Nhiều loại bánh Trung thu mới, giá tăng 3% - 7%

|

Theo các doanh nghiệp (DN), giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất bánh Trung thu năm nay tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá giấy và bao bì lại tăng rất cao nên đẩy giá bánh tăng từ 3% - 7% so với năm ngoái.\r\n

Người tiêu dùng chọn mua bánh Trung thu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Cũng chưa có mùa sản xuất bánh Trung thu nào các DN lại e ngại trong việc dự báo sức mua và công bố sản lượng chậm như năm nay. Để cạnh tranh, đảm bảo sản lượng đầu ra, thị trường bánh Trung thu đã và đang bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt.

Giá giấy carton tăng 30% 

Theo Công ty cổ phần Bibica, dịp Trung thu năm nay, công ty dự kiến đưa ra thị trường trên 600 tấn bánh (tăng 10% so với năm 2017) với khoảng 60 chủng loại, tập trung ở 3 loại bánh cao cấp, bánh dinh dưỡng và bánh truyền thống. Còn Công ty Kinh Đô, đến thời điểm này vẫn chưa công bố sản lượng bánh ra thị trường. Các DN khác cũng chỉ dừng ở mức giới thiệu bánh nhưng chưa công bố sản lượng cụ thể, cũng như mức tăng hay giảm so với những năm trước. Một DN có thâm niên sản xuất hơn 50 năm (đề nghị giấu tên) phân tích, sở dĩ các DN ngại công bố sản lượng là vì chưa dự đoán được sức mua có khả quan hay không. Các DN có thể chỉ tăng sản lượng từ 10% - 20% vì mức tiêu thụ bánh Trung thu những năm gần đây đã bão hòa. Có DN dự tính nếu sản lượng tiêu thụ bằng năm ngoái đã là quá tốt. Tuy nhiên, theo ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), thị trường bánh Trung thu trong nước năm nay tương đối khả quan. Số lượng khách sạn 5 sao và nhà hàng lớn đặt gia công bánh cũng tăng, từ 13 đối tác của năm 2017 lên 22 đối tác năm nay. 

Về giá bán, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, chủ Cơ sở bánh mứt Thành Long, giải thích nguyên nhân chính dẫn đến giá bánh tăng là do giá giấy nguyên liệu nhập khẩu tăng hơn 30%, chưa kể giá nhân công và các loại chi phí khác cũng tăng. “Việc mua nguyên vật liệu để sản xuất tuy gặp nhiều thuận lợi, nhưng do một số loại nguyên liệu tăng vì ảnh hưởng bởi tỷ giá nên cơ sở phải điều chỉnh giá bán tăng bình quân 5%. Còn nếu DN cứ căng theo giá nguyên liệu đầu vào để điều chỉnh giá bánh thành phẩm, chắc chắn sẽ rất ít người tiêu dùng có đủ tiền mua bánh. Để tiêu thụ được sản phẩm, DN buộc phải xoay xở, tính toán nhiều hơn để giảm chi phí, đồng thời chấp nhận giảm lợi nhuận để bù vào phần nguyên liệu tăng giá”, bà Ngọc Thúy cho biết. 

Dự kiến, mùa bánh Trung thu 2018, các DN tung ra sản lượng khoảng hơn 5.000 tấn bánh các loại với sự góp mặt của trên 50 thương hiệu và hàng trăm chủng loại bánh khác nhau, từ cao cấp đến bình dân. Hiện bánh đang có giá bán bình quân trên thị trường từ 38.000 - 500.000 đồng/cái, tương đương 150.000 - 2 triệu đồng/hộp 4 cái, tùy chủng loại và kích cỡ…

Cạnh tranh ở phân khúc cao cấp

Những năm gần đây, mỗi mùa Trung thu đến là dịp để các thương hiệu bánh chào hàng những sản phẩm mới. Trong đó, việc tận dụng tối đa các loại mứt trái cây để làm nhân bánh đang trở nên phổ biến như vị mứt dâu, mứt chanh mật ong, mứt cam, mứt kiwi… và chế biến theo phong cách ẩm thực đa dạng, lạ miệng; bánh được làm từ các nguyên liệu truyền thống như mứt củ sen, mứt vỏ bưởi, mứt củ năng cũng nhằm tạo sự khác biệt cho người dùng.

Theo đó, dòng bánh dinh dưỡng cao cấp cho người sợ béo, ngọt, ăn kiêng và tiểu đường, bánh chay… cũng được các DN chú trọng và liên tục thay đổi nhân bánh để tạo ra nhiều hương vị. Xu hướng sản xuất bánh Trung thu tươi (hay còn gọi “bánh nóng”) cũng được các thương hiệu đầu tư nhiều hơn. Thế mạnh của loại bánh này là mềm, thơm ngon nhưng do thời hạn bảo quản chỉ từ 15 - 20 ngày (trong khi bánh truyền thống để được từ 40 - 50 ngày) nên các DN chỉ sản xuất thăm dò thị trường hoặc theo đơn đặt hàng. Vẫn trên nền chiếc bánh Trung thu truyền thống, bánh rau câu là biến tấu độc đáo và được nhiều người tiêu dùng trẻ thích thú. Những chiếc bánh này được làm với lớp nhân bên trong vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống của khoai môn, trà xanh... nhưng lớp vỏ ngoài được làm bằng rau câu mềm, mát lạnh. 

Công ty cổ phần Bibica cũng tập trung đến dòng bánh Trung thu có lợi cho sức khỏe như bánh Mochi, bánh trái cây nhiệt đới, bánh làm từ nguyên vật liệu cao cấp sâm Ngọc Linh, tổ yến, hạt chia… Tuy nhiên, điểm nhấn của Bibica năm nay chính là bộ sản phẩm bánh rau củ, sử dụng hoàn toàn rau củ từ thiên nhiên, giàu dinh dưỡng. Loại bánh này chỉ bán trên kênh online BBC với thiết kế trẻ trung theo phong cách Origami và được xem là món quà ý nghĩa cho thiếu nhi trong mùa Trung thu 2018.

Bên cạnh các dòng bánh tiêu dùng trong nước, các DN cũng nỗ lực sản xuất bánh theo khẩu vị của người nước ngoài. Trong đó, ABC Bakery vừa xuất khẩu lô bánh Trung thu đầu tiên qua Mỹ vào đêm 6-8. Theo ông Kao Siêu Lực, các năm trước bánh Trung thu “made in Vietnam” có mặt tại thị trường này chủ yếu là dòng bánh giá rẻ. Điều này khiến người tiêu dùng Mỹ có suy nghĩ mặc định, bánh Việt Nam là loại bình dân, chuyên bán ở quầy “Mua 1 tặng 1”. Trong khi đó, bánh của Hồng Công, Malaysia, Singapore... luôn được đánh giá cao hơn. Trước mắt, ABC Bakery xuất 60.000 bánh Trung thu nhân ngọt để thăm dò phản ứng của người tiêu dùng Mỹ. “Bánh xuất sang thị trường Mỹ phải là bánh nhân ngọt vì quốc gia này không cho nhập bánh trong nhân có thịt hay trứng muối. Do đó, công ty chủ yếu xuất bánh Trung thu Tiramisu hay nhân sen lá dứa”, ông Cao Siêu Lực nói. 

Còn vài tuần nữa, thị trường bánh Trung thu sẽ bước vào cao điểm. Các DN vẫn không ngừng đầu tư, nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm ngày càng hoàn thiện về chất lượng và bao bì mẫu mã. Với người tiêu dùng, nên chọn lựa các loại bánh có thương hiệu, giá tiền vừa phải để tránh tình trạng lãng phí mỗi khi mùa Trung thu về.

Chưa phát hiện bánh Trung thu giá rẻ tại TPHCM

Liên quan đến thông tin bánh Trung thu sản xuất từ Trung Quốc có giá rất rẻ, chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/cái (loại 40g), đang được bán trên thị trường, phóng viên Báo SGGP đã khảo sát thực tế và ghi nhận tại TPHCM chưa phát hiện các điểm bán loại bánh này. Trao đổi với giám đốc kinh doanh của một DN sản xuất bánh Trung thu hàng đầu tại TPHCM, vị này cho biết, công ty đã cử nhân viên đến nhiều địa bàn để theo dõi, ghi nhận thông tin nhưng chưa thấy loại bánh siêu rẻ này bán tại thị trường TPHCM. Đại diện một số siêu thị cũng cho hay, họ chỉ nghe chứ chưa nhìn thấy loại bánh này. Tuy nhiên, nếu có cũng bị người tiêu dùng “tẩy chay” trước loại bánh giá rẻ bất ngờ này. 

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, cho biết đến thời điểm hiện tại, đoàn kiểm tra liên ngành của TP chưa phát hiện các loại bánh Trung thu giả, nhái của Trung Quốc. 

Trước đó, Chi cục QLTT TP đã triển khai kiểm tra, phối hợp cùng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM rà soát chặt chẽ việc kinh doanh bánh Trung thu các loại trên thị trường. Riêng tại cấp quận, huyện, các đội QLTT cũng chủ động giám sát, kịp thời báo cáo lãnh đạo Chi cục QLTT TP nếu có nghi vấn sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu kém chất lượng. Đồng thời, Chi cục QLTT TP cũng thường xuyên theo dõi thông tin báo chí phản ánh, để từ đó xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm nếu có. Theo ông Nguyễn Văn Bách, hiện sắp bước vào dịp Tết Trung thu nên đây cũng là cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung thu nói riêng và các loại hàng hóa, thực phẩm khác nói chung. 

Thị trường bánh Trung thu tại Trung Quốc đã khởi động vào giữa tháng 6 Âm lịch. Bánh được bán nhiều tại các cửa hàng bánh kẹo trên tuyến phố đi bộ như Giang Phủ Tỉnh (Bắc Kinh), Nam Kinh (Thượng Hải) và các trung tâm thương mại, với giá bán khá cao. Loại bánh tròn, nhỏ (40g) gồm nhiều loại nhân được bán đồng giá 18 CNY (nhân dân tệ)/bánh, tương đương 65.000 đồng/bánh. Như vậy, giá bánh Trung thu của Trung Quốc có thương hiệu cao gấp 3 lần so với giá bánh của Việt Nam. Từ thực tế trên cho thấy “của rẻ là của ôi”, người tiêu dùng cần thận trọng khi chọn mua các loại bánh nhằm tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

HẢI HÀ - THI HỒNG