
 
Với mong muốn đưa hàng Việt vươn xa hơn, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đề xuất cơ quan quản lý hàng hóa cần phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo từng ngành hàng; cơ sở sản xuất tuân thủ các quy định về môi trường; sản phẩm được chuẩn hóa kích cỡ; bao bì đóng gói sẵn theo hướng tối đa hóa tính tiện lợi; có thể trao đổi bằng pallet, QR code… Ngoài ra, các siêu thị cần liên kết thuê mặt bằng làm trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm Việt Nam.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu nước ngoài, nhiều siêu thị trong nước đã tổ chức các diễn đàn lắng nghe doanh nghiệp, tuần lễ giới thiệu sản phẩm ở các trung tâm và giới thiệu quy trình đưa hàng vào siêu thị. Triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt, điển hình là chính sách thanh toán ưu tiên cho nhà sản xuất trong nước, hỗ trợ chi phí trưng bày hàng hóa, tăng thời gian bán hàng thử nghiệm, ưu tiên bao tiêu cho HTX nông nghiệp có sản phẩm đạt chuẩn. 

Hàng Việt “nuôi” siêu thị

Qua số liệu thống kê, các siêu thị đang phát triển rất nhanh từ doanh số đến điểm bán và đó là thuận lợi rất cơ bản; tuy nhiên, siêu thị đang cạnh tranh rất khốc liệt từ công nghệ, quản lý nhân sự, áp lực trong quá trình hội nhập... Để hàng Việt vươn xa hơn phải có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động; định hướng cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt từ đầu tư nghiên cứu thị trường, cải tiến, áp dụng công nghệ; cam kết về số lượng và chất lượng cho đến phối hợp thông tin. Triển khai rộng rãi các bộ tiêu chí hàng hóa hiện hành, có lộ trình nâng cao bộ tiêu chuẩn, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng quy định cụ thể về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

TPHCM vừa mới công bố sản phẩm nông nghiệp chủ lực và Chính phủ cũng triển khai Chương trình OCOP Quốc gia (mỗi xã mỗi sản phẩm). Với diện tích 10.000ha sản xuất nông sản và 1.500ha trồng hoa lan, nhưng sản phẩm nông nghiệp TPHCM vào siêu thị rất ít. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, mong muốn: “Để thực hiện tốt CVĐ và phát triển nền nông nghiệp địa phương, siêu thị cần chủ động đặt hàng sản phẩm để hội phối hợp với các HTX sản xuất. Khi có đầu ra ổn định, nông dân sẽ hướng tới nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó hội đang phối hợp vơi Sở Công thương TPHCM xây dựng thương hiệu từ bao bì, truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận định với số lượng hàng Việt đang chiếm 90% tại các siêu thị, vậy chính hàng Việt đang nuôi sống siêu thị. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, thời gian qua, hàng Việt đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng cần phải nâng chất chuyên sâu để vận động người tiêu dùng tự mua. Chương trình “Chắp cánh hàng Việt” phải làm hàng chất lượng cao hơn để hướng tới xuất khẩu. Do đó, toàn bộ hệ thống phân phối hiện đại cần xây dựng một bộ tiêu chí hàng hóa, nếu doanh nghiệp sản xuất không đạt chuẩn thì không nhập vào. 


Để thuận lợi, các siêu thị phối hợp với Ban chỉ đạo CVĐ để thông báo đến các tỉnh, thành giới thiệu vùng sản xuất đáp ứng theo tiêu chí của siêu thị đặt ra. Siêu thị kết nối với nông dân bằng phần mềm công nghệ để quản lý vùng sản xuất, giá cả thu mua minh bạch với nông dân. Như vậy, TPHCM sẽ có vai trò hạt nhân của vùng để các tỉnh thành khác thay đổi cách sản xuất.

Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết trong bối cảnh thị trường mới, TPHCM quan tâm hỗ trợ để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt tuyên truyền quảng bá cho hàng Việt. Các kênh phân phối hiện đại trong nước phát triển góp phần thay đổi diện mạo vùng sản xuất, trung tâm; đồng thời cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI. Với bối cảnh cạnh tranh, tuy có thế mạnh nhưng thách thức rất lớn, siêu thị cần liên kết trong hệ thống chính trị, nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng để nâng chất lượng hàng hóa. Ngoài chương trình hàng năm, đề nghị siêu thị có thêm chương trình mới như sản phẩm mang tính chất vùng miền hay từ HTX. Tiếp tục mở thêm cửa hàng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TPHCM để phục vụ công nhân; đồng thời, hỗ trợ nông dân TPHCM tham gia nguồn hàng tại siêu thị, góp phần nâng cao chất lượng sống; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa vừa phục vụ tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu