Chấn chỉnh thái độ thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của người dân

|

Trong 3 năm qua, TPHCM đã thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở” với 2 nhiệm vụ trọng tâm, đó là văn hoá công sở và văn hoá con người trong công sở. Cụ thể, không chỉ thi đua làm cho công sở văn minh hơn, hiện đại hơn, xanh, sạch, đẹp hơn mà con người trong công sở đó làm việc tốt hơn, có trách nhiệm hơn, tận tuỵ hơn và có hiệu quả hơn. \r\n

Chiều 2-11, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở” trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2025. Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM dự và phát biểu tại hội nghị.

Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức chuyển biến rõ nét

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TPHCM Nguyễn Hoàng Hưng cho biết, qua 3 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 đã lan tỏa sâu rộng trên toàn Thành phố, đạt được một số kết quả nhất định. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động về xây dựng môi trường làm việc khoa học, trách nhiệm, văn minh được nâng lên. Ý thức trách nhiệm và phong cách ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong giao tiếp, giải quyết công việc với nhân dân chuyển biến rõ nét. Trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị được đầu tư xây dựng khang trang, đảm bảo đạt chuẩn văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp. 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THU HƯỜNG

Phong trào thi đua được triển khai dưới nhiều hình thức, đa dạng và phong phú, nội dung thi đua sáng tạo và được duy trì đều đặn, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực công tác. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hăng hái thi đua nâng cao chất lượng làm việc gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đạt được nhiều thành tích trong hoạt động th đua, góp phần tạo động lực thúc đẩy để hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan được giao.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, tuân thủ kỷ cương, kỷ luật hành chính, nội quy, quy chế của đơn vị; có ý thức tổ chức kỷ luật; giữ gìn đoàn kết nội bộ; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, luôn giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giao tiếp với người dân, doanh nghiệp; biết lắng nghe, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định liên quan đến công việc chuyên môn; thường xuyên rèn luyện tính chuyên nghiệp trong chuyên môn nghiệp vụ, duy trì chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; trang phục gọn gàng, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc.

Dịp này, UBND TPHCM đã trao tặng bằng khen cho 28 tập thể và 24 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2022.

Tại hội nghị, các đơn vị cho rằng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hoá công sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị về văn hoá công sở; xây dựng nội quy với những quy định yêu cầu mọi người phải thực hiện, có kiểm tra, đánh giá. Nghiên cứu ban hành quy chế về văn hoá công sở theo hướng quy đình rõ ràng hơn, sát với đặc thù công việc, có chế tài xử lý vi phạm cũng như khen thưởng đúng mức đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, phải coi việc thực hiện văn hoá công sở chính là một phần quan trọng của nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mà mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện.

Phải thống nhất về quy trình

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, TPHCM là Thành phố đông dân nhất cả nước, có hoạt động kinh tế sôi động nhất và có bộ máy hành chính lớn nhất cả nước. Trong 3 năm qua, TPHCM đã thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở” với 2 nhiệm vụ trọng tâm, đó là văn hoá công sở và văn hoá con người trong công sở.

Cụ thể, không chỉ thi đua làm cho công sở văn minh hơn, hiện đại hơn, xanh, sạch, đẹp hơn mà con người trong công sở đó làm việc tốt hơn, có trách nhiệm hơn, tận tuỵ hơn và có hiệu quả hơn. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tặng bằng khen của UBND TPHCM cho các tập thể. Ảnh: THU HƯỜNG

Đồng chí Võ Văn Hoan cũng điểm lại một số kết quả nổi bật qua 3 năm thực hiện phong trào thi đua, trong đó có lĩnh vực cải cách hành chính. Dù vậy, đồng chí nhận xét thực tế vẫn còn có nơi chưa hài lòng, còn nhiều chệch choạc giữa các cơ quan với nhau.

Theo đồng chí, mới đây, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TPHCM đã họp và chỉ ra nhiều việc phải thực hiện trên nền phải thống nhất, triệt để và yêu cầu phải có hiệu quả. Cụ thể, thống nhất ở đây là các cơ quan cùng chức năng, nhiệm vụ thì phải thực hiện đồng bộ những phần việc như nhau. Lấy ví dụ về việc số hoá hồ sơ cho người dân mà quận 1 đang làm rất tốt nhưng lại không được áp dụng trong tất cả các quận, huyện trên địa bàn TPHCM, đồng chí khẳng định tới đây Thành phố sẽ có chỉ đạo.

Hiện TPHCM có 88 danh mục thủ tục hành chính giải quyết trong ngày nhưng ở mỗi quận, huyện thực hiện vài thủ tục. “Tại sao chúng ta không có 10 danh mục thủ tục chung được áp dụng trong tất cả các cơ quan hành chính của Thành phố?”, đồng chí đặt câu hỏi và cho rằng nguyên nhân do thiếu sự thống nhất.

Theo đồng chí, chúng ta có sản phẩm, có nhân tố, có yếu tố tích cực, có sự sáng tạo, có mô hình nhưng chúng ta không phát triển thành những loại công việc mang tính pháp lý để thực hiện. “Nếu chúng ta không làm thì không cơ quan nào làm? Cái này ở quận phải lo cho phường, còn cấp Thành phố thì phải rà soát, đánh giá, hoàn thiện mô hình. Từ mô hình đó phải pháp lý hoá thành chủ trương, quyết sách của chính quyền Thành phố để phổ biến rộng rãi”, đồng chí Võ Văn Hoan gợi mở và cho rằng nếu làm được điều này thì TPHCM sẽ tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới. 

Các tập thể nhận bằng khen của UBND TPHCM vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”  trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2022. Ảnh: THU HƯỜNG

Đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế khác trong thực hiện phong trào thi đua. Trong đó, vẫn còn một số nơi thực hiện quy định tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất, một vài cán bộ tiếp dân ở cơ sở chưa tận tình lắng nghe ý kiến người dân, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

Một số ít cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ về mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở; có lúc, có nơi còn thiếu nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một vài bộ phận cán bộ, công chức còn chuyển biến chậm. Ngoài ra, trong cải cách thủ tục hành chính và một số lĩnh vực vẫn có nơi, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, người dân. 

Đồng chí đề nghị lãnh đạo các cơ quan đơn vị, địa phương có cần nghiêm túc đánh giá, phân tích dầy đủ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề ra các giải pháp khắc phục phù hợp với điều điều kiện cụ thể của từng cơ quan.

Để phong trào thi đua thời gian còn lại đi vào thực chất hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu các cơ quan, đơn vị lồng ghép phong trào này với các phong trào thi đua mà Thành phố đang triển khai thực hiện, như: gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chi Minh, gắn với Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực" do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động.



Chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trọng tâm là kiểm tra ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; kịp thời chấn chỉnh các hành vi gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc; thái độ thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của người dân.



Cùng với đó, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy trình ở từng cơ quan, đơn vị. Chuyển từ phong trào thi đua thành các nội dung cam kết mang tính ràng buộc của mỗi thành viên trong tổ chức; gắn kết quả thực hiện phong trào vào đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của đơn vị.