Hàng Việt mở rộng trận địa

|

Nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt CVĐ), nhiều năm qua hàng Việt đã dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và được nhiều người tin dùng hơn. Để hàng Việt tốt hơn nữa, từng địa phương, doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Hàng Việt đã chiếm 80% trong chợ Tân Bình
Hàng chất lượng phủ sóng
Theo Hội Nông dân TPHCM, trên địa bàn TP có 401 điểm đăng ký kinh doanh sản phẩm an toàn tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Vissan, Satra, Sarifood… Từ năm 2015-2016, hội đã cấp mới 86 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với tổng sản lượng 33.056 tấn hàng hóa/năm (chưa tính trứng gia cầm và nước mắm). Trong đó, rau 16.963 tấn, thịt gà 5.836 tấn, thủy sản 1.558 tấn. thịt heo 8.559 tấn… Nhờ vậy, những cơ sở sản xuất theo dạng hộ gia đình đã không còn manh mún, nhỏ lẻ và thay vào đó tập trung theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Thông qua các mô hình này, sản phẩm được nâng cao chất lượng và từng bước có mặt trong các siêu thị của tập đoàn nước ngoài.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT TP cũng tổ chức nhiều chợ phiên định kỳ hàng tuần tại các công viên Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng, Kỳ Hòa… với những thực phẩm có chứng nhận VietGAP và đang tiếp tục nhân rộng ra nhiều nơi. Sở NN-PTNT TP cũng đã cấp giấy chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên rau củ quả với 689ha canh tác, dự kiến sản lượng 78.572 tấn/năm. Đồng thời, còn hỗ trợ thiết kế logo, bao bì cho 189 đơn vị, lập trang web cho 156 đơn vị…
Theo Ban chỉ đạo CVĐ quận 9, trên địa bàn quận hiện có 13 chợ truyền thống, 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 37 cửa hàng bình ổn, 22 cửa hàng tiện ích. Ban chỉ đạo CVĐ quận đã phối hợp với siêu thị tổ chức bán hàng lưu động hàng bình ổn, hàng Việt chất lượng cao đến các khu nhà trọ dành cho công nhân, sinh viên... Nhận thấy khu vực đông công nhân, sinh viên dễ dàng trở thành nơi hàng kém chất lượng xâm nhập nên hàng năm Ban chỉ đạo CVĐ quận 9 luôn thành lập đoàn kiểm tra chất lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng. 
Kinh doanh hàng Việt
Từ một chợ chủ yếu bán hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, nhưng nhờ có CVĐ, nay chợ Tân Bình đã có 80% sạp kinh doanh hàng Việt. Không những thế, nhiều hộ kinh doanh đã phát triển thương hiệu riêng cho mình và gắn nhãn mác lên sản phẩm. Các sản phẩm cũng từng bước nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đồng thời, ban quản lý chợ còn phối hợp với các tiểu thương tuyên truyền CVĐ, đã giúp khách hàng thay đổi tâm lý lựa chọn hàng Việt, thay vì sản phẩm ngoại nhập như trước đây. 
Tương tự, từ đơn vị chủ yếu xuất khẩu thủy hải sản nhưng nay Công ty Saigon Food đã bắt đầu gia nhập “sân chơi” hàng Việt khi cung ứng các sản phẩm tươi, thức ăn công nghiệp. Sản phẩm được sản xuất theo chuỗi cung ứng, đạt chuẩn xuất khẩu hoặc chuẩn  VietGAP. Công ty tự trang bị phòng kiểm nghiệm vi sinh với trang thiết bị tiên tiến, kiểm nghiệm các tiêu chuẩn nguyên liệu  nhập khẩu, cũng như sản phẩm trong suốt quá trình chế biến.  Tuy nhiên, Công ty Saigon Food cũng đề nghị ngoài các hội chợ, CVĐ cần “phủ sóng” hàng Việt Nam chất lượng cao trên nhiều kênh truyền thông khác như truyền hình, phát thanh, báo chí. 
Để hàng Việt được nhiều người biết đến, cần xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì, truy xuất được nguồn sản phẩm, công khai quy trình sản xuất… nhằm nâng cao chất lượng, uy tín…